TS.BSCKII. Đặng Xuân Tin - PK Đa khoa DrBinh Tele-Clinic cho biết gout có biểu hiện chủ yếu ở khớp và thận, do tăng cao axit uric trong máu, gây lắng đọng urat. Các tinh thể này khu trú ở các khớp (trong các bao khớp và sụn, nhất là các ngón chân cái, đầu gối, đốt bàn, khuỷu tay) làm cho khớp bị viêm tấy gây đau lâu dần gây biến dạng, cứng khớp.
Bác sĩ này còn cho biết thêm, bệnh gout còn do các yếu tố khác như tăng dị hoá của nucleo-protein ở người thiếu máu huyết tán, người mắc bệnh vẩy nến; giảm bài tiết axit uric ở thận do suy thận hoặc thận bị tổn thương ở nhu mô, ống thận.
Vị chuyên gia khuyến cáo khi bị đau nhức các khớp xương, nhất là khớp bàn ngón chân cái, sau đó có cảm giác ngứa và tróc vẩy vùng khớp khi cơn đau giảm đi rất có khả năng bạn đã bị mắc bệnh. Người bị gout còn thấy xuất hiện các cục (hạt) urat nổi dưới da, di động ở dưới vành tai, túi mỏm khuỷu, xương bánh chè hoặc gần gân gót.
“Những năm gần đây bệnh gout ngày càng tăng song nhiều người chưa biết rõ nguy cơ mắc bệnh và ăn uống thế nào để góp phần phòng và chữa bệnh này, một số người còn nhầm lẫn giữa bệnh gout và các bệnh về khớp như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… gây khó khăn trong quá trình điều trị. Khi đó, bệnh có thể để lại những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong”, bác sĩ Tin cho hay.
Chế độ dinh dưỡng dành cho người bệnh
Bác sĩ Xuân Tin cho biết khi bệnh nhân đã được chẩn đoán bị gout, chế độ ăn uống có ý nghĩa quan trọng nhằm hạ axit uric máu bằng cách hạn chế đưa nhân purin vào cơ thể. Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống như sau:
- Hạn chế thức ăn có nhiều nhân purine (thịt lợn, thịt bò, gia cầm, hải sản…). Dùng phương pháp thái miếng nhỏ khoảng 1-2 g, luộc chín kỹ, đổ nước luộc, không dùng các món nấu, ninh. Hạn chế các món rang, xào khô, ít nước. Đồng thời cũng cần hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật như gan, bồ dục, lòng, óc, dồi lợn, tiết canh…
- Hạn chế thức uống có nhiều base purine như bia, cà phê, chè, chocolate, nước ép thịt.
- Hạn chế các loại quả, rau có vị chua.
- Nên uống nhiều nước, uống các loại nước khoáng kiềm, ăn các loại rau quả có tính lợi tiểu để tránh acid uric đọng lại trong cơ thể.
3 nhóm thực phẩm có chứa purine:
1. Nhóm có ít (từ 0-15 mg /100 g thực phẩm): Ngũ cốc, bơ, dầu mỡ, đường sữa, rau quả các loại…
2. Nhóm trung bình (từ 50-150 mg /100 g thực phẩm): Thịt nạc, cá, gia cầm, hải sản, đậu đỗ...
3. Nhóm có nhiều (trên 150 g /100 g thực phẩm): Óc, gan, bầu dục, lòng, dồi, nước luộc thịt, nấm ăn...