Các màn chơi khăm liên quan đến đồ ăn tại nhà hàng sushi ở Nhật Bản rộ lên những ngày qua. Ảnh minh họa: Eat with Boki. |
Công ty Akindo Sushiro thông báo hôm 3/2 rằng khách hàng sẽ được yêu cầu gọi món trên bảng điều khiển màn hình cảm ứng thay vì lấy đồ ăn làm sẵn được phục vụ trên đĩa di chuyển trên băng chuyền qua nhiều thực khách, Japan Times đưa tin.
Động thái này được đưa ra sau khi các video về hành vi mất vệ sinh của khách hàng tại nhiều nhà hàng khác nhau thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng, khiến công ty gửi đơn khiếu nại một thiếu niên vào đầu tuần này.
Họ sẽ xem xét khôi phục hệ thống ban đầu sau một thời gian.
Ngoài ra, các nhà hàng của Sushiro sẽ lắp đặt tấm nhựa giữa ghế và băng chuyền để tránh sự tiếp xúc không cần thiết giữa sushi và khách hàng. Nếu thực khách cảm thấy không thoải mái khi sử dụng tách trà và gia vị được đặt sẵn trên bàn, họ có thể yêu cầu nhân viên thay thế.
Trong một video được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, một khách hàng tại chi nhánh Sushiro ở tỉnh Gifu liếm nắp chai nước tương đang mở, đưa vành của chiếc cốc chưa qua sử dụng vào miệng, lấy ngón tay dính dầy nước bọt bôi vào đĩa sushi đang lướt qua.
“Đây chỉ là một số giải pháp chúng tôi có thể thực hiện trong khả năng của mình hiện tại. Chúng tôi chân thành mong mọi người thông cảm”, công ty cho biết.
Nam thực khách liếm cốc, bôi nước bọt lên sushi. Ảnh: NDTV Food. |
Một số trò chơi khăm mất vệ sinh tại các nhà hàng băng chuyền sushi ở Nhật Bản, được gọi là “khủng bố sushi”, đã gây ra tình trạng sụt giảm nguồn hàng, phải đại tu các địa điểm và dẫn đến hành động pháp lý, cùng với bình luận giận dữ trên mạng xã hội.
Chúng xuất hiện những ngày gần đây, nhưng một số dường như đã được thực hiện cách đây vài tuần, thậm chí vài năm.
Video tại nhà hàng Sushiro chi nhánh Gifu, được xem gần 40 triệu lượt trên Twitter, khiến cổ phiếu của công ty mẹ giảm gần 5% vào ngày 31/1.
Các đoạn phim khác cho thấy khách hàng tại nhiều chuỗi nhà hàng khác nhau cho mù tạt vào những miếng sushi trên băng chuyền hoặc liếm thìa trong hộp đựng bột trà xanh dùng chung.
Mặc dù các sự cố dường như chỉ giới hạn trong một vài video, chúng đã gây náo động ở Nhật Bản - một quốc gia nổi tiếng có tiêu chuẩn cao về sự sạch sẽ.
“Trào lưu này thật kinh tởm”, một người dùng chia sẻ. Một người khác nói thêm: “Tôi không dám đến các nhà hàng sushi băng chuyền nữa”.
Trong một tuyên bố, Sushiro cho biết thiếu niên đứng sau video chơi khăm lan truyền đã xin lỗi cùng với cha mẹ của mình. Tuy nhiên, công ty đã nộp đơn khiếu nại chính thức cho cảnh sát.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ứng kiên quyết với cả các vụ án hình sự và dân sự”, công ty nói.
Hai chuỗi cửa hàng bị ảnh hưởng khác là Hama-sushi và Kura Sushi cũng cho biết họ có kế hoạch thực hiện hành động pháp lý, với kế hoạch lắp đặt camera phía trên băng chuyền để giám sát khách hàng, Jiji press đưa tin.
Nhạc sĩ Luna Watanabe (20 tuổi), sống tại Tokyo, cho biết cô kinh hoàng trước các video. “Sự sạch sẽ là điều rất quan trọng ở nhà hàng Nhật Bản. Vì vậy, tôi nghĩ hành động mất vệ sinh không thể tha thứ”.
Trong khi đó, một số người khác hầu như không quan tâm đến vụ việc, bao gồm nhiếp ảnh gia Tetsuya Haneda.
“Đối với tôi, thực khách thích chơi khăm chỉ là thiểu số. Đó không phải là vấn đề, thậm chí bây giờ, sẽ có ít người xếp hàng chờ đợi hơn, nên tôi sẽ không cần phải đặt chỗ trước để đi ăn, kể cả vào cuối tuần”, anh nói.
Trên mạng xã hội, sau sự phản đối kịch liệt ban đầu, một làn sóng ủng hộ dành cho các công ty bị ảnh hưởng qua các hashtag như #saveSushiro.
Ca sĩ Nhật Bản Yuya Tegoshi viết trên Twitter: “Tôi luôn muốn đến Sushiro nhưng không thể vì nhà hàng lúc nào cũng đông đúc. Nhưng trong tình cảnh tồi tệ với họ hiện tại, tôi chắc chắn sẽ ghé qua”.
Chủ tịch Sushiro Kohei Nii cho biết ông bị choáng ngợp bởi “sự hỗ trợ rất lớn”: “Tôi muốn khóc vì biết ơn”.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.