Theo Medical Daily, trong nghiên cứu được thực hiện với 23.995 phụ nữ Nhật Bản, người ngủ ít (dưới 6h mỗi đêm), có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn so với những người ngủ 7-8h.
Các nhà nghiên cứu cho rằng melatonin được tiết ra chủ yếu vào ban đêm là yếu tố quan trọng trong mối liên hệ giữa giấc ngủ và bệnh ung thư. Thiếu ngủ khiến mức độ melatonin thấp và làm gia tăng nguy cơ ung thư vú.
Bên cạnh đó, việc ngủ muộn dễ gây ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cơ thể có nhịp sinh học cố định. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra, những người nữ ngủ 7h hoặc ít hơn mỗi đêm dễ bị bệnh mạch vành hơn so với những người ngủ trung bình 8h mỗi đêm.
Trong nghiên cứu khác, người chỉ ngủ trung bình 5h mỗi đêm có nguy cơ gặp tai biến tim mạch như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, nhiều gấp 2-3 lần so với người ngủ đủ. Kết quả tương tự đã được đưa ra trong các nghiên cứu kiểm tra sức khỏe tim mạch ở người làm việc ca và nhóm không cố định nhịp sinh học.
Tuy nhiên, nghiên cứu của trường Y Penn State lại nhận thấy rằng trong số 1.700 người được khảo sát trong hơn 14 năm, những người đàn ông bị thiếu ngủ có nhiều khả năng chết sớm hơn những người nghỉ ngơi hợp lý gấp 4 lần.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Warwick (Anh) và Đại học Federico II (Ý) đã phân tích 16 nghiên cứu liên quan đến tổng số 1,3 triệu người và đưa ra kết luận chất lượng giấc ngủ có liên quan đến bệnh tim, huyết áp cao, béo phì, tiểu đường loại 2 và cholesterol cao.
Giáo sư Francesco Cappuccio, lãnh đạo của tạp chí Sleep, Chương trình Y tế và Xã hội tại Đại học Warwick và tư vấn bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Coventry (Anh) cho biết: “Xã hội hiện đại ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Vấn đề này xảy ra phổ biến hơn ở những người lao động toàn thời gian. Đây có thể là do áp lực xã hội về thời gian làm việc kéo dài”.
Các bác sĩ khuyên bạn nên ngủ 7-8h mỗi đêm để cảm thấy khỏe khoắn vào ngày hôm sau và tránh mắc phải các bệnh liên quan.