Cristiano Ronaldo sẽ trở lại sân cỏ nước Anh vào cuối tuần này. Cuộc sống ở thành phố Manchester không còn xa lạ với siêu sao người Bồ Đào Nha khi anh từng dành 6 năm tại đây. Giống nhiều cầu thủ khác ở Manchester, Ronaldo cũng dành sự yêu thích đặc biệt cho San Carlo - nhà hàng được điều hành bởi ông chủ người Italy, Carlo Distefano.
Từ một thợ cắt tóc vô danh, ông Carlo đã tạo nên chuỗi nhà hàng nổi tiếng toàn cầu. Dù không rầm rộ trên truyền thông, tên tuổi của người đàn ông này trong giới kinh doanh nhà hàng có thể sánh ngang với những Gordon Ramsay, Jamie Oliver...
Người Italy có duyên với bóng đá Anh
San Carlo không đơn thuần là một nhà hàng với giới truyền thông nước Anh. Các tay paparazi thường xuyên xuất hiện ở King Street West - nơi nhà hàng San Carlo đầu tiên được mở tại Manchester - để "săn tin" về những ngôi sao hàng đầu.
Vào ngày ký hợp đồng với Manchester United, Victor Valdes đã dùng bữa ở nhà hàng này. Những cầu thủ khác như Matteo Darmian hay Nicolas Otamendi cũng chọn San Carlo là một trong những điểm đến đầu tiên khi tới Manchester.
Những tên tuổi lớn ở Manchester là khách quen của San Carlo. Ảnh: Standard UK. |
Ông Carlo Distefano chẳng lạ gì với điều đó. Ronaldo, Sir Alex Ferguson hay Jose Mourinho thời còn tại vị đều là khách quen của ông chủ 76 tuổi. Pep Guardiola - HLV hiện tại của Manchester City - cũng quen mặt với những nhân viên nhà hàng San Carlo. Đó cũng là lý do tờ Manchester Evening News điền tên San Carlo vào danh sách "9 nhà hàng, quán bar nơi bạn có thể gặp những ngôi sao bóng đá mình yêu thích".
Người Anh yêu bóng đá cuồng nhiệt. Và với một người đã sống 60 năm tại xứ sở sương mù như Carlo, ông cũng dành sự yêu thích đặc biệt với môn thể thao vua. Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Carlo nhận được hàng tá câu hỏi về việc ông sẽ chọn ai trong trận chung kết Euro giữa Anh và Italy.
"Nếu chỉ được chọn ủng hộ một đội trong trận chung kết, tôi sẽ nói đó không phải mảnh đất mình đã sinh ra. Tôi đã ở Anh 60 năm và mọi người thật tử tế. Vì vậy, tôi muốn tuyển Anh giành chiến thắng", ông chia sẻ với tờ Birmingham Mail.
Ông chủ của nhà hàng San Carlo. Ảnh: Birmingham Mail. |
Dù vậy, điều Carlo mong muốn đã không xảy ra khi đoàn quân của Gareth Southgate thất bại trên chấm luân lưu. Ông chủ 76 tuổi cũng đồng cảm với các nhân viên khi không thể tập trung theo dõi trận đấu đó vì nhà hàng vẫn mở cửa (trận đấu diễn ra lúc 20h theo giờ địa phương).
"Chúng tôi phải mở cửa. Không phải ai cũng thích bóng đá. Nhân viên phải tranh thủ xem trận đấu qua điện thoại, trong nhà bếp. San Carlo luôn mở cửa dù bất kỳ trận đấu nào diễn ra", ông nói.
Dù nghe có vẻ khắc nghiệt, Carlo cho biết các nhân viên cần làm quen với điều đó. Ông đã mở rộng nhà hàng ở Bangkok (Thái Lan), Saudi Arabia, Bahrain, Qatar và sắp tới là Dubai (UAE). "Mọi thứ đã sẵn sàng cho kỳ World Cup năm sau", ông trả lời.
Thợ cắt tóc vô danh trở thành ông chủ
Từ năm 9 tuổi, Carlo đã bắt đầu làm việc kiếm tiền. Tới năm 17 tuổi, ông rời Sicily (Italy) đến Anh để tìm cơ hội mới. Cho tới giờ, Carlo vẫn nhớ ngày đầu tiên đặt chân tới đất nước này.
Ông kể: "Tôi đã ở nhà ga King's Cross nhưng không biết tiếng. Chẳng ai hiểu tôi nói gì. Thật may, tôi cuối cùng cũng tìm được chuyến tàu mình cần. Sau đó, tôi nhận ra mình không đơn độc. Chuyến tàu ấy đầy những người nhập cư. Cảm giác hạnh phúc, tự do tràn ngập trong tôi vào ngày đầu tiên tới đây".
Trong túi Carlo khi ấy chỉ có vỏn vẹn 16 USD. Năm 1962, chàng trai 17 tuổi được người nhà sắp xếp cho công việc ở tiệm cắt tóc tại Leeds. Carlo làm không nghỉ ngày nào. Mỗi ngày, chàng trai người Italy lại đến từng nhà gõ cửa, mời chào cắt tóc cho cả gia đình với giá chỉ nửa đồng vương miện. Chẳng bao lâu sau, ông cũng mở được một tiệm cắt tóc riêng và phát triển thành chuỗi nhỏ.
Nhà hàng San Carlo nổi tiếng không chỉ ở Anh mà còn phát triển tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Rli. |
Năm 1992, Carlo từ bỏ nghề cắt tóc để khai trương nhà hàng San Carlo đầu tiên tại Birmingham. Quán nằm ở phố Temple. Rất nhanh, San Carlo tạo nên đế chế toàn cầu với chuỗi nhà hàng ở khắp nơi trên thế giới.
Không chỉ trong giới bóng đá, San Carlo cũng được lòng nhiều người nổi tiếng khác. Theo Birmingham Mail, Rihanna, Russell Crowe, Anthony Hopkins, Helen Mirren đều là những khách hàng thân thiết của họ.
"Mọi người nói tôi điên khi mở San Carlo ở đây. Birmingham chẳng có nhà hàng nào. Người dân ở đây không thích ăn tối. Với họ, uống rượu trong quán bar là hạnh phúc rồi. Tuy nhiên, ngay khi tôi mở San Carlo, thành công đã ập đến", Carlo chia sẻ.
Với tham vọng lớn, ông chủ San Carlo muốn mở rộng thành chuỗi nhà hàng khắp nước Anh. Đó có thể là London, Manchester hay Bristol... Ngay cả ở tuổi 76, tham vọng và đam mê kinh doanh của Carlo cũng chưa bao giờ nguội lạnh. Hàng tuần, ông vẫn làm việc đủ 7 ngày và di chuyển đến các nhà hàng của mình trên cả nước để giám sát công việc. Tài xế đón ông ở nhà riêng lúc 9h và thường chỉ quay lại sau 22h.
"Đôi khi, tôi chẳng biết mình sẽ đi đâu sau khi ra khỏi bùng binh. Rẽ phải, tôi sẽ tới Manchester. Bên trái là London. Tôi phải kiểm tra mọi nhà hàng của mình. Các nhân viên không bao giờ biết tôi sẽ đến lúc nào. Mọi thứ luôn có sai sót và tôi phải giữ cho nhà hàng ở tiêu chuẩn cao", ông nhấn mạnh.
Sự tận tâm trong công việc đem lại quả ngọt cho những người xứng đáng như Carlo. Năm 2016, doanh thu nhà hàng của Carlo còn vượt mặt Gordon Ramsay trên phạm vi Vương quốc Anh. Trong khi chuỗi 26 nhà hàng của "vua đầu bếp" thu về khoảng 45 triệu bảng, 18 nhà hàng của Carlo đem về cho ông 60 triệu bảng.
Dù thành công ở nhiều nơi, nhà hàng ở Manchester vẫn luôn có vị trí đặc biệt với Carlo. Thành phố này là nơi Carlo đến và mở tiệm cắt tóc đầu tiên ở St Ann's Arcade. Sau này, khi đã mở nhà hàng ở Birmingham, Carlo vẫn luôn muốn quay lại Manchester.
"Manchester là nhà của ông ấy. Đó là nơi cha tôi đã bắt đầu kinh doanh. Nơi này luôn có vị trí đặc biệt", Marcello, con trai Carlo, chia sẻ.
San Carlo được các ngôi sao bóng đá, đặc biệt là cầu thủ Manchester United yêu thích. Ảnh: Manchester Evening News. |
Năm 2005, nhà hàng San Carlo chính thức mở cửa ở Manchester. Ca sĩ Tom Jones đã đến ăn ngay tuần đầu tiên. Những ngày sau đó, Sven-Göran Eriksson, cựu HLV tuyển Anh, cũng xuất hiện. Dần dần, cầu thủ từ các đội bóng biến nơi này thành điểm tụ tập.
Marcello có khá nhiều kỷ niệm với cầu thủ MU, đặc biệt là lứa Gary Neville, Ryan Giggs. Trước vòng đấu cuối cùng của giải vô địch quốc gia, Neville và Giggs đã tới dùng bữa ở San Carlo. Họ hỏi: "Nếu thắng, chúng tôi đến đây ăn mừng được chứ".
Marcello gật đầu và hỏi lại số lượng. 2 huyền thoại của MU đáp chắc sẽ là cả đội. Các nhân viên của San Carlo đã vất vả chuẩn bị không gian cho cuộc ăn mừng của đội chủ sân Old Trafford. Chỉ cần thắng trận cuối cùng, họ sẽ vô địch.
"Các cầu thủ MU xuống xe và mang cúp vào nhà hàng. Phải nói thật, tôi nghĩ mình không còn là ông chủ vào hôm đó. Các cầu thủ vỗ tay, hát hò. Tất cả đã trải qua một đêm vui vẻ. Cho tới ngày nay, họ vẫn còn kể lại với tôi kỷ niệm đó.
San Carlo không định hướng để phát triển thành điểm tụ tập ăn mừng bóng đá. Tuy nhiên, đó cũng là cách quảng bá tốt. Những người nổi tiếng cũng muốn được ra ngoài và thưởng thức đồ ngon như chúng ta mà", ông cho biết.