Ngày 19/7, nhạc sĩ Nguyễn Cường giới thiệu tác phẩm âm nhạc mới mang tên Đà Giang đại hợp xướng tại Hòa Bình. Buổi giới thiệu có sự góp mặt của nhiều quan chức Hòa Bình cùng đông đảo văn nghệ sĩ nổi tiếng như Giáo sư Chu Minh, nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sĩ Văn Thao, nhà văn Nguyễn Đình Chính, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Thụy Kha…
Đây là tác phẩm được đặt hàng nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Mường (Hòa Bình). Qua một năm từ tháng 2/2015 đến tháng 6/2016 với sự tạo điều kiện của doanh nhân văn hóa Vũ Duy Bổng, cùng các nhà nghiên cứu dân gian dân tộc Mường, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã tiến hành điền dã thực tế, tìm hiểu đời sống văn hóa, lịch sử và sáng tạo ra tác phẩm Đà Giang đại hợp xướng.
Tác phẩm gồm 4 chương: Đà Giang Bi Vang Thàng Động, Thuyền du bến nước sông trăng, Đường lên Tây Bắc, Ta xây thành phố mơ cùng sông Đà. Xuyên suốt 4 chương, nhạc sĩ đã dùng âm nhạc cồng chiêng dân gian Mường để biến tấu sáng tác thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho tác phẩm đại hợp xướng mang tính hàn lâm và chuyên môn cao.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức |
Đà Giang đại hợp xướng được các nhà sử học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ tham dự họp báo đánh giá cao vì thể hiện sự hào hùng, dữ dội, hùng tráng của dòng sông Đà và nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường cũng như phác họa được lịch sử của tỉnh Hòa Bình.
Trước khi diễn ra họp báo ở Hòa Bình, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã giới thiệu tác phẩm đến các nhạc sĩ trong giới. Nhiều nhạc sĩ khi nghe xong đã thốt lên, đây là bản hợp xướng có lời sánh ngang với Hồng Hà đại hợp xướng nổi tiếng của Trung Quốc. Phát biểu tại buổi giới thiệu, nhà văn Nguyễn Đình Chính cũng chia sẻ khi nghe tác phẩm ông liên tưởng ngay đến tác phẩm Hoàng Hà đại hợp xướng của Trung Quốc.
“Nguyễn Cường thể hiện mình là một người luôn tìm tòi và tươi mới. Đây thực sự là một công trình lớn của âm nhạc trong thế kỷ XXI, là một huyền thoại mới trong nghệ thuật, nói như người xưa thì là thi gan cùng tuế nguyệt” – nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ quan điểm.
Nhà sử học Dương Trung Quốc tự nhận mình là một người ngoại đạo trong âm nhạc nên xin được bày tỏ cảm xúc ở góc độ lịch sử. Ông cho biết: “Không phải ngẫu nhiên mà sông Đà chảy qua dân tộc Mường. Đây là nơi gốc gác, tối cổ nhất của người Việt. Dòng sông hào hùng, cuồn cuộn, dữ dội chính là sông Đà. Sông Đà góp phần không nhỏ tạo nên bình nguyên màu mỡ cho dân tộc Việt Nam. Do vậy, đây không chỉ là hợp xướng nói về dòng sông mà còn là tác phẩm nói về chính con người Việt”.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: Quang Đức |
Bên cạnh những lời khen tặng cũng có nhiều ý kiến góp ý để tác phẩm mới của nhạc sĩ Nguyễn Cường hoàn thiện hơn. Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng tác phẩm dương tính hơi mạnh cần âm tính hơn thông qua việc thêm tiếng cồng chiêng hoặc hát then. Bên cạnh đó, bà cũng cho rằng nên dùng từ "Sông Đà" hơn là "Đà Giang" vì "Đà Giang" là từ Hán Việt. Nhà văn Trần Thị Trường và giáo sư Chu Minh đồng ý với nhận định “dương quá mạnh” của nhà phê bình.
Trong "bộ tứ sông Hồng", Nguyễn Cường được mệnh danh là nhạc sĩ của những bản nhạc tiền tỷ. Trước đó là Đại bàng giọt đắng, do doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Sau đó là tỉnh Gia Lai đặt ông viết hợp xướng Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông với số tiền gần 3 tỷ đồng. Và mới đây nhất là Đà giang đại hợp xướng viết cho tỉnh Hòa Bình nhân kỷ niệm 130 năm thành lập. Trong hơn 30 phút của tác phẩm, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã khái quát được toàn bộ lịch sử của tỉnh Mường một cách tinh tế và tài tình.
Với nhạc sĩ Nguyễn Cường, đây là "siêu phẩm" lớn nhất, ưng ý nhất trong sự nghiệp của ông. Sinh ra trong giai đoạn âm nhạc đỉnh cao, Nguyễn Cường đến với âm nhạc bằng "tâm hồn Betthoven" nên viết các tác phẩm hợp xướng mới là mục tiêu mà ông hướng đến chứ không phải là những ca khúc, dù nó khiến ông được công chúng biết đến nhiều.