Một vấn đề mà rất nhiều mẹ thắc mắc với tôi là tại sao con ăn nhiều, đủ chất mà vẫn còi cọc... Khi đưa trẻ đi khám, câu trả lời mẹ nào cũng nhận được chỉ là “bé hấp thụ kém” hoặc “do cơ địa của bé”. Quan điểm của tôi khác, thực chất trẻ ăn tốt nhưng vẫn còi đơn giản là các nguyên nhân sau:
1. Nhiều nhưng không đủ
Các mẹ cứ nghĩ con ăn một lượng thức ăn nhất định là đủ và đã đủ số lượng bữa. Ví dụ với trẻ một tuổi cần ăn đầy bát cháo mỗi bữa, ngày 4 bữa cháo và 500 ml sữa. Nếu bé chỉ ăn 2/3 bát và 2-3 bữa là không đủ nhu cầu cho bé. Như vậy là không đủ lượng và số bữa cho bé.
2. Nhiều lượng nhưng ít chất, đơn điệu
Phần lớn người Việt ăn theo sở thích, ngon miệng mà không tính toán xem lượng thực phẩm mình ăn vào có đủ dinh dưỡng hay không. Theo khuyến cáo, mỗi người mỗi nên ăn 15-20 loại thực phẩm khác nhau mỗi ngày để đủ chất dinh dưỡng.
Nhiều mẹ cho con ăn nhiều về số lượng nhưng không chất lượng. Chẳng hạn một bát cháo phải đủ 30-40 g thịt cá tôm, 2 thìa cà phê dầu mỡ. Thiếu dầu mỡ là một trong lý do bé không tăng cân. Khi các mẹ thêm một thìa dầu, năng lượng bát cháo tăng lên 25%. Dầu còn giúp các loại vitamin hòa tan. Thiếu dầu mỡ, trẻ sẽ bị thiếu các vitamin này dẫn đến chậm lớn còi cọc.
3. Thiếu hụt vitamin
Để các bé phát triển toàn diện, mẹ cần phải lưu ý tới những biểu hiện của con, phát hiện kịp thời những thiếu hụt và bổ sung vitamin cần thiết.
Bé thiếu vitamin C thường hay kêu đau, mỏi toàn thân, đồng thời dễ bị sún răng, răng vàng, lợi sưng đỏ. Bé bị thiếu vitamin A, mẹ có thể thấy bé sợ ánh sáng, ít nước mắt đồng thời da thô ráp, bong vảy, sần sùi.
Nếu bé không tăng cân, nước tiểu ít và hay quấy khóc, chán ăn, rối loạn tiêu hóa (táo bón hoặc tiêu chảy) thì có thể bé đang thiếu vitamin B1.
Nếu mẹ thấy bé hay bị đổ mồ hôi trộm, đầu mềm, tóc rụng hình vành khăn, răng mọc chậm, lâu biết bò, đi, khi ngủ trẻ hay bị giật mình, bực tức, khó chịu… chắc chắn con bị thiếu vitamin D.
Biểu hiện ở bé bị thiếu vitamin B12 là sắc mặt trắng bệch, lông tóc hơi vàng, thần kinh không phấn chấn, không muốn ăn, nôn mửa, tiêu chảy.
Trẻ ăn nhiều không lớn là do rất nhiều nguyên nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
4. Nhiều nhưng dư thừa
Ép bé ăn vượt quá khả năng tiêu hóa của trẻ. Ví dụ trẻ 6 tháng chỉ ăn tối đa nửa bát bột (100 ml), nếu ăn nhiều bé sẽ không tiêu hóa hết, thức ăn thừa sẽ khiến bé chướng bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa dẫn đến sụt cân.
Bên cạnh đó, mẹ cho ăn quá nhiều chất đạm sẽ gây táo bón. Chất đạm chỉ cần cung cấp 14% trong khẩu phần ăn là đủ.
5. Nhiều nhưng không phù hợp
Tùy vào thể trạng của mỗi bé, hấp thu, tiêu hóa thức ăn khác nhau nên có thể trẻ ăn nhiều so với trẻ đồng tuổi nhưng lại quá sức so với trẻ. Vì vậy, cần phải gia giảm giữa lượng ăn và lượng sữa để trẻ có sự tiêu hóa phù hợp và trẻ được phát triển tốt nhất.
Một số trẻ có bệnh lý ở đường ruột, bệnh gan mật, bệnh di truyền, bệnh dị ứng, bất dung nạp thức ăn… làm hạn chế khả năng tiêu hoá, hấp thu thức ăn.
Trẻ mắc một số bệnh về nội tiết như suy giáp trạng, lùn tuyến yên… cũng là nhưng nguyên nhân chậm lớn. Những bé đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, nuôi cũng khó lên cân.
6. Bé quá hiếu động
Một số trường hợp trẻ có chuyển hóa cơ bản cao, tiêu hao nhiều năng lượng nên ăn nhiều vẫn gầy. Những bé quá hiếu động chạy nhảy nhiều cũng tiêu hao năng lượng nhiều nên ăn nhiều vẫn tăng cân chậm.
7. Bé bị nhiễm giun, sán
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến trẻ ăn nhiều nhưng chậm lớn. Vì bé đã bị các ký sinh trùng đường ruột này chia bớt lượng thức ăn ăn vào. Bố mẹ cần tẩy giun định kỳ cho con 6 tháng/lần.
Mỗi độ tuổi, thể trạng, tình trạng sống và hoạt động sẽ có những nhu cầu năng lượng nhất định. Các mẹ cần chú ý đưa năng lượng vào cơ thể chuẩn về số lượng lẫn chất lượng.