Ở New York, giới lắm tiền và có quan hệ đang vung tiền mua bất động sản trước khi nó được tung ra thị trường, theo Business Insider.
Mặc dù việc “luồn lách, đi cửa sau” không mới, chúng đang mang lại lợi thế lớn cho tầng lớp giàu có vào thời điểm nguồn cung nhà ở hạn chế, còn nhu cầu lại đang tăng vọt.
Hành động này bị nhiều nhà môi giới chỉ trích là “phi đạo đức”, đặc biệt New York vốn là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Thị trường bất động sản hạng sang tại New York sôi động trở lại sau khi thành phố mở cửa vào năm ngoái, sau 1 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: Insider. |
Đi cửa sau
Khi New York phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhà ở trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những bất động sản được rao bán công khai phần lớn là hàng tồn kho, cộng với mức cạnh tranh mua nhà tăng lên.
Trước tình hình đó, giới nhà giàu ở Big Apple không còn dựa vào cách mua truyền thống mà tìm đến các giao dịch ngoài thị trường. Nhóm người này thúc đẩy tăng trưởng bất động sản, song cũng phá hoại luật nhà ở công bằng và khiến cuộc khủng hoảng hàng tồn kho thêm phức tạp.
Theo Redfin, lượng giao dịch ngoài thị trường ở Mỹ đã tăng 67% kể từ năm 2019. Riêng tại New York, 20,6% số nhà được bán trong quý 3 năm 2021 nằm trong “danh sách bỏ túi”.
Đây là thuật ngữ chỉ việc các đại lý thông báo cho những người mua tiềm năng về một bất động sản chưa được liệt kê trên nhiều dịch vụ niêm yết hay cơ sở dữ liệu về bất động sản cần bán được chia sẻ giữa các đại lý và nhà môi giới. Điều này cho phép người mua có cơ hội đưa ra đề nghị mà không có sự cạnh tranh.
Tờ Wall Street Journal báo cáo trong năm 2021, doanh số bán nhà ngoài thị trường tại New York đạt 188 triệu USD.
Nhờ tiền và mối quan hệ, giới nhà giàu, vốn có lợi thế sẵn, dễ dàng mua được những bất động sản hạng sang "béo bở" mà không phải cạnh tranh gay gắt. Ảnh: BI. |
“Những danh sách bỏ túi luôn rất đáng mơ ước. Nó cho phép người mua có cái nhìn đầu tiên trước khi những người mua khác tìm đến”, Cathy Franklin, nhân viên môi giới của đại lý Corcoran có trụ sở tại thành phố New York, nói.
Trong một sáng kiến về nhà ở công bằng năm 2019, Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ từng đưa ra một chính sách nhằm hạn chế loại giao dịch này.
Tuy vậy, hoạt động này vẫn phổ biến ở Big Apple. Dù có khả năng bị kiện vì không tuân thủ quy định, các nhân viên môi giới vẫn duy trì kiểu kinh doanh này vì dễ kiếm lời.
“Mánh khóe luồn lách này làm trầm trọng thêm sự phân biệt và bất bình đẳng giàu, nghèo vì chỉ một số người nhất định có lợi thế đi trước”, Arnell Brady, cố vấn của Redfin, viết trong báo cáo.
Sau khi lao dốc trong đại dịch, thị trường bất động sản ở New York bắt đầu trở lại vào mùa đông năm 2021, khi cư dân quay trở lại và săn tìm các căn hộ giảm giá.
Nhưng thị trường thực tế đã tăng vọt vào mùa xuân cùng năm khi thành phố mở cửa trở lại. Các bất động sản ở Brooklyn "nóng lại" đầu tiên, theo sau là sự phục hồi ở khu Manhattan.
Một chung cư tại khu Manhattan. Ảnh: BI. |
"Kể từ tháng 4, tôi không nghĩ rằng số bất động sản được rao bán thành công trong một thời gian ngắn lại nhiều tới vậy", Jeff Adler, nhà môi giới của Douglas Elliman, nói với Financial Times vào tháng 9 năm ngoái.
Kết thúc năm 2021, số lượng đạt mức kỷ lục. Theo báo cáo của Miller Samuel Inc. và Douglas Elliman Real Estate, doanh số bán căn hộ đạt mức cao nhất vào quý 4 năm 2021 trong 30 năm với 3.559 giao dịch.
Giá trung bình của một căn hộ được bán trong quý 4 cũng tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2018, ở mức 1,17 triệu USD, với 9,2% được bán cao hơn giá chào bán.
Jay Parsons, Phó chủ tịch của công ty bất động sản RealPage, nói với Insider: "Rất nhiều nhu cầu đã bị dồn nén từ những người tạm thời rời đi trong lúc đại dịch hoặc những người đã có kế hoạch chuyển đến thành phố từ trước nhưng phải hoãn lại vì dịch bệnh".
Trong khi thị trường bất động sản xa xỉ đang thúc đẩy doanh thu cần thiết cho nền kinh tế của thành phố, nó đồng thời tạo ra căng thẳng cho người mua, những người thấy mình đang ở trong cuộc cạnh tranh gay gắt.