Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân khiến bạn bị ho vào ban đêm

Ho vào ban đêm có thể là triệu chứng cảnh báo một số tình trạng sức khỏe phổ biến như hen suyễn, trào ngực dạ dày thực quản, viêm phổi hay ho gà.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ho vào ban đêm. Ảnh: Everydayhealth.

Ban đêm là thời điểm cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục để tăng cường sức khỏe, chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi nằm xuống sau một ngày dài cảm thấy khó chịu, bạn không thể ngừng ho. Đúng lúc bạn cần ngủ nhất, triệu chứng ho lại nặng hơn, dẫn đến trằn trọc cả đêm.

Theo tạp chí Health, tiến sĩ Jonathan Parsons, nhà nghiên cứu về phổi tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ), giải thích ho là cơ chế bảo vệ để làm sạch đường thở của bạn. Đây là cách để biết cơn ho ban đêm đó có nghĩa là gì.

Chảy dịch mũi sau

Chảy dịch mũi sau, còn được gọi là hội chứng ho đường hô hấp trên, là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ho mạn tính. Tiến sĩ Parsons cho biết nguyên nhân là chất nhầy chảy xuống cổ họng (do dị ứng hoặc cảm lạnh), kích thích các đầu dây thần kinh, gây ra ho.

Cùng với ngứa mắt, hắt hơi và nghẹt mũi, chảy dịch mũi sau có thể là triệu chứng của dị ứng mũi. Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng, hãy thử dùng thuốc kháng histamine không kê đơn, thuốc xịt mũi hoặc thuốc thông mũi.

Hen suyễn

Những người mắc bệnh hen suyễn bị viêm đường thở, có thể gây khó thở cũng như thở khò khè và ho. Ho do hen suyễn thường nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm. Ngoài ra, tức ngực và khó thở có thể đi kèm với bệnh hen suyễn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 2 loại thuốc có thể điều trị hen suyễn: Thuốc cắt cơn nhanh giúp giảm triệu chứng và thuốc dùng hàng ngày để kiểm soát các cơn hen suyễn.

GERD

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Tiến sĩ Joseph Khabbaza, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Cleveland Clinic, cho biết nếu bạn chỉ ho vào ban đêm, trào ngược axit có thể là nguyên nhân gây ra ho vì axit trong dạ dày trào lên khi bạn nằm ngủ vào ban đêm.

Trong khi đó, tiến sĩ Parsons cho biết: "Dấu hiệu điển hình là cơn ho bắt đầu ngay khi bạn nằm trên giường vào ban đêm". Các triệu chứng khác có thể bao gồm tức ngực, khó nuốt, khó thở. Ngoài ra, tiến sĩ Khabbaza khuyên bạn nên ăn tối trước khi đi ngủ khoảng 3-4 giờ để tránh bị ho suốt đêm.

Rối loạn phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí thũng. Tiến sĩ Parsons cho biết nó giống một cơn ho khan tạo ra nhiều chất nhầy, đặc biệt là vào buổi sáng. Nguyên nhân chính của COPD được cho là hút thuốc lá.

Bệnh nhân COPD cũng có thể gặp các triệu chứng như khó thở (đặc biệt là với hoạt động thể chất), thở khò khè, tức ngực, có âm thanh huýt sáo khi thở.

Ho vao ban dem anh 1

Ho vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mệt mỏi, uể oải. Ảnh: Popsugar.

Thuốc ức chế men chuyển

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) là loại thuốc thường được kê đơn để điều trị huyết áp cao. Một trong những tác dụng phụ phổ biến của ACE là ho khan có thể xảy ra vào ban ngày hoặc ban đêm. Nghiên cứu được công bố vào năm 2014 trên tạp chí Clinical and Experimental Hypertension cho thấy ACE gây ho ở khoảng 20% số người tham gia.

Tiến sĩ Parsons cho biết cơn ho liên quan đến thuốc bắt đầu vài tuần sau khi dùng những loại thuốc này. Vì vậy, bạn có thể không nhận ra rằng cơn ho của mình có liên quan đến thuốc. Nếu cơn ho của bạn nhẹ, bạn có thể chuyển sang một loại thuốc ức chế men chuyển khác. Tuy nhiên, nếu nó nghiêm trọng, bạn sẽ muốn chuyển hoàn toàn sang một loại thuốc huyết áp khác, chẳng hạn thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) như Cozaar.

Viêm phổi

Đây là bệnh nhiễm trùng xảy ra trong phổi. Viêm phổi có thể gây ra ho có đờm, sốt, ớn lạnh, khó thở, đau ngực khi ho hoặc hít thở sâu. Bạn có thể được xác định viêm phổi bằng cách sử dụng ống nghe lồng ngực, chụp X-quang và xét nghiệm máu để xác định xem đó là virus hay vi khuẩn.

Cách điều trị viêm phổi do vi khuẩn là sử dụng kháng sinh. Nếu nguyên nhân là virus, biện pháp khắc phục duy nhất là nghỉ ngơi và dùng thuốc ho không kê đơn.

Ho gà

Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở hệ hô hấp. Ho là triệu chứng chính của bệnh ho gà và có thể trở nên dữ dội, đặc biệt là vào ban đêm. Các triệu chứng đầu tiên giống cảm lạnh thông thường: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, sốt và ho. Nhưng sau khoảng một tuần, các dấu hiệu ho điển hình xuất hiện, với cơn ho dữ dội đến mức bạn có thể nôn mửa hoặc mặt tái xanh, đỏ.

Bệnh ho gà rất dễ lây lan, nhưng may mắn là đã có vaccine để ngăn ngừa lây lan. Bệnh ho gà được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu chất nhầy. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị tình trạng này.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Nhận biết vấn đề sức khỏe qua cơn ho

Ho khan, ho có đờm hay ho mạn tính có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn, dị ứng.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm