Xước măng rô chủ yếu xảy ra ở ngón tay, nhưng cũng xuất hiện ở ngón chân. |
Xước măng rô, hay còn gọi là xước móng rô, là những mảnh da hoặc lớp biểu bì bị rách nhỏ gần móng tay. Nó chủ yếu xảy ra ở ngón tay, nhưng cũng xuất hiện ở ngón chân. Mặc dù không gây hại hoặc nghiêm trọng, nếu không được điều trị thích hợp, các vết xước măng rô có thể bị nhiễm trùng.
Vì sao lại bị xước măng rô?
Theo Healthgrades, có một số nguyên nhân gây ra xước măng rô, bao gồm:
- Da khô và mất nước: Da khô và móng tay khô có thể dẫn đến xước măng rô. Ví dụ, nó phổ biến hơn trong những tháng mùa đông. Khi da và lớp biểu bì trở nên khô, chúng dễ bị rách hoặc tổn thương hơn, dẫn đến hình thành xước măng rô. Không uống đủ nước cũng có thể dẫn đến da khô.
- Cắn xung quanh móng tay: Nếu bạn thường xuyên cắn móng tay hay vùng da xung quanh móng tay, điều này có thể dẫn đến vết xước.
- Cắt vào lớp biểu bì: Những người thường xuyên đi làm móng tay dễ bị xước măng rô hơn vì người làm móng sẽ cắt lớp biểu bì gần vùng móng tay.
- Rửa tay quá nhiều (hoặc làm công việc phải rửa tay nhiều): Theo tạp chí Women's Health, những người làm việc với nhiều hóa chất hoặc tiếp xúc nhiều với nước thường xuyên, như đầu bếp, nhân viên pha chế, nhân viên y tế... sẽ dễ bị xước măng rô hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra với những bà mẹ mới sinh thường xuyên rửa tay sau khi thay tã và những người nghiện nước rửa tay. Về cơ bản, việc rửa tay quá nhiều sẽ khiến da bạn khô nhanh hơn, có thể làm nứt hoặc tách lớp biểu bì.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu một số chất dinh dưỡng có thể khiến da khô và móng giòn. Các dưỡng chất chính giúp da và móng đẹp là vitamin B, C và sắt. Chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp làn da và móng tay của bạn khỏe mạnh.
- Một số bệnh lý về da: Eczema, nấm da, viêm da ở tay và chân cũng là nguyên nhân gây xước măng rô. Vi khuẩn, nấm làm tổn thương vùng da quanh móng chân, móng tay và bong thành từng sợi. Thậm chí, chúng còn làm tổn thương cả móng.
Cắn móng tay thường xuyên là thói quen thường gặp khiến nhiều người dễ bị xước măng rô. Ảnh minh họa: Healthdigest. |
Điều nên và không nên làm khi bị xước măng rô
Nếu bạn muốn biết cách loại bỏ những vết xước, điều quan trọng là không nên cố gắng làm rách những vết xước. Việc xé bỏ các mảnh da này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hơn là cải thiện chúng.
Hơn nữa, những thói quen này còn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tiến sĩ Neha Vyas, chuyên gia y học gia đình tại Cleveland Clinic, khuyến cáo: Có các dây thần kinh và mạch máu bên dưới vùng xước măng rô. Vì vậy, bạn có thể tự gây chảy máu, nhiễm trùng và đau đớn nếu cắn, xé bỏ chúng.
Nếu vết xước măng rô của bạn bị nhiễm trùng, nó có thể bị đỏ, kích ứng da xung quanh. Nếu nhiễm trùng lan rộng hoặc trầm trọng hơn, bạn có thể bị sốt và ớn lạnh.
Theo Học viện Da liễu Mỹ (AAD), một số phương pháp điều trị đơn giản tại nhà có thể giúp điều trị vết xước măng rô:
- Ngâm nước ấm: Để giảm đau và đỏ, hãy ngâm tay trong nước ấm. Điều này cũng làm mềm da, giúp việc cắt xước măng rô dễ dàng hơn.
- Thoa kem dưỡng ẩm và dầu biểu bì: Điều này có thể cải thiện làn da khô, thúc đẩy quá trình chữa lành và giúp kiểm soát sự khó chịu. Hãy tìm những sản phẩm có chứa glycerin, lanolin hoặc vitamin E.
- Sử dụng nha đam và vitamin E: Thoa gel lô hội hoặc dầu vitamin E lên khu vực bị xước măng rô có thể làm dịu da, giảm mẩn đỏ và hỗ trợ quá trình lành vết thương. Cả hai đều được biết đến với tác dụng giữ ẩm và chữa bệnh.
- Cách cắt bớt vết xước: Bạn có thể cắt bớt những vết xước bằng dụng cụ cắt móng tay đã được khử trùng. Nếu bạn vô tình cắt vào vùng da bên dưới và nếu nó bắt đầu chảy máu, hãy:
- Rửa sạch với nước
- Phủ chất kháng khuẩn
- Băng vùng đó cho đến khi lành hoàn toàn.