Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nhà hàng ngon, quán cà phê đẹp mất khách vì toilet bẩn

Đa số khách hàng không quay lại những nơi có nhà vệ sinh kém sạch sẽ. Nhiều người còn cảnh báo bạn bè, gia đình, thậm chí nói về trải nghiệm tồi tệ trên mạng xã hội.

Trong 18 năm qua, Hiệp hội Nhà vệ sinh Singapore (RAS) đã đánh giá các toilet trên toàn quốc về độ sạch sẽ, bảo trì, hiệu quả, sự hài lòng của người dùng và thiết kế.

Mỗi năm, những nhà vệ sinh tốt nhất được công nhận với danh hiệu "Happy Toilet", giải thưởng trao vào Ngày Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Day, 19/11).

Trong khi đó, những nhà vệ sinh hôi hám, bẩn thỉu và tội tệ nhất có thể bị bêu tên trên mạng, đối mặt với mức phạt tiền từ chính quyền và sự tẩy chay của các khách hàng trẻ.

Nơi có nhà vệ sinh bẩn nhất

Giải thưởng "Happy Toilet" là sáng kiến của Jack Sim, người sáng lập RAS từng được tạp chí Time vinh danh là một trong những “Người hùng của Môi trường” vào năm 2008.

Ông Sim tin rằng nhà vệ sinh là niềm tự hào của người Singapore. Theo ông, mức độ sạch sẽ tổng thể của nhà vệ sinh tại đảo quốc sư tử thậm chí có thể được so sánh với Nhật Bản.

Tuy nhiên, phần tồi tệ nhất của toilet ở Singapore lại thuộc về các khu bán hàng rong và quán cà phê.

Một khảo sát năm 2021 với 2.000 người được Đại học Quản lý Singapore (SMU) thực hiện và công bố cho thấy 32% số người được hỏi, tăng từ 16% vào năm 2019, cảm thấy không hài lòng với toilet ở các quán cà phê.

Theo khảo sát về mức độ sạch sẽ nơi công cộng năm 2021, 61% số người được hỏi cho biết hài lòng với mức độ sạch sẽ của nhà vệ sinh trong các quán cà phê.

Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các nhà vệ sinh ở những nơi công cộng, bao gồm trung tâm mua sắm (96%), trạm trung chuyển xe buýt (87%), ga tàu điện ngầm (86%), công viên (84%) và trung tâm bán hàng rong (66%).

toilet ban anh 1

Người Singapore muốn cải thiện mức độ sạch sẽ của nhà vệ sinh trong các quán cà phê. Ảnh: Straits Times.

Cuộc khảo sát cho thấy 3 vấn đề phổ biến nhất với nhà vệ sinh của quán cà phê là mùi hôi, bồn cầu hoặc bồn tiểu bẩn và không có giấy vệ sinh.

Một nghiên cứu riêng của SMU năm 2020 cũng cho thấy nhà vệ sinh của quán cà phê vẫn "bẩn và hầu như không thay đổi" so với kết quả từ khảo sát tương tự được thực hiện cách đó 4 năm.

Để cải thiện vấn đề này, tháng 6/2020, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã giới thiệu chương trình nâng cấp nhà vệ sinh. Chương trình cung cấp khoản đồng tài trợ lên tới 45.000 SGD (33.000 USD) để giúp tái thiết kế, lắp đặt thiết bị vệ sinh và áp dụng công nghệ mới trong các toilet.

Tính đến cuối tháng 7/2020, một phát ngôn viên của NEA nói rằng đã nhận được đơn đăng ký từ 37 quán cà phê đủ điều kiện. Có khoảng 1.200 quán cà phê ở Singapore.

Theo ông Sim, người sáng lập RAS, vấn đề không nằm ở các khoản tài trợ mà đó là tư duy làm ăn của các chủ doanh nghiệp, những người coi khâu vệ sinh chỉ là thứ yếu, xếp sau chất lượng đồ ăn, thức uống, dịch vụ của họ.

"Nhiều nơi vẫn tin rằng khách hàng sẽ đến ăn trong quán của họ bất kể nhà vệ sinh sạch hay bẩn. Một số nơi thậm chí còn cho rằng nhà vệ sinh sạch sẽ quá có thể dẫn đến làm ăn thua lỗ vì chỉ khuyến khích khách ngồi lâu hơn. Thực tế chứng minh đó là những quan điểm hoàn toàn sai lầm", ông Sim nói.

Quan trọng hơn cả đồ ăn, thức uống

97% người Anh sẽ không quay lại nhà hàng, quán cà phê có nhà vệ sinh bẩn.

Đó là kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến YouGov với hơn 2.000 người trưởng thành ở Anh do Cannon Hygiene thực hiện. Cuộc khảo sát đã làm rõ tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn cao nhất có thể khi nói đến sự sạch sẽ và bảo trì toilet.

Sự không hài lòng thường liên quan đến khâu vệ sinh chung (90%), thiếu giấy vệ sinh (89%) thiếu xà phòng (70%), mùi hôi (63%) và máy sấy khô tay yếu (54%).

Khi gặp một trong những vấn đề này, 85% người được hỏi cho biết sẽ cảnh báo gia đình và bạn bè tránh xa hàng quán. 24% nói rằng sẽ thể hiện sự thất vọng trong các bài đăng trên mạng xã hội.

Người Anh cũng cố gắng không chạm vào đồ vật trong nhà vệ sinh công cộng. 24% thừa nhận lót giấy vệ sinh xuống bệ bồn cầu trước khi ngồi, 29% ngồi xổm lên bệ, 21% sẽ chỉ sử dụng khuỷu tay để mở cửa.


toilet ban anh 2

Khách hàng không muốn quay lại nhà hàng, quán cà phê có nhà vệ sinh bẩn. Ảnh: Macleans_Dyson.

Còn theo cuộc khảo sát của Harris Interactive, khoảng 50% khách hàng quen của nhà hàng có trải nghiệm tiêu cực với toilet - từ nhà vệ sinh bẩn, thiếu xà phòng cho đến mùi hôi - sẽ nói điều đó với bạn bè và gia đình.

Thậm chí nghiêm trọng hơn, nó sẽ gây thiệt hại cho việc kinh doanh. Gần 3/10 người tiêu dùng được khảo sát cho biết chắc chắn họ sẽ không bao giờ quay lại một nhà hàng có toilet bẩn.

Tương tự, hơn 60% người tham gia khảo sát của SMU nói rằng những nhà hàng, quán cà phê có toilet bốc mùi, bẩn thỉu sẽ không có cơ hội thứ hai, dù cho đồ ăn và nước uống ngon đến mức nào đi nữa.

Howard Sedgwick, Giám đốc điều hành của Cannon Hygiene, cho biết: "Đó là một lời cảnh báo cho các nhà hàng, quán bar, khách sạn, quán cà phê rằng hoạt động kinh doanh của họ có thể bị ảnh hưởng nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng với khâu vệ sinh nói chung và toilet nói riêng".

Trung tâm thương mại thay đổi vì Gen Z

Thời hoàng kim của các trung tâm mua sắm đã qua. Gen Z thường bị đổ lỗi là những người sẽ chấm dứt "mall culture", nhưng thực tế có thể không phải như vậy.

Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào

Khởi nguyên của việc uống cà phê khá là mờ mịt. Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định cho giai thoại rằng quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức, trước khi có những quán cà phê ở châu lục này.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm