Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguyên nhân và cách xử lý khi đẻ rơi

Đẻ rơi là hiện tượng hi hữu xảy ra do chuyển dạ sớm. Theo các bác sĩ, nếu sản phụ không biết cách phòng tránh và xử lý kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con.

Đẻ rơi vì chủ quan

Câu chuyện hi hữu về người mẹ 21 tuổi bất ngờ đẻ rơi con xuống bồn cầu nhà vệ sinh khi thai nhi mới 7 tháng tuổi Nghệ An khiến dư luận sửng sốt.

Theo bác sĩ của Bệnh viện Sản - nhi Nghệ An (nơi tiếp nhận bệnh nhân), cháu bé được đưa đến đây trong tình trạng tím tái, ngừng thở, tim ngừng đập. Ngay lâp tức cháu bé đã được cầm máu, thở oxy và dùng thuốc giảm đau. Sau khi cấp cứu kịp thời, bé được cứu sống và ổn định sức khỏe sau vài ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, nguyên Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho rằng tình huống này do đẻ quá nhanh không dự tính ngày sinh, không đi khám thai những tháng cuối hoặc đẻ trên đường đến cơ sở y tế.

“Tôi cho rằng người mẹ này chủ quan, không quản lý thai tốt trong những tháng cuối. Có thể sản phụ đã có những triệu chứng đau bụng chuyển dạ nhưng cho đó là đau bụng bình thường và không có sự chuẩn bị trước.

“Khi tôi còn công tác tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo thống kê khoa Sản chúng tôi tiếp nhận 5-6 ca đẻ rơi trong một năm, có thể là đẻ trên xe khi vận chuyển bệnh nhân vào phòng, khoa...”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Ba tháng cuối sản phụ đều có những cơn co cổ tử cung để kết thúc là cuộc chuyển dạ thực sự khi thai đủ 9 tháng 10 ngày (285 ngày). Trung bình một cuộc chuyển dạ con so từ 12-16h, con dạ là 9-12h. Tuy nhiên, trường hợp đặc biệt chuyển dạ chỉ 15 phút, thoáng đau bụng và con rơi ra”, bác sĩ Ngọc cho biết.

Bác sĩ Ngọc cũng khẳng định thêm, không thể có trường hợp sản phụ đẻ rơi trong lúc ngủ. Bởi người mẹ phải cảm nhận được những hiện tượng bất thường của thai nhi, đau bụng khi trở dạ, vận động của đứa trẻ, co thắt cổ tử cung…

Còn theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung (bác sĩ khoa Sản Trung tâm Y tế Lao động Thái Hà), trường hợp đẻ rơi khi thai nhi 7 tháng tuổi có thể do nhiễm trùng nên vỡ ối sớm. Đây là hiện tượng không phổ biến và thường xảy ra ở những người từng sinh con.

“Đẻ rơi rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Nguy cơ cho bé là ngạt và nhiễm khuẩn, uốn ván rốn. Mẹ có thể sót rau, băng huyết, nhiễm khuẩn. Có thể đẻ rơi trên tàu xe, ngoài đồng ruộng, nương rẫy hoặc trong nhà vệ sinh…”, bác sĩ Dung nói.

Cách xử lý khi đẻ rơi

Bác sĩ Nguyễn Bích Ngọc cho biết trước đây cũng xảy ra hiện tượng đẻ rơi, tự sinh tại nhà. Khi đó, điều kiện y tế kém phát triển và cơ thể của người mẹ vận động thường xuyên, cơ đáy chậu được giãn nở, chịu đựng tốt nên hiện tượng đẻ rơi xảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, ngày nay, nếu sản phụ không biết cách xử lý khi sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Cụ thể, việc chuyển dạ quá nhanh sẽ dẫn đến băng huyết của người mẹ, nhiễm khuẩn uốn ván cho mẹ và con. Vì vậy, 3 tháng cuối sản phụ cần tránh lao động nặng, vận động mạnh hay quan hệ tình dục thô bạo.

Khi có hiện tượng đau bụng chuyển dạ hoặc bất kỳ triệu chứng nào trong cơ thể đều phải gọi điện cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp đẻ rơi, cần phải đỡ bé ra để tránh bị ngạt. Nếu không có dụng cụ cắt rốn thì dùng hai sợi chỉ buộc quanh rốn (buộc càng xa càng tốt) rồi cắt dây. Hoặc dùng vải thắt chặt cuống rốn, ủ ấm nhanh chóng cho bé và mẹ rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu.

“Chuyển dạ nhanh khiến bạn không kịp trở tay. Vì vậy cần phải có người phản ứng nhanh để giúp đỡ”, bác sĩ Ngọc khẳng định.

Hà An

Bạn có thể quan tâm