Mới đây, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận thai phụ V.T.H. (39 tuổi, ngụ Chí Linh, Hải Dương) khi mang thai lần 3 khi 37 tuổi 4 ngày, có biểu hiện mệt mỏi, 2 chân phù nề.
Tại bệnh viện, các kết quả xét nghiệm cho thấy thai phụ này tăng men gan gấp 13 lần (442.51U/L so với chỉ số thông thường là 5-34 U/L). Đồng thời, các chỉ số mỡ máu, axit máu và chức năng thận cũng bị rối loạn.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là những dấu hiệu điển hình của gan nhiễm mỡ cấp thai kỳ. Do đó, thai phụ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nhằm mổ lấy thai.
Sản phụ được chăm sóc tại bệnh viện sau khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Theo BS Vũ Thị Dung, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, sản phụ bị gan nhiễm mỡ cấp thai kỳ là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ tử vong rất cao.
“Việc cấp bách cần thực hiện là đưa thai nhi ra sớm nhất có thể. Nguyên nhân là nếu chậm trễ, chúng ta sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng của sản phụ và thai nhi”, vị chuyên gia nói.
May mắn, ca phẫu thuật đã diễn ra nhanh chóng và thành công, bé trai nặng 3,65 kg chào đời an toàn.
Sau phẫu thuật, sản phụ được theo dõi sát tình hình sức khỏe kết hợp với điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. 5 ngày sau mổ, sức khỏe của sản phụ ổn định, chị H. được cho xuất viện. Tuy nhiên, sau khi ra viện, sản phụ sẽ phải tái khám theo lịch hẹn để kiểm tra các chỉ số gan, thận, mỡ máu…
Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo việc kiểm tra sức khỏe định kỳ thai nhi với sản phụ cần được tiến hành tại các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa sản.
Khi có dấu hiệu bất thường, sản phụ và gia đình cần được tư vấn bởi các bác sĩ cũng như làm xét nghiệm tổng thể, tìm nguyên nhân, qua đó can thiệp kịp thời.
Trên thực tế, việc siêu âm đơn thuần rất khó phát hiện các chỉ số bất thường liên quan gan, thận… Do đó, chúng ta không thể chủ quan loại trừ gan nhiễm mỡ cấp cũng như rối loạn đông cầm máu… trong những trường hợp này. Chúng được đánh giá là những bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.