Những nút thắt trong mối quan hệ anh em ruột của Gia Minh - Mỹ Tiên trong phim mang đến đầy đủ cung bậc cảm xúc, từ hài hước đến buồn bã, từ bất ngờ đến bàng hoàng, cho thấy bước nâng cấp đáng khen ngợi của Huỳnh Lập với vai trò diễn viên và đạo diễn của một dự án lớn.
Huỳnh Lập đã “lên tay”
Trở lại sau 6 năm kể từ Pháp sư mù, Huỳnh Lập đối diện với nhiều thử thách, nhất là “bài toán” phải nâng cấp sản phẩm của mình lên tầm điện ảnh, thay vì chỉ là web drama thông thường. Với Nhà gia tiên, Huỳnh Lập đã thật sự thay đổi, có sự tiết chế, gia giảm các “điểm trừ” và cải thiện đáng kể về chất lượng kịch bản, góc quay và bố cục dựng phim.
Điểm dễ thấy nhất ở phim của Huỳnh Lập chính là phần thoại. Huỳnh Lập tiếp tục là nam chính, kiêm người dẫn truyện trong bộ phim của mình. Nhân vật Gia Minh đã dành phần lớn hồi 1 để giới thiệu về gia đình và lý do anh trở thành ma rồi “ám” em gái. Lần này, Huỳnh Lập đã có lối diễn nhẹ nhàng hơn, bớt đi sự ồn ào của những mảng miếng hài kịch thường thấy trong phim chiếu mạng. Thay vào đó, nam nghệ sĩ nhường chỗ cho hình ảnh, tình tiết lên tiếng, từ đó làm bật lên bức tranh dân dã của văn hóa miền Tây, về phong tục giỗ quải, thờ phụng gia tiên, cũng như quá trình gìn giữ, bảo quản và duy trì giá trị tình thân người Việt.
![]() ![]() |
Huỳnh Lập và Phương Mỹ Chi lần đầu kết hợp trong Nhà gia tiên. |
Bên cạnh diễn xuất với vai trò nam chính, Huỳnh Lập còn ghi điểm với vai trò đạo diễn trong lần trở lại này. Đối với một kịch bản có phần phức tạp, nhiều lớp lang và tuyến câu chuyện hơn hẳn Pháp sư mù, Huỳnh Lập thể hiện sự khéo léo trong cách sắp xếp các tình tiết theo hướng lật mở dần, với đoạn cuối mang đến nhiều bất ngờ cho người xem. Phim mang đến hàng loạt “khúc cua” ở hồi 3, tạo nên bầu không khí nghẹt thở, khó đoán chuyện gì sẽ xảy ra với đại gia đình họ Huỳnh.
Từ đó, Nhà gia tiên mang đến nhiều thông điệp sâu cay đằng sau nét hài hước nhẹ nhàng hay tình tiết dọa ma. Đó là những định kiến về trọng nam khinh nữ, định kiến “con gái khắc cha”, hay đôi lúc thế hệ sau đã quên đi những giá trị cốt lõi của văn hóa, không coi trọng thờ phụng gia tiên hơn trước. Đó là khi nhân vật nữ chính Mỹ Tiên của Phương Mỹ Chi xuất hiện, trở thành trung tâm của những tuyến bi kịch đan xen nêu trên.
![]() |
Nhà gia tiên gửi gắm nhiều yếu tố truyền thống. |
Phương Mỹ Chi được tỏa sáng
Lần đầu tiên đóng chính điện ảnh, Phương Mỹ Chi chứng tỏ sự lựa chọn của Huỳnh Lập là đúng đắn. Thể hiện một nhà sáng tạo nội dung rơi vào bế tắc và mang trong mình nhiều tổn thương từ bi kịch gia đình, Phương Mỹ Chi mang đến “làn gió mát” trong trẻo, tự nhiên, gần gũi trong cách diễn. Mỹ Tiên ban đầu về quê với thái độ thờ ơ, bài xích, nhất là đối với mẹ. Cô là nạn nhân của sự gia trưởng, phân biệt giới, sự lạnh nhạt và hiểu lầm đến từ một gia đình rạn nứt nghiêm trọng.
![]() |
Phương Mỹ Chi vào vai Mỹ Tiên. |
Phương Mỹ Chi mang đến những cảm xúc mông lung, tủi hổ, phẫn uất của một đứa trẻ lớn lên mà khuyết thiếu tình thương của cha, anh và cả mẹ. Để rồi khi mọi xung đột được hóa giải, hình ảnh Mỹ Tiên đầy sức sống xuất hiện, đưa người xem bước từ thể loại chính kịch, gia đình sang một chút bí ẩn, phá án. Nữ nghệ sĩ thể hiện tốt khi nương theo tình tiết phim một cách tinh nghịch, thoải mái, nắm chắc vai trò chủ chốt trong các tình tiết chính, cũng như tương tác với dàn bạn diễn giàu kinh nghiệm .
![]() |
Phương Mỹ Chi lấn sân điện ảnh ấn tượng. |
Với Nhà gia tiên của Huỳnh Lập, khán giả tiếp tục thấy được sự dụng tâm của nam nghệ sĩ trong việc khắc họa, đề cao yếu tố văn hóa - tâm linh Việt trong phim của mình. Dĩ nhiên, không bộ phim nào là hoàn hảo và Nhà gia tiên vẫn còn một số hạn chế, cùng đoạn kết có thể dẫn đến nhiều tranh luận. Song, Huỳnh Lập đang đi trên một con đường mạo hiểm nhưng lý thú và từng bước của anh chính là một cột mốc tiến bộ, cho thấy tinh thần học hỏi nhằm mang đến sản phẩm nghiêm túc, chỉn chu đến với khán giả.
Nhà gia tiên sẽ có suất chiếu sớm vào các ngày 19/2 và 20/2, sau đó chính thức khởi chiếu ngày 21/2 tại các cụm rạp trên toàn quốc.