Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm

Theo chuyên gia, dậy thì sớm là tình trạng sức khỏe của trẻ cần được phòng tránh từ trước thay vì khi xuất hiện rồi mới điều trị.

Thống kê trong giai đoạn tháng 9/2017 đến tháng 4/2021 của Bệnh viện Nhi Trung ương được công bố mới đây cho thấy cơ sở này đã chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).

Theo đại diện của Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ dậy thì sớm dao động từ 1/10.000 đến 1/5.000, ở nữ thường cao hơn nam. Các báo cáo gần đây tại Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cho thấy tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ đang tăng lên rõ rệt.

Thực trạng này phần nào đang tạo ra tâm lý lo lắng cho nhiều cha mẹ. Tuy nhiên, chúng cũng là lời nhắc nhở để các phụ huynh tìm hướng phòng tránh cũng như có sự chuẩn bị trước cho con trẻ.

Nguyên nhân

Nhận định với Zing, bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận - Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, khẳng định tình trạng dậy thì sớm ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân như liên quan nội tiết, di truyền, chế độ dinh dưỡng, văn hóa, cách tiếp cận của trẻ với môi trường xung quanh,...

“Việc nhiều trẻ có thể tiếp xúc với web đen, gây kích thích tuyến yên, sinh ra các hormone sinh dục và thay đổi tâm sinh lý cũng là một trong những nguyên nhân đáng lưu tâm dẫn tới dậy thì sớm”, vị chuyên gia nói thêm.

tre day thi som can lam gi anh 1

Việc trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nội dung khiêu gợi trên Internet cũng là nguyên nhân gây tỷ lệ dậy thì sớm tăng lên. Ảnh minh họa: ludovic_toinel.

Trên thực tế, nhiều trang web, mạng xã hội phổ biến hiện nay cũng không thể kiểm soát được nội dung cho trẻ em. Nhiều sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy, hình ảnh khiêu gợi vô tình xuất hiện gây kích thích não bộ của trẻ, từ đó dẫn tới dậy thì sớm.

Ngoài ra, một số trường hợp bản thân trẻ có sẵn bệnh lý liên quan nội tiết, di truyền cũng có thể gây ra tình trạng dậy thì sớm.

Ông nhấn mạnh: “Cha mẹ phải nắm bằng được nguyên nhân của dậy thì sớm, từ đó mới có cách phòng tránh, xử lý phù hợp”.

Về mặt bệnh lý, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nguyên nhân gây dậy thì sớm ở bé trai được ghi nhận là một số bệnh u tuyến tùng, u nhân bào, giãn não thất, tăng sinh thượng thận bẩm sinh, số ít còn lại không tìm được lý do.

Ở bé gái, tình trạng này do bất thường vùng não, u tuyến yên, u nang tuyến tùng, nang dịch. Đặc biệt, số trẻ dậy thì sớm không rõ nguyên nhân chiếm tỷ lệ khá cao (536 trẻ, chiếm tỷ lệ gần 90%).

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên, ảnh hưởng của dậy thì sớm khiến trẻ thay đổi về ngoại hình so với với bạn bè đồng trang lứa, từ đó gây cảm giác stress. Việc xuất hiện kinh nguyệt ở trẻ nữ thậm chí khiến các bé sợ hãi, lo lắng.

“Một thực tế đáng lo ngại là những trẻ này dễ bị bạn bè trêu đùa, thậm chí kỳ thị, xa lánh”, ông nói.

Nghiêm trọng hơn, những trường hợp dậy thì sớm không được giáo dục về kiến thức giới tính sẽ rất dễ xảy ra quan hệ tình dục từ khi chưa phát triển hoàn toàn.

Điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai cũng như hệ lụy cho xã hội gồm: Mang thai sớm, nạo phá thai, mại dâm trẻ em, tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới, ung thư sinh dục với trẻ nữ, thấp lùn do cốt hóa sớm,...

Kiểm soát nguy cơ

Đứng trước những nguy cơ nói trên, bác sĩ Nguyễn Đình Liên cho rằng việc dậy thì sớm nên được phòng tránh cũng như chuẩn bị từ trước. Cha mẹ cần tránh để tình trạng này xuất hiện rồi mới tìm cách xử lý.

Cụ thể, vị chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên đưa con đi khám sức khỏe vị thành niên ngay từ thời điểm trẻ ở độ tuổi tiền dậy thì. Bên cạnh đó, việc giáo dục giới tính cho trẻ cũng cần được thực hiện từ sớm.

tre day thi som can lam gi anh 2

Trẻ nên được khám sức khỏe vị thành niên ngay từ thời điểm tiền dậy thì. Ảnh minh họa: guillaume_de_germain.

“Những việc làm này giúp trẻ nhận thức được vấn đề, qua đó có thể chia sẻ với giáo viên, bố mẹ khi có dấu hiệu bất thường. Nếu liên quan bệnh lý, các bác sĩ cũng sẽ có cơ hội đưa ra liệu trình điều trị sớm và hợp lý hơn, giúp trẻ nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường”, ông nói.

Theo bác sĩ Liên, dậy thì sớm cũng là vấn đề chúng ta khó có thể kìm hãm. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát được tình hình, tránh để trẻ bị ảnh hưởng xấu.

Trong trường hợp trẻ đã có biểu hiện của dậy thì sớm, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng.

“Dù dậy thì sớm hay muộn, tình trạng này cũng đã xảy ra rồi. Do đó, phụ huynh lúc này nên liên hệ với bác sĩ để khám và tư vấn cách xử lý phù hợp. Mọi người có thể tìm tới bác sĩ nội tiết, nam khoa hay sản phụ khoa đều được. Điều quan trọng là chúng ta phát hiện được nguyên nhân”, vị chuyên gia đưa lời khuyên.

Nếu nguyên nhân không xuất phát từ bệnh lý, việc xử lý sẽ không quá khó khăn. Trong trường hợp này, cha mẹ cần tham gia, chia sẻ cùng con cái. Bản thân phụ huynh cũng nên được tư vấn từ bác sĩ.

Mặt khác, nếu tình trạng dậy thì sớm đến từ các bệnh lý như u tuyến thượng thận, u tuyến yên,... các bác sĩ sẽ có hướng điều trị sớm và phù hợp.

Số trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng

Thống kê trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chẩn đoán 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).

Thực phẩm làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ

Trẻ dậy thì sớm gia tăng ngày một nhiều. Thủ phạm có thể xuất phát từ những món trẻ ăn hàng ngày.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm