Sau hàng loạt các cửa hàng của Nhật Cường Mobile bất ngờ bị công an khám xét, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhật Cường Mobile) và 8 người khác để điều tra về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Cảnh sát tạm giữ nhiều thùng hàng khi khám xét các cửa hàng của Nhật Cường Mobile. Ảnh: Hải Nam. |
Bộ Công an xác định Huy và đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.
Vụ việc trên khiến nhiều người nhớ lại chuyên án 16 năm trước tại Công ty TNHH Đông Nam tại TP. HCM. Vụ án được dư luận thời ấy quan tâm vì đại gia Nguyễn Gia Thiều (Giám đốc công ty) là chồng của hoa hậu Hà Kiều Anh (Hoa hậu Việt Nam năm 1992).
Nguyễn Gia Thiều là Việt kiều Pháp cùng anh trai thành lập Công ty TNHH Trọng Thăng, chuyên kinh doanh máy vi tính vào năm 1993. Đến năm 1999, công ty trên đổi tên thành Công ty TNHH Đông Nam, có vốn điều lệ 45 tỷ đồng và kinh doanh thêm mặt hàng điện thoại di động.
Đầu năm 2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bất ngờ phong tỏa, khám xét và thu giữ nhiều tài liệu từ các điểm kinh doanh của Công ty TNHH Đông Nam. Đồng thời, nhà của hoa hậu Hà Kiều Anh cũng bị khám xét. Tại đây, cảnh sát đã thu giữ 1 két sắt chứa 200.000 USD.
Vài hôm sau, cơ quan cảnh sát điều tra có quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Gia Thiều và các đồng phạm.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 1999-2002, Thiều đã nhập lậu 39.000 chiếc điện thoại di động có tổng giá trị gần 149 tỷ đồng.
Thiều đã thành lập nhiều công ty con đặt trụ sở tại TP.HCM và Hà Nội để kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, sửa chữa, bảo hành. Thiều kết nối với các nhân viên hải quan và hàng không để nhập lậu mặt hàng này về Việt Nam.
Ngoài ra, Thiều ký hợp đồng với Công ty Đông Nam Hong Kong do chị dâu là Bùi Thiên Kim làm giám đốc, để hạ thấp giá mua điện thoại so với thực tế nhằm trốn thuế nhập khẩu với số tiền gần 100 tỷ đồng.
Để trả số tiền chênh lệch mua điện thoại không thể thanh toán qua ngân hàng, Thiều chỉ đạo kế toán cấu kết với nhân viên ngân hàng chuyển tiền trái phép cho Công ty Đông Nam Hong Kong. Thiều đã chuyển trái phép ra nước ngoài 21,1 triệu USD.
Năm 2005, sau nửa tháng xét xử, tòa tuyên Nguyễn Gia Thiều 20 năm tù về tội Buôn lậu và Trốn thuế. Ảnh: Tiền Phong. |
Thủ đoạn trốn thuế của Thiều là khai thấp giá trị hàng hóa so với thực tế, không báo cáo thuế, chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, lập các chứng từ giả mạo chứng từ để trốn thuế. Ngoài ra còn dùng tiền mua chuộc, lôi kéo các cán bộ hải quan để tuồn hàng lậu vào trong nước.
Trong vụ án này, ngoài những nhân viên thuộc cấp của Thiều bị xét xử với vai trò đồng phạm giúp sức, còn có 7 cán bộ, nhân viên hải quan và hàng không bị xét xử vì tội Buôn lậu; 8 nhân viên hải quan thuộc Chi cục Hải quan Nội Bài bị xét xử tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2005, TAND TP.HCM đã tuyên Nguyễn Gia Thiều 20 năm tù về tội Buôn lậu và Trốn thuế. Thiều buộc phải nộp 148 tỷ đồng thu lợi từ buôn lậu, nộp bổ sung một lần giá trị tiền trốn thuế và tiền trốn thuế là gần 200 tỷ đồng.
HĐXX cũng tuyên án tù đối với 16 đồng phạm của Thiều trong vụ án trên với các tội Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi bị TAND TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù với 2 tội danh Buôn lậu và Trốn thuế, Nguyễn Gia Thiều đã có đơn kháng cáo, kêu oan tội Buôn lậu. Ngoài ra, hoa hậu Hà Kiều Anh cũng đơn kháng cáo về số tiền 200.000 USD trong két sắt bị tịch thu tại nhà.
Hà Kiều Anh cho rằng đây là số tiền của cá nhân và gia đình, không phải của Nguyễn Gia Thiều như tòa sơ thẩm tuyên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tuyên bác đơn kháng cáo của Nguyễn Gia Thiều, giữ nguyên mức án. Về số tiền 200.000 USD trong két sắt thu giữ tại nhà Hà Kiều Anh, HĐXX khẳng định có đủ chứng cứ cho thấy đây là khoản tiền do Nguyễn Gia Thiều buôn lậu mà có.