Jiayang Fan, phóng viên gốc Trung Quốc làm việc tại The New Yorker từ năm 2010, gần đây gây chú ý khi chia sẻ lên trang cá nhân việc cô bị phân biệt chủng tộc.
Fan cho biết vài ngày trước, khi đang đổ rác ở gần nhà, cô bị một người đàn ông lạ mặt mắng chửi thậm tệ chỉ vì trả lời điện thoại bằng tiếng Trung. Người đàn ông dùng những từ ngữ nặng nề để mắng chửi Fan và xúc phạm gốc gác châu Á của cô.
“Vì muốn giữ khoảng cách, tôi đã nói xin lỗi và bước đi nhưng anh ta lại hét lên đến mức người bạn của tôi có thể nghe được giọng người này qua điện thoại. Tôi quay lại nhìn vì không dám tin những gì mình đã nghe”, cô viết.
Nhà báo gốc Trung Quốc bị mắng chửi trên đường phố Mỹ. |
Fan chắc chắn người đàn ông mắng chửi cô không say xỉn hay có bất kỳ biểu hiện tâm thần bất thường nào. “Tôi đã nín thở đến mức không phát ra âm thanh gì qua điện thoại trong một thời gian dài. Bạn tôi hỏi liệu mình có ổn không. Tôi không thể nói bất cứ điều gì trong một lúc. Người đàn ông cứ nhìn chằm chằm vào tôi", cô viết.
Không chỉ cảm thấy xúc phạm vì những lời mắng chửi, Fan nói cô sợ hãi hơn vì người đàn ông này biết khu nhà cô sinh sống. Fan lo lắng đến mức không dám ra khỏi nhà trong những ngày gần đây.
“Trước đó, tôi đã nói với bạn bè ở Trung Quốc rằng dù nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại, tôi chưa từng cảm thấy điều đó trong cơn đại dịch này. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy sợ cả khi ra khỏi nhà để vứt rác”, Fan viết.
Nhiều người đã để lại lời an ủi, động viên trên trang cá nhân của Fan. Trong khi đó, một số người khác lại tiếp tục làm phiền cô với những lời lăng mạ phân biệt chủng tộc.
New Yorker là tạp chí hàng tuần thành lập vào năm 1925 và ngày nay được đánh giá có ảnh hưởng lớn tại Mỹ. Bên cạnh phiên bản tạp chí với các bài viết chuyên sâu về chính trị và văn hóa, New Yorker còn có phiên bản báo điện tử, cập nhật tin tức liên tục hàng ngày.
Jiayang Fan (bên trái) là phóng viên của The New Yorker từ năm 2010. |
Từ khi dịch bệnh bùng phát, tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người châu Á hay gốc Á ở một số nước trở nên nghiêm trọng hơn.
Cuối tháng 2 vừa qua, các phụ huynh ở Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Australia đã từ chối để các bác sĩ và y tá người gốc Á điều trị cho con của họ.
Ngày 3/3, Jonathan Mok - sinh viên gốc Á tại ĐH College London - bị nhóm người chửi bới và đánh đạp trên đường Oxford gần ga tàu điện ngầm Tottenham Court Road.
Giữa tháng 3, Teriann Nguyen - người gốc Việt hiện sống ở Mỹ - chia sẻ với Zing.vn sự việc nhiều học sinh gốc Việt tại trường Trung học Bolsa Grande thuộc Học khu Garden Grove Unified (khu học chánh lớn thứ 14 ở bang California, Mỹ) bị bạn học phân biệt đối xử và gọi là "virus corona".