Làm gì khi có cháy ở nhà cao tầng ?
Vụ cháy chung cư cao tầng tại Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đêm 11/10 khiến nhiều người hốt hoảng. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra hỏa hoạn tại các chung cư cao tầng.
Khác với các căn hộ dưới mặt đất, khi xảy ra sự cố, công tác thoát hiểm của người sống trong các tòa nhà cao tầng khó hơn và nguy hiểm hơn. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, mỗi người cần trang bị những kỹ năng nhất định để bảo vệ mình và người thân.
Bác sĩ Cao Xuân Phúc, khoa Y học Lao động, Học viện Quân y 103 đưa ra các nguyên tắc ứng phó khi có sự cố hỏa hoạn như sau :
- Khi có dấu hiệu hỏa hoạn như khói, mùi khét, tìm cách tắt tất cả cầu dao điện, báo động - gọi cứu hỏa và dùng bình chữa cháy, cát, nước để dập lửa gần chỗ mình.
- Khi có chuông báo cháy, nên đội mũ bảo hiểm (loại có kính, trùm đầu) để thoát ra. Sau đó, cần nhanh chóng tìm cách thoát hiểm bằng cầu thang bộ, tuyệt đối không sử dụng thang máy, lưu ý đóng chặt cửa bảo hộ sau khi thoát ra. Không chen lấn, xô đẩy nếu không muốn việc thoát hiểm khó khăn hơn.
- Có thể dùng búa, vật cứng phá bỏ cửa sổ, cửa chính tạo lối thoát hiểm và phá bỏ nhanh tất cả cửa thông hơi đuổi khói.
- Nếu lửa cháy to, hãy đội mũ bảo hiểm có kính hoặc toàn đầu thoát qua đám cháy. Nhớ quấn quần áo ướt kín người.
- Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, bạn cần dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí.
- Dùng đèn pin, điện thoại vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu.
- Trong mọi tình huống, người dân không nên thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Tìm cách di chuyển ra ban công, tầng thượng - nơi thoáng khí nhất có thể.
Ngạt khói rất nguy hiểm
Trong khi làm nhiệm vụ trong vụ hỏa hoạn tại khu đô thị Xa La (Hà Đông - Hà Nội) đêm 11/10, một số cảnh sát làm nhiệm vụ mất sức, hít phải khói độc nên đã phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: Anh Tuấn. |
Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Học viện Quân y 103 cho hay, trong khói của các vụ hỏa hoạn có chứa nồng độ rất lớn khí CO và CO2.
“Ngạt khói rất nguy hiểm bởi nó gây tác động trực tiếp đến hệ hô hấp với các biểu hiện dễ nhận biết nhất là khó thở hay các biểu hiện của hội chứng suy hô hấp RDS,… Bỏng hô hấp là một trong những loại bỏng rất nặng và khó cấp cứu. Nhiều trường hợp tử vong chỉ vì ngạt khói”, bác sĩ Tiến cảnh báo.
Thực tế, ngạt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn bị bỏng lửa.
Vì vậy, khi có cháy, cần di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, khi gặp sự cố, mọi người thường hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng, suy nghĩ. Những người bị nạn thường chạy tán loạn tìm đường và không biết tránh luồng khói dày đặc từ đám cháy. Việc hít quá nhiều khói gây ngạt nhanh hơn. Do đó, cần bình tĩnh tìm ra nguồn khói từ đâu và di chuyển theo hướng ngược lại. Người bị nạn phải cố gắng không hít khói.
Theo bác sĩ Tiến, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước ướt che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm.
Trong trường hợp tốt hơn, nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Đặc biệt, khi di chuyển, bạn nên cúi thấp người vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm tránh lượng khói hít vào thấp nhất có thể.
“Bất cứ ai ở trong không gian chật hẹp đều có nguy cơ hít phải khói khi có hỏa hoạn. Khói làm giảm lượng oxy và có thể chứa các khói độc khác do các vật liệu bị cháy sinh ra. Tuyệt đối không thể xem thường ngạt khói”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Về nguyên tắc sơ cứu nạn nhân về ngạt khói, bác sĩ cũng khuyến cáo cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. Khi chắc chắn hiện trường đã an toàn, hãy đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi có không khí trong lành và thoáng.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra nhịp thở và mạch đập của nạn nhân rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Khi được đưa đến phòng cấp cứu, nạn nhân sẽ được tiếp oxy, kiểm tra nhịp thở, mạch đập và mức phản ứng của nạn nhân. Cần đưa người bị nạn đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể.