Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyễn Ánh 9: 'Tôi mắc nợ trọn kiếp...'

"Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm xúc với người con gái khác, sau mối tình đầu".

Nguyễn Ánh 9: 'Tôi mắc nợ trọn kiếp...'

"Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm xúc với người con gái khác, sau mối tình đầu".

- Có nhận xét rằng tình khúc của Nguyễn Ánh 9 dường như chỉ gắn với hình ảnh một người con gái đi qua đời ông và để lại trong ông những vết thương lòng không phai dấu?

- Đối với tôi, khi tâm hồn mình đang yêu, đang rung động thì mới có thể sáng tác hay. Nhiều ca khúc của tôi như: Không, Buồn ơi chào mi, Cô đơn, Kỷ niệm... thật sự có những hình ảnh về quá khứ của một cuộc tình đã qua và tôi cũng không giấu điều đó.

- Nghe nói ca khúc "Không" là vết thương lòng đầu tiên của ông sau khi chia tay mối tình đầu?

- Năm 18 tuổi, tôi gặp người con gái ấy và mối tình đầu chớm nở. Hai người tình thơ trẻ bị cuốn vào niềm đam mê đến choáng ngợp và mãnh liệt. Dường như số phận đã định đoạt, những mối tình quá đẹp thường khó vẹn toàn. Gia đình cô ấy không đồng ý cho con mình yêu anh nhạc sĩ nghèo như tôi. Ngăn không được trái tim đôi trẻ, cha mẹ nàng dùng kế ly gián, gây nghi ngờ, hờn giận giữa hai người rồi đưa nàng sang Pháp sống, hòng chia cắt mối tình “rồ dại” của chúng tôi.

Trong tâm trạng tan nát, bẽ bàng vì lầm tưởng bị người tình phụ rẫy, tôi đã viết bài Không. Ca từ “Không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa” như lời từ chối, như cố quên... Nhưng đằng sau những oán trách ấy là tình yêu không thể xóa nhòa và vết thương đó cứ gợi lên từ những ký ức dịu ngọt. Năm 1965, tôi lập gia đình và tin tưởng những dông bão của mối tình đầu sẽ ngủ yên. Tôi chăm chút một cách đầy trách nhiệm và hết mực cho vợ con, nhưng tôi không giấu được lòng mình.

Nguyễn Ánh 9: 'Tôi mắc nợ trọn kiếp...'

- Sau này ông còn có dịp gặp lại người ấy không?

- Năm 1974, tôi tình cờ gặp lại khi cô về Sài Gòn thăm gia đình, cô vẫn một mình, vẫn yêu tôi và chẳng oán trách gì tôi. Quả là đã lỡ làng! Có xót xa thật nhưng cũng đành sống như thế cho hết bi kịch một kiếp người. Chúng tôi lại xa nhau và mãi mãi. Tôi đã viết tất cả tình khúc của mình từ dư âm của mối tình đầu không trọn vẹn này. Đôi khi tôi cứ nghĩ đó là nỗi đau trời cho. Vì nếu tôi và cô ấy thành vợ chồng, chắc gì tình yêu sống mãi và chắc gì tôi đã có những ca khúc hay cho đời. Ký ức về tình yêu đó đã là điểm tựa để tôi nương náu, giữ gìn những gì trong lành nhất cho âm nhạc và cuộc sống của mình.

- Vợ ông chấp nhận điều đó?

- Vợ tôi hiểu điều đó hơn ai hết và đã không trách hờn gì tôi. Bà ấy đã rất nhẫn nại, bao dung. Gần 40 năm kết tóc xe tơ với tôi, bà chưa từng dằn vặt chồng, luôn câm lặng chịu đựng và chỉ nén khóc khi một mình ngồi nghe lại những bản tình ca tôi viết. Vợ tôi là một phụ nữ dịu hiền và nhân hậu, có thể nói chẳng phụ nữ nào đủ vị tha và hy sinh cho chồng mình như bà xã tôi. Tôi mắc nợ trọn kiếp với người bạn đời, bởi tình yêu đã vĩnh viễn câm lặng, trái tim tôi không còn cảm xúc với người con gái khác, sau mối tình đầu.

- Có phải vì vậy mà những ca khúc của ông nghe cứ như chạm vào những mất mát, tan vỡ và chia xa?

- Có người nói nghe ca khúc của tôi thấy Nguyễn Ánh 9 rất lụy tình. Nhưng nếu xét kỹ về giai điệu, tôi là người mang phẩm chất lãng mạn đặc biệt. Tâm hồn nghệ sĩ của tôi như những dây tơ mỏng, có thể rung lên vì bất cứ “cú chạm” nào của số phận. Mà số phận thường đặt tôi vào những nỗi đau, bởi vậy nhạc của tôi như được dành riêng cho những mất mát, tan vỡ và chia xa nhưng vẫn giữ kỷ niệm đẹp cho nhau.

- Ông đã từng nói: “Tôi không coi âm nhạc là nghiệp mà là cuộc sống của mình. Rời xa nó, tôi thấy mình đau yếu và khó thở...” nhưng đã có dạo ông tuyên bố gác bút, không sáng tác nữa, tại sao?

- Đã có những lúc tôi nản lòng vì không viết được nữa, cảm hứng cứ trôi tuột mất. Tôi đã từng làm công nhân Bến xe Miền Tây, rồi quay về mở lớp dạy dương cầm. Khi phong trào phim Việt Nam bắt đầu nở rộ, tôi được mời viết nhạc nền cho một số phim: Mảnh tình nghiệt ngã, Mênh mông tình buồn. Những năm cuối thập niên 80 - 90 thế kỷ trước, tôi bắt đầu quay lại sáng tác. Và một số ca khúc: Tình yêu đến trong giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa Cô đơn đã ra đời. Buồn thì nói gác bút nhưng cũng một phần là tôi muốn có thời gian chăm sóc cho bà xã. Cả đời bà ấy đã lo lắng cho tôi quá nhiều.

- Những điều ông kể có lẽ là một chương trong hồi ký của mình sau này?

- Tôi chưa nghĩ đến việc sẽ viết hồi ký nhưng qua chương trình Nửa thế kỷ với âm nhạc của tôi đã diễn ra trong nước và sắp diễn ra vào ngày 26/6 tại Mỹ, khán giả yêu nhạc trong và ngoài nước sẽ cảm nhận được phần nào qua những ca khúc được ca sĩ thể hiện. Tôi sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình Nửa thế kỷ với âm nhạc của tôi ở nhiều nơi trong nước để tạ ơn đời, tri ân tình thương của khán giả đã dành cho mình suốt 50 năm qua. Hôm ra Huế tham gia diễn với Ánh Tuyết trong chương trình Lời thiên thu gọi tại Vườn Cơ Hạ - Đại nội Huế, tình cảm khán giả dành cho tôi thật nồng ấm. Tôi thấy mình thật hạnh phúc.

Theo Người Lao Động

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm