Ông Xia (80, sống tại Thượng Hải) đã chia sẻ sự bức xúc khi vợ chồng ông tới một nhà hàng trong trung tâm thương mại nhưng "không thể ăn", bởi nơi này chỉ cho phép gọi món bằng quét mã QR.
Theo đó, nhà hàng Guimanlong tại Zhengda Plaza - nơi ông định dùng bữa tối - yêu cầu thực khách phải "quét mã QR để đặt món". Tuy nhiên, vợ chồng ông dùng điện thoại đời cũ, ít hiểu về công nghệ.
"Lúc đó, cả tôi và bà xã đều hoang mang nên gọi một phục vụ khác. Hỏi đi hỏi lại, người này vẫn yêu cầu chúng tôi phải quét mã mới gọi được đồ ăn", ông Xia chia sẻ.
Bất lực
Cuối cùng, trước quy định cứng nhắc của cửa hàng, hai ông bà phải đi về.
"Chúng tôi già rồi, căn bản chẳng biết quét mã QR. Tôi thường trả tiền mặt khi ra ngoài mua đồ, đi tàu điện ngầm hay ăn uống", ông nói, thở dài bày tỏ sự thất vọng.
Phóng viên The Paper đã tới nhà hàng để tìm hiểu thực hư câu chuyện.
Giờ cao điểm buổi tối, rất nhiều khách đứng xếp hàng chờ đợi bên ngoài. Một phục vụ chào đón các khách mới đến và nói: "Bạn vui lòng quét mã QR để đọc thực đơn và gọi món".
Quy định chỉ cho đặt món qua quét mã QR của nhà hàng gây nhiều tranh cãi. |
Ngay lối vào của nhà hàng cũng dựng một tấm biển lớn, in mã với dòng ghi chú "Quét WeChat để gọi món".
Phóng viên đã mở WeChat trên điện thoại di động và sau khi "quét", một giao diện hiện ra, hiển thị dòng chữ "điền số điện thoại di động của bạn để lấy thông tin thành viên, ghi lại thông tin tiêu thụ và phát hành ưu đãi". Phải bấm vào "Cho phép", khách mới có thể vào trang đặt món.
Phóng viên đã hỏi một số nhân viên phục vụ nhà hàng, họ đều cho biết ở đây không cung cấp thực đơn giấy, chỉ có thể gọi món bằng cách quét mã bằng điện thoại di động, đây là "kênh duy nhất".
Người phục vụ cũng cho biết thêm đây là quy định thống nhất của công ty và nhà hàng nào mở ở Thượng Hải cũng vậy.
Để xác minh thêm, phóng viên đã gọi điện đến các chi nhánh khác và nhận được câu trả lời giống nhau: không cung cấp menu giấy và phải quét mã để đặt hàng.
Qin Yubin, đối tác cấp cao của Công ty luật Shan Thượng Hải, cho biết hành động của nhà hàng đã gây thiệt hại nhiều quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Việc "quét mã để đặt hàng" là chấp nhận được, nhưng nếu điều đó là bắt buộc và là cách "duy nhất" thì "không thể chấp nhận".
Bên cạnh đó, "quét mã để đặt món ăn" của nhà hàng cũng bị nghi ngờ đang thu thập quá mức thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Nếu chỉ gọi đồ ăn thì không cần thu thập số điện thoại di động của khách.
Công nghệ phải phục vụ người lớn tuổi
Xã hội Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Theo dữ liệu điều tra mới nhất được công bố vào tháng 5/2021, 264 triệu người ở Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,7% dân số. Trong đó, có 190,6 triệu người từ 65 tuổi trở lên (13,5%).
Khi số người từ 50 tuổi trở lên ngày càng tăng cao và tỉ lệ sinh chậm lại, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu nghĩ đến kế hoạch dài hạn, nhắm vào nhu cầu của thế hệ người dùng Internet lớn tuổi.
Chính phủ nước này đã yêu cầu các trang web và ứng dụng thiết kế lại theo hướng thân thiện với người cao tuổi, chẳng hạn như phông chữ lớn hơn và xóa quảng cáo bật lên.
Không gian kỹ thuật số của Trung Quốc được yêu cầu phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Ảnh: CMN. |
Vài năm gần đây, WeChat giới thiệu nhiều tính năng hữu ích, khuyến khích sử dụng tài khoản gia đình để giúp đỡ các thành viên lớn tuổi. Họ mở các khóa hướng dẫn sử dụng ứng dụng và mua sắm trực tuyến.
Vào tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc yêu cầu các công ty gọi xe lớn như Didi, Dida nâng cấp ứng dụng của họ, cho phép người cao tuổi dễ dàng đặt taxi.
Trong vài năm tới, không gian kỹ thuật số của Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Các nhà tiếp thị cũng phải chú ý đến thói quen sinh hoạt và mua sắm của những cụ ông, cụ bà.
Nhiều năm gần đây, câu chuyện người lớn tuổi ở đất nước tỷ dân cảm thấy bất an, cô đơn ngày càng được quan tâm. Các nhà xã hội học tại đất nước tỷ dân khẳng định phải thay đổi rất nhiều điều để người già không cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.