Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà có 2 con nhận học bổng du học toàn phần

Sinh ra trong gia đình dân tộc Mường, kinh tế khó khăn, nhưng anh em Đinh Xuân Trường, Đinh Tuyết Chinh luôn có kết quả học tập xuất sắc, nhận học bổng toàn phần du học Nga.

7 năm trước, cậu học sinh người Mường Đinh Xuân Trường (sinh năm 1990), được nhận học bổng toàn phần du học Nga của Bộ GD&ĐT.

6 năm sau, em gái Trường là Đinh Tuyết Chinh (sinh năm 1996) lại nhận được học bổng toàn phần dành cho thí sinh đạt giải học sinh giỏi toàn quốc, theo bước anh du học tại xứ sở bạch dương.

Trường và Chinh sinh ra trong gia đình người Mường, cả bố và mẹ khi trò chuyện vẫn dùng tiếng Mường. Dù kinh tế khó khăn, hai anh em vẫn được những thành tích học tập đáng nể.

Chị Nguyễn Thị Thoa nói về cách dạy hai người con đều có thành tích học tập xuất sắc.

 

 

 

Hai anh em học giỏi

Đinh Xuân Trường là cái tên nổi bật trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nga, gương mặt quen thuộc với những người yêu phim tài liệu và ảnh nghệ thuật tại thành phố Irkutsk.

Chàng trai Mường là người đầu tiên trong lịch sử các thế hệ người Việt Nam sinh sống tại Nga được ghi danh vào cuốn “Sách kỷ lục tỉnh Irkutsk”.

Cậu từng mở 2 cuộc triển lãm ảnh tại Nga, được lên sóng truyền hình Russia 1, là tác giả của loạt phim tài liệu, bộ ảnh về thiên nhiên, môi trường, con người, các phong tục của người dân Slavơ, như phim ngắn Irkutsk trong mắt tôi, các tác phẩm về Arsan, danh thắng đảo Olkhon, nét độc đáo của tục tắm nước đóng băng trong dịp lễ rửa tội, phim tài liệu Quảng cáo – rác thải lớn.

Xuân Trường đã mang ảnh và phim của mình tham gia Festival phim tài liệu quốc tế "Con người và thiên nhiên", lọt top 7 tác phẩm xuất sắc nhất.

hoc bong du hoc anh 1
Hai anh em Đinh Xuân Trường - Đinh Tuyết Chinh có thành tích học xuất sắc, nhận được học bổng du học toàn phần của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Ngân Giang.

Mỗi con có cách dạy khác nhau

Chị Nguyễn Thị Thoa, mẹ Trường và Chinh cho biết: "Gia đình nghèo, bố các cháu làm công nhân tại nhà máy thủy điện Hòa Bình. Mình là giáo viên mầm non, cố gắng cũng chỉ đủ chi tiêu trong ngày. Thế nên, việc học của hai anh em chủ yếu nhờ học bổng".

Chị chia sẻ, đối với hai con, bố mẹ chỉ truyền được lòng ham học, sự hiểu biết cuộc sống, và động viên tinh thần. Với mỗi con, vợ chồng lại có những cách dạy khác nhau.

Anh Đinh Văn Phi, bố của hai anh em, cho hay, vì Trường là anh, nên bố mẹ có phần nghiêm khắc và yêu cầu cao hơn. Từ nhỏ, Trường đã được dạy về trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình, nhất là với em gái.

Anh Phi cho biết, mọi việc trong gia đình, anh đều chia sẻ với con. Để Trường biết rằng, ý kiến của con rất quan trọng, bố mẹ cần sự giúp đỡ của con, như vậy con sẽ có trách nhiệm và biết lo lắng cho gia đình hơn.

Tính tự lập là một trong những tính cách cơ bản mà vợ chồng anh Phi yêu cầu ở Trường. Từ nhỏ, ông bố này đã sớm cho con trai giúp đỡ mẹ làm những việc vừa sức, phân công công việc cần làm.

Vợ chồng chị Thoa kể, đưa Trường lên thành phố Hòa Bình trọ học lớp 10 ở trường chuyên của tỉnh, xót con lắm, nhưng không thể ôm ấp và giữ mãi trong vòng tay được.

"Vợ chồng tôi nói rõ, bố và mẹ không thể che chở mãi cho con, và con cũng không cần dành cả đời để chăm sóc bố mẹ. Mỗi người là một cá thể riêng, tự lập. Con được sống theo mong muốn, ước mơ, kế hoạch của mình, đổi lại con phải tự phấn đấu và cố gắng để tự chủ", chị Thoa kể.

Còn với Chinh, người mẹ tâm sự, con gái được bố mẹ chiều hơn anh trai. Tính cách Chinh cởi mở và năng động hơn nên bố mẹ chú ý dạy con lời ăn tiếng nói, cách ứng xử.

Theo người mẹ này, con gái vẫn cần mạnh mẽ, độc lập, nhưng đồng thời phải giữ nữ tính, cách ứng xử có văn hóa. Chị còn dạy con quan tâm vẻ ngoài, luôn gọn gàng, sạch sẽ, chú ý đến trang phục.

Một điều chị Thoa dạy con gái là bình đẳng với anh trai. "Trong nhà, ý kiến của con được tôn trọng, suy nghĩ của con được bố mẹ quan tâm. Con không luôn phải vâng dạ và tỏ ra nghe lời khi bố mẹ nói, nhưng con phải biết cách thể hiện suy nghĩ và cá tính của mình thật phù hợp và có học thức".

Năm lớp 12, Chinh muốn học Luật, nhưng trường có ngành này mà thi ngoại ngữ tiếng Nga lại ở Đà Nẵng. Vợ chồng anh Phi cho con chọn, nếu muốn ở gần nhà thì học ngành khác, còn học chuyên ngành yêu thích phải đi xa. Cuối cùng, Chinh mang đồ đạc vào Đà Nẵng theo học Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng 1 học kỳ thì có học bổng đi Nga.

hoc bong du hoc anh 2
Đinh Xuân Trường (bên phải) và các thầy cô người Nga. Ảnh: Ngân Giang.

Cố gắng học vì gia đình

Sự nỗ lực và phấn đấu học tập của 2 anh em Trường và Chinh luôn khiến người khác khâm phục.

Đinh Tuyết Chinh tâm sự: "Cả anh và mình đều biết hoàn cảnh gia đình không khá giả. Nếu không học được thì chẳng còn con đường nào khác. Hình ảnh bố đi làm đạp xe mười mấy km là động lực giúp mình cố gắng mỗi ngày".

Cô Phan Mai Anh, giáo viên THPT Hoàng Văn Thụ (Hoà Bình) kể, năm 2009, Trường nhận được học bổng du học là lúc bố cậu mắc bệnh nặng. Trường đòi ở nhà, còn định nghỉ học đi làm phụ mẹ.

"Năm ấy, trông bố trong viện K, một giường 4-5 bệnh nhân. Người nhà thường mua ghế nằm bên cạnh. Những hôm đông quá thì tràn ra hành lang, vườn hoa. Hồi đấy mình 19 tuổi, nhỏ nhất, được cho nằm lại trong gầm giường trông bố. Cuối cùng, mình vẫn chọn đi học. Vì bố nói, bố có số phận của bố, con vẫn phải sống cuộc đời của con. Lên đường đi Nga mà vừa sợ, vừa lo lắng", Trường tiếp lời.

Bây giờ gia đình Trường và Chinh đã bớt khó khăn. Hai anh em đều có học bổng đi học. Bố mẹ bớt gánh nặng hơn.

"Năm 2013, Trường đã đón mẹ sang Nga du lịch cả tháng hè. Còn bố thì vẫn chờ cô con gái cưng đây", chị Thoa cười vui vẻ.

Từ cậu bé chăn trâu trở thành tiến sĩ

Cha mắc bệnh qua đời khi 45 tuổi. Chưa đầy 6 tháng sau, em gái ngã xuống ao chết đuối. Gạt nước mắt thương mẹ, Nguyễn Khắc Điệp sang Nga du học, mong có ngày trở về giúp mẹ và em.


Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm