Theo báo cáo cập nhật tình hình dịch Covid-19 của Sở Y tế TP.HCM, số lượng trẻ em mắc Covid-19 trong tuần qua có xu hướng tăng hơn so với tuần trước.
Tại các bệnh viện nhi, số trẻ mắc Covid-19 cần nhập viện điều trị nội trú dù không biến động nhiều, song lượng trẻ em đến khám ngoại trú tăng khá cao.
Số trẻ đến viện khám tăng 16 lần so với đầu tháng 2
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tổng số ca nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong tuần trên địa bàn từ ngày 1/3 đến ngày 7/3 là 37.449 (cao gần gấp đôi so với tuần trước đó).
Số ca nghi nhiễm tăng đều ở các khối, trong đó khối tiểu học vẫn cao hơn các khối còn lại.
Tình hình số trường hợp nghi mắc COVID-19 trong trường học (từ ngày 7/2-7/3) | |||||||
Tuần 7-13/2 | Tuần 14-21/2 | Tuần 22-28/2 | Tuần 1-7/3 | ||||
Giáo viên | Học sinh | Giáo viên | Học sinh | Giáo viên | Học sinh | Giáo viên | Học sinh |
139 | 449 | 706 | 6.799 | 1.471 | 18.028 | 3.247 | 34.202 |
Lý do F0 tăng là nhà trường chủ động tầm soát các học sinh, giáo viên, người lao động có triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi. Ngoài ra, các trẻ được phát hiện dương tính sau khi được xét nghiệm định kỳ F1 hoặc gia đình tự test nhanh.
Tại 3 bệnh viện nhi được Sở Y tế phân công tiếp nhận và điều trị trẻ em mắc Covid-19 (Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), số trẻ em được phát hiện dương tính tại phòng khám có xu hướng tăng cao, dao động từ 600 đến hơn 800 trường hợp.
Khu vực phòng khám sàng lọc Covid-19 và chờ nhận kết quả test nhanh tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đông phụ huynh đưa con đến khám bệnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, số trẻ nhập viện điều trị nội trú tăng không đáng kể. Hiện tại, 3 bệnh viện của thành phố điều trị 20 trẻ cần hỗ trợ hô hấp (gồm 12 ca ở tỉnh, 8 ca ở TP.HCM).
Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), tổng số lượt trẻ khám ngoại trú liên quan các triệu chứng đường hô hấp từ đầu tháng 3 đến nay tăng đột biến.
Mỗi ngày, khoảng 400-500 ca cần sàng lọc Covid-19. Ngày cao điểm, khoảng 557 trẻ khám ngoại trú, tăng gấp 16 lần so với thời điểm đầu tháng 2.
"Tỷ lệ trẻ có triệu chứng được xét nghiệm và phát hiện dương tính ở bệnh viện khoảng 80-90%", bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết.
Số trẻ em mắc Covid-19 nhập viện và khám ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 2 | |||||||
Nguồn: BVCC. | |||||||
Nhãn | 1/3 | 2/3 | 3/3 | 4/3 | 5/3 | 6/3 | |
Trẻ nhập viện | trẻ | 39 | 31 | 32 | 37 | 50 | 54 |
Trẻ khám ngoại trú | 473 | 533 | 410 | 462 | 557 | 546 |
Phân tích nguyên nhân khiến số lượng này tăng cao, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải cho biết ngoài việc chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, phần nhiều là do tâm lý lo lắng của phụ huynh.
"Đa số trẻ mắc Covid-19 có biểu hiện nhẹ nhưng phụ huynh thường rất lo lắng nếu bé sốt cao hay khàn tiếng. Họ cần đến bệnh viện để có lời khuyên của bác sĩ. Với trẻ không thuộc nhóm nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe của bé tại nhà", bác sĩ Hải nói.
Khi nào trẻ mắc Covid-19 cần đến bệnh viện?
Theo thống kê từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, hầu hết trẻ nhỏ mắc Covid-19 trong đợt này đều có biểu hiện bệnh rất nhẹ, tỷ lệ chuyển biến nặng cũng thấp hơn. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ khi bé mắc Covid-19.
"Cha mẹ không nên lo lắng quá mức nếu bé sốt, ho thông thường, cần bình tĩnh xử trí như những lần trước trẻ bệnh, không vội vàng hay hoảng loạn. Cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện một trong những dấu hiệu có nguy cơ chuyển nặng", bác sĩ Hải khuyến cáo.
Một bé trai bị sốt sau khi mắc Covid-19, được mẹ đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Những dấu hiệu này gồm: Sốt cao liên tục trên 40 độ C; sốt cao nhưng không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát người; bỏ ăn uống, li bì, lừ đừ, nôn ói nhiều, tiêu chảy mất nước, bứt rứt, không đùa giỡn; khó thở, nhịp thở nhanh hơn, phập phồng cánh mũi, co lõm hõm ức, co kéo các khoảng liên sườn...
Theo ý kiến của bác sĩ, phụ huynh nên tìm hiểu, tham khảo ý kiến tư vấn của những nhân viên y tế có chuyên môn và kênh thông tin chính thống về cách chăm sóc trẻ.
Điều này giúp giảm đáng kể số lượng trẻ đến khám ngoại trú, tiết kiệm thời gian chờ đợi và giảm nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ không mắc Covid-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng khoa Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Thạch, cũng cho rằng trước tình hình số ca F0 tại các gia đình tăng do học sinh đến trường trở lại, cần làm tốt công tác giúp người dân được tiếp cận y tế sớm nhất.
"Nhân viên y tế cơ sở có thể kịp thời tư vấn, hướng dẫn phụ huynh cách theo dõi, chăm sóc trẻ, kịp thời trấn an phụ huynh và đưa ra các chỉ định phù hợp. Điều quan trọng là cách tốt chức hệ thống y tế cơ sở có linh hoạt để ứng phó với các tình huống này hay không", bác sĩ Vân Anh nói.