Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà giáo cùng câu chuyện dạy học, chống dịch, mưu sinh

Dịch bệnh khiến cuộc sống, công việc của giáo viên đảo lộn. Họ chuyển sang dạy online, làm thêm để mưu sinh. Dù vậy, lực lượng chống dịch chưa bao giờ thiếu bóng nhà giáo.

“Năm học 2021-2022, giáo viên và học sinh gặp mặt, làm quen nhau qua màn hình máy tính, một năm học mà học sinh không được cầm cờ hoa hân hoan diễu hành qua lễ đài trong ngày khai giảng”, cô Nguyễn Thị Huyền Trang, giáo viên trường Tiểu học Minh Khai B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chia sẻ với Zing về năm học đặc biệt.

Không chỉ với cô, nhiều giáo viên khác cũng trải qua giai đoạn nhiều biến động trong cuộc sống và công việc.

Nỗ lực dạy học trực tuyến

Gần 3 tháng trôi qua, giáo viên ở nhiều nơi chưa thể đến trường. Nếu tính từ cuối năm học trước, họ đã có gần nửa năm rời xa bục giảng, học trò. Đến nay, ở nhiều tỉnh, thành, nhà giáo vẫn nỗ lực truyền thụ kiến thức qua màn hình.

Cô Huyền Trang cho biết việc dạy học online còn nhiều khó khăn. Thỉnh thoảng, mạng chậm, chập chờn, mất kết nối ảnh hưởng đến tiến trình tiết dạy.

Học sinh tiểu học, nhất là các em lớp 1, còn nhỏ khả năng tập trung chưa cao. Dạy học online lại thiếu tương tác trực tiếp, gây khó khăn trong việc hỗ trợ giáo dục. Phụ huynh vẫn phải đi làm nên nhiều học sinh không có người thân hỗ trợ trong quá trình học online.

Thực tế, trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận công tác dạy học online còn nhiều khó khăn khi thời gian đầu, thầy cô còn bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ dạy trực tiếp sang trực tuyến.

Cô L.D. (Bắc Ninh) cho biết với những giáo viên đã lớn tuổi, việc áp dụng công nghệ trong dạy học không hề dễ. Thầy cô trẻ hơn phải kiêm thêm nhiệm vụ hướng dẫn đồng nghiệp song song với giảng dạy.

Đứng trước những khó khăn khi học sinh chưa thể đến trường, bên cạnh việc Chính phủ, Bộ GD&ĐT tinh giản chương trình, huy động hỗ trợ sóng, máy tính cho học sinh, các giáo viên cũng đang nỗ lực mỗi ngày để nâng cao chất lượng dạy học online.

Cô Thanh Hằng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết không chỉ cô, nhiều giáo viên khác thường xuyên thức đến 12h đêm để chấm bài cho học sinh. Thời gian dành cho công việc tăng vọt so với trước đây.

Tương tự, cô Huyền Trang cũng đầu tư thêm thời gian cho việc thiết kế bài giảng điện tử, trò chơi học tập, nghiên cứu các phần mềm ứng dụng cho bài dạy…

Để việc dạy học online hiệu quả hơn, cô giữ mối liên kết giữa gia đình và nhà trường, tìm hiểu kỹ học sinh lớp mình, nắm thông tin về gia đình, tính cách, sức khỏe các em để có các biện pháp giáo dục phù hợp.

Thực tế, trước khi bước vào năm học, cô đã tổ chức các buổi họp gặp mặt qua Zoom để làm quen với phụ huynh, học sinh, thống nhất thời gian, phương tiện học tập; hướng dẫn các thao tác sử dụng các phần mềm, ứng dụng cần thiết, tạo tâm thế, trao đổi phương pháp, lắng nghe mong muốn của phụ huynh, thống nhất nội quy…

Với mỗi bài giảng, cô tìm cách tăng hứng thú cho học sinh qua các hoạt động tương tác, vận động, trình chiếu video vui tươi, tạo không gian giao tiếp chân thực, slide bài giảng được thiết kế nhiều màu sắc, tiếng động, kho học liệu trò chơi phong phú.

Trong giờ giải lao hay trước khi kết thúc buổi học, cô Huyền Trang cho lớp thời gian trò chuyện, chia sẻ những điều muốn nói. Cô cũng thường xuyên khích lệ, tuyên dương học trò.

Ngoài ra, cô giao nhiệm vụ ôn lại bài sau mỗi buổi học, quy định điểm thưởng để học sinh có động lực hoàn thành nhiệm vụ tự học ở nhà. Sau mỗi tuần, mỗi tháng học, giáo viên tổng kết điểm và tặng thư khen cho những em thực hiện tốt nội quy và có cố gắng tiến bộ trong học tập.

Những nỗ lực của cô Huyền Trang cũng như hàng nghìn giáo viên khác đã góp phần giúp học sinh ngừng đến trường nhưng không dừng học.

Nha giao cung cau chuyen day hoc anh 5

Giáo viên mầm non nhận dạy kèm tại nhà khi trường học chưa mở cửa trở lại. Ảnh: VOV.

Làm thêm mưu sinh khi trường học đóng cửa

Trong khi giáo viên phổ thông nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy học trực tuyến, các giáo viên mầm non lại rơi vào trạng thái thất nghiệp suốt nửa năm nay. Nhiều người trong số họ hoàn toàn không có thu nhập từ nghề giáo.

Công tác tại một nhóm trẻ tư thục ở Tây Hồ, Hà Nội, từ tháng 6 đến nay, cô T.D. (25 tuổi) không hề được trả lương. Sau khi hoàn tất thủ tục, giấy tờ, cô nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng - chưa đủ để trả tiền thuê nhà một tháng.

Thời gian đầu, cô nhận trông thêm một trẻ tại nhà, bán hàng online để có đồng ra đồng vào duy trì cuộc sống nơi phố thị. Khi Hà Nội bước vào giãn cách xã hội, hai vợ chồng cùng con nhỏ bắt đầu chuỗi ngày vừa mua thức ăn vừa tính toán số tiền còn dư lại khi cả hai cùng không đi làm, không nhận lương.

Hà Nội mở cửa, cô D. dẫn theo con về quê để giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Đầu tháng 11, biết kế hoạch dần mở cửa trường học, nữ giáo viên lại bắt xe ra, sẵn sàng đến lớp.

Đáng tiếc, ngày đó còn xa. Cô lại về quê, vay mượn bố mẹ vốn ban đầu để buôn bán nhỏ. “Công việc này chỉ mang tính tạm bợ vì tôi vẫn chưa quyết định bỏ nghề”, cô T.D. giải thích.

Thực tế, trong hai năm qua, ngành giáo dục mầm non, đặc biệt hệ thống tư thục, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch. Họ phải làm thêm nhiều ngành nghề để kiếm sống, từ bán hàng online, công nhân kho đông lạnh đến làm môi giới, giúp việc theo giờ hay về quê trồng trọt.

Khi chia sẻ với Zing về câu chuyện giáo viên mầm non làm thêm, thạc sĩ tâm lý giáo dục Hồ Thanh Hương (Hà Nội) cho rằng kiếm việc làm thêm trong thời gian ở nhà giúp các cô có tiền trang trải cuộc sống, giảm bớt cảm giác bất an dịch bệnh và thất nghiệp mang lại, giữ được thái độ sống lạc quan.

Trong số những giáo viên mầm non đang lao đao vì dịch, nhiều người sẽ rẽ sang hướng khác, ít bấp bênh hơn. Nhưng không ít người vẫn trông chờ khó khăn qua đi để họ trở lại lớp.

“Tôi từng tính toán bỏ việc vì nghề bấp bênh quá nhưng không nỡ bỏ phí 4 năm học cùng những niềm vui có được hơn 2 năm qua. Chồng cũng động viên nhiều, chỉ mong dịch bệnh qua đi, mọi thứ sẽ trở lại bình thường”, cô giáo trẻ T.D. tâm sự.

Nha giao cung cau chuyen day hoc anh 6

Vợ chồng giáo viên Trân Trân và Công Anh tình nguyện tham gia chống dịch ở TP.HCM. Ảnh: T.T.

Tham gia chống dịch tại các điểm nóng

Không chỉ dạy học hay lo cuộc sống mưu sinh, trong giai đoạn khó khăn này, hàng nghìn giáo viên còn tham gia vào công tác chống dịch. Những điểm nóng ở TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Tiền Giang… đều có bóng dáng các thầy cô giáo.

Nhiều câu chuyện giáo viên sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, gian khổ để chống dịch ở điểm nóng khiến dư luận cảm phục trước những người bao năm vốn gắn liền với bục giảng.

Đó là vợ chồng Trân Trân, Công Anh, giáo viên quản nhiệm nội trú tại trường THPT Thành Nhân (TP.HCM), ghi tên vào danh sách tình nguyện viên hỗ trợ chống dịch Covid-19 ngay khi vừa tiêm xong vaccine mũi 2.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng bức, họ cùng “đồng đội” bắt đầu một ngày làm việc từ 7h, kết thúc lúc 17h nhưng nhiều hôm kéo dài đến 20h. Họ di chuyển liên tục, tiếp xúc với nhiều người, đứng trước nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở thời điểm tình hình dịch tại TP.HCM còn rất căng thẳng.

Đó là cô Lâm Thị Ngọc Linh (trường Tiểu học An Hạ, Bình Chánh, TP.HCM) tranh thủ soạn bài giảng online đến tận 1h sáng sau cả ngày dài tình nguyện chống dịch.

Trước thềm năm học mới, cô giáo trẻ vẫn tất bật nhập liệu, điều phối người dân đến tiêm vaccine, lấy mẫu test cộng đồng, đi chợ hộ. Công việc dù vất vả, suốt hơn 3 tháng, Ngọc Linh vẫn kiên trì với mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát để trẻ sớm đến trường trở lại.

Đó là hàng trăm giảng viên trường y đăng ký đến các điểm nóng chống dịch. Giữa cái nắng hè 40 độ ở miền Bắc, họ gần như kiệt sức nhưng chỉ cần dùng nước đá chườm mát hay ngả lưng xuống sân nghỉ ngơi rồi lại đứng dậy tiếp tục chiến đấu.

Suốt hai năm qua, hàng trăm, hàng nghìn giáo viên trên cả nước hỗ trợ thầm lặng công tác nhập liệu, lo từng bữa ăn cho tình nguyện viên chống dịch hay hỗ trợ tại các khu cách ly hay đi chợ hộ, tặng thực phẩm cho người dân trong thời kỳ giãn cách hoặc sẵn sàng xa gia đình, vào khu cách ly để chăm lo cho học trò.

Đại dịch và công việc của nhà giáo trong thư Bộ trưởng GD&ĐT

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn vừa gửi những lời chia sẻ, động viên, tri ân tới giáo viên, cán bộ, nhân viên đã và đang công tác ngành giáo dục giữa khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm