Ngôi nhà cổ ở Ninh Bình có kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng điều đặc biệt hơn, bốn bề tường vách, cột kèo, sân cổng... của ngôi nhà này đều làm bằng đá.
|
Ở thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), đang tồn tại một ngôi nhà cổ có kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi nhà này có bốn bề tường vách, cột kèo, sân cổng đều làm bằng đá và gỗ lim, ghép nối hoàn toàn không dùng chất kết dính.
|
|
Chủ nhân của ngôi nhà là bà Đinh Thị Long (78 tuổi). Theo lời kể bà Long, ông nội của chồng bà là cụ Lương Văn Xiển xưa kia là thợ chế tác đá có tiếng trong vùng. Năm 1875, cụ Xiển được mời tham gia xây dựng Nhà thờ đá Phát Diệm (huyện Kim Sơn). Xây dựng xong nhà thờ, cụ Xiển mời một nhóm thợ về quê xây dựng căn nhà đá này. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 gian 2 chái, đến nay đã được hơn 100 tuổi.
|
|
"Để xây dựng ngôi nhà, các cụ mất 2 năm đào đá núi, sau đó mang về đục đẽo. Tất cả các công việc đều làm thuần thục bằng phương pháp thủ công, không có máy móc hỗ trợ như ngày nay", bà Long cho hay. Trong hình, gian giữa ngôi nhà là nơi đặt bàn thờ tự gia tiên. |
|
Hai bên đặt bàn ghế tiếp khách, còn 2 chái được sử dụng để người trong gia đình nghỉ ngơi. Toàn bộ công trình từ khung nhà, tường vách, bình phong, sập gụ… được làm từ đá xanh. Các bộ phận vì, kèo, rui, mè, khóa gian và 12 cánh cửa được làm bằng gỗ lim, trên mái lợp bằng ngói âm dương mũi hài. Các chi tiết ngôi nhà được ghép nối với nhau hoàn toàn bằng mộng và không sử dụng chất kết dính.
|
|
Ngay trước bàn thờ gia tiên, có chiếc sập làm bằng đá xanh nguyên khối nặng hàng chục tấn. Chiếc sập này được con trai bà Long làm lại thay thế cho chiếc sập cổ bằng đá trước kia của ngôi nhà bị gãy. |
|
Hai bên đầu hè được chạm khắc hai bức tứ quý “Tùng, Trúc, Cúc, Mai” rất tinh xảo.
|
|
Hai cây đèn đá khổng lồ chế tác theo phong cách cổ xưa, đặt trước bậc thềm. |
|
Trước sân nhà đặt hòn non bộ, hai con chó đá, cá chép hóa rồng... tạo không gian vừa cổ kính vừa sang trọng.
|
|
Cổng ra vào cũng được thiết kế nguyên bằng đá xanh, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khách. |
|
Bức tường bao quanh bằng đá, trang trí hình đồng tiền âm dương.
|
|
Bà Long kể, những năm 1953 - 1954, căn nhà bị thực dân Pháp phá dỡ phần mái để lấy gỗ làm đồn bốt do vậy nhà bị hư hỏng phần mái, còn lại khung và các cột của ngôi nhà không phá được. "Nhà còn nhiều dấu tích bị bom bắn phá trong chiến tranh", bà Long chỉ vào vết tích nói. Cụ bà cũng cho hay, trong quá trình sử dụng các con bà phải sửa chữa 2 lần nhưng vẫn giữ nguyên bản theo nếp nhà cổ. "Đó là điều mong muốn của các cụ", chủ nhân ngôi nhà nói thêm.
|
|
Bà Long có 5 người con (4 trai, 1 gái). Để đủ không gian sinh hoạt cho cả nhà, trước kia gia đình bà thiết kế thêm một gian gác vuông bên chái. Hiện nay các con cháu bà đều đã ra ở riêng, còn mình bà ở lại trông coi tổ đường. Các con bà đều có đam mê và thành công với nghề chế tác đá mỹ nghệ của cha ông để lại. |
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, cho biết ngôi nhà đá cổ của gia đình bà Long có một không hai ở Hoa Lư. Mỗi năm, có rất nhiều đoàn khách đến đây để chiêm ngắm, tham quan. Các vị lãnh đạo trung ương có dịp về địa phương, cũng được lãnh đạo tỉnh giới thiệu, dẫn đến nhà Long để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.
"Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng từng đến đây để tìm hiểu cách xây dựng. Kiến trúc, hoa văn chạm khắc đá của ngôi nhà được những người thợ trong làng học hỏi để nâng cao tay nghề", ông Diệu nói.