Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhà hàng chạy máy phát điện, khách sạn mua mới tủ giường sau bão Yagi

Trước đống ngổn ngang chồng chất và tình trạng thiếu điện, nước, thợ, nhiều nhà hàng, khách sạn tại Hải Phòng, Quảng Ninh chưa thể khắc phục hậu quả sau bão Yagi.

Khung cảnh hoang tàn tại khu phố du lịch TP Hạ Long (Quảng Ninh) khi bão Yagi đi qua chiều 7/9. Ảnh: Việt Linh.

LePont Cat Ba Bungalow, một khách sạn ven biển Cát Bà (Hải Phòng), bị bão số 3 cuốn bay 60% không gian xây dựng. Đến nay, 5 ngày sau bão, chủ đơn vị này vẫn không biết phải bắt đầu sửa chữa từ đâu.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Hùng Quang Lê, đồng sở hữu khách sạn nêu trên, cho biết cơ sở vừa nâng cấp nhiều hạng mục để phục vụ khách chỉn chu hơn thì bất ngờ đón bão. Phần lớn khu vực lưu trú, tiện ích bị "cuốn bay", thiệt hại ước tính 6 tỷ đồng.

"Cơ sở của chúng tôi có diện tích khoảng 2.500 m2 với 3 mặt giáp biển, thường đón du khách đến từ Hà Nội, Quảng Ninh... Giờ đây, có lẽ phải mất thời gian khá lâu chúng tôi mới có thể quay trở lại hoạt động. Gắn bó với nơi này 13 năm, chứng kiến cảnh tan hoang, tôi rất đau lòng", ông Hùng bày tỏ.

Khách sạn Giang Sơn Sea View (Dolphin Hotel) tại huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Theo ông Lê Mạnh Hiệp, chủ khách sạn, cơ sở vật chất của cơ sở bị hư hại nặng, tổng thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

"Mái tôn bay mất, cửa kính của những tầng cao vỡ nát, bàn ghế, giường, tủ thấm nước, hầu như không còn sử dụng được. Kính vỡ, bảng hiệu rơi đổ của những đơn vị kinh doanh lân cận bay cả sang khách sạn tôi", ông Hiệp nói.

bao Yagi mien Bac anh 1

Khách sạn Giang Sơn Sea View sau khi lũ quét. Ảnh: Lê Mạnh Hiệp.

Theo ông Hiệp, huyện Cát Hải vẫn còn mưa và mất điện diện rộng, nguồn nước cũng chưa ổn định. Vì vậy, dự kiến một tuần sau bão, khách sạn chủ yếu thu gom rác thải, dọn dẹp bùn đất trong lúc chờ hệ thống điện nước khôi phục lại.

Nhưng quan trọng nhất, lực lượng thợ sửa chữa, xây dựng tại địa phương không đủ đáp ứng do tất cả cơ sở kinh doanh, nhà dân trên địa bàn đều gặp thiệt hại.

"Số lượng công trình hư hại nhiều không đếm xuể. Khách sạn của tôi phải chờ đội thợ chính đến lắp lại mái tôn, thay cửa kính. Nội thất mới tôi đặt xưởng làm lại, khi khách sạn ổn định sẽ vận chuyển đến lắp đặt. Tùy tình hình, việc sửa chữa có thể sẽ kéo dài hơn một tháng hoặc đến Tết mới xong", ông Hiệp chia sẻ.

Chủ khách sạn này cũng ước tính chi phí khắc phục hậu quả sẽ ngang hoặc cao hơn con số thiệt hại. Đối với du khách đặt phòng trước và trùng vào thời gian khắc phục, khách sạn sẽ hoàn tiền hoặc hỗ trợ lùi lịch.

Trong khi đó, tại Quảng Ninh, sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 16 đã thổi bay toàn bộ tiệm đồ nướng Sa Pa Chill trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP Hạ Long, chỉ chừa lại căn nhà gỗ nhỏ nhưng cũng bung mất phần mái.

Theo Kim Anh, chủ quán, cô cùng gia đình tự tay trang trí quán cho dịp Trung thu, nhưng giờ đây tất cả thành đống hoang tàn sau bão.

"Quán ăn này là thu nhập chính của gia đình tôi. Mùa hè, thời điểm du lịch tại Hạ Long, chúng tôi kinh doanh ổn định. Hết mùa cao điểm, đây vẫn là nơi để tôi trang trải cuộc sống. Giờ không còn gì cả. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sửa chữa và đợi hỗ trợ chính quyền địa phương", Kim Anh nói với Tri Thức - Znews.

Tương tự, Cao Trang, chủ nhà hàng Cơm Nhà 1982 tại TP Hạ Long, cũng cho biết tổng thiệt hại sau cơn bão số 3 lên đến hàng tỷ đồng. Toàn bộ tầng 2 của nhà hàng bị bão đánh tan hoang, bàn ghế gãy đổ, kính vỡ ngổn ngang, đèn và quạt rơi khắp nơi. Các loại hải sản đắt tiền trong bể nuôi đặt ở cửa ra vào chết hoàn toàn.

"May mắn, tầng 1 của chúng tôi chỉ đổ vỡ bên ngoài và khu bếp mở hư hại ở mức độ trung bình, có thể tự sửa chữa, không cần phải thay mới. Cấu trúc nhà hàng nhiều trụ sắt nên không lung lay", Trang bày tỏ.

Sau bão, khi nước chuẩn bị rút hết, nhà hàng của Cao Trang đã nhanh chóng huy động các nhân viên đến dọn dẹp vụn kính, lau sạch cát bám trên mặt sàn. Đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng của bếp núc, bồn rửa chén, dụng cụ nấu nướng và các thiết bị điện tử như tủ lạnh, quạt, tủ bảo quản chén đĩa... Ngoài ra, những nội thất và vật dụng hư hỏng cũng được thay mới dần.

Theo chủ nhà hàng, hiện đơn vị khôi phục được khoảng 60% hiện trạng ban đầu. Ngày 11/9 vừa qua, nhà hàng chính thức mở cửa trở lại, các nguyên vật liệu cũng tương đối đầy đủ để phục vụ thực khách. Tuy nhiên, do tầng 2 chưa khôi phục được nhiều nên chủ yếu đón khách ở tầng 1.

"Toàn tỉnh Quảng Ninh đều chưa có điện - nước ổn định, mỗi gia đình khó khăn một kiểu. Nhà hàng tôi có máy phát điện nên mở bếp lại để có thêm chi phí trang trải, đồng thời chia sẻ thức ăn với bà con. Trong thời gian tới, nhà hàng sẽ vừa hoạt động vừa khắc phục những hậu quả còn lại của cơn bão", Trang bộc bạch.

bao Yagi mien Bac anh 8

Cảnh hoang tàn tại phố Núi Ngọc, Cát Bà sau bão Yagi càn quét. Ảnh: Lê Mạnh Hiệp.

Trước đó, UBND TP Hải Phòng từ chối nhận khoản tiền 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương do TP có thể tự cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả cơn bão số 3.

Ngày 9/9, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết đơn vị cũng sẽ nhường 100 tỷ đồng tiền viện trợ từ Trung ương cho khu vực miền núi phía Bắc - nơi đang chịu thiệt hại nặng nề từ những đợt lũ quét, sạt lở sau bão số 3.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Cách bão Yagi hủy diệt ngành du lịch châu Á

Từ những cơn mưa giông, Yagi đạt trạng thái siêu bão chỉ trong vài ngày, càn quét nhiều điểm du lịch tại Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan và Lào.

Ngày trở lại của loạt điểm du lịch miền Bắc

4 ngày sau bão Yagi, vịnh Hạ Long có thông báo hoạt động trở lại. Trong khi đó, nhiều điểm du lịch vẫn chưa thể xác định ngày mở cửa đón khách.

Tường Vi - Trúc Hồ

Bạn có thể quan tâm