Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà hát Lớn không còn là nơi kinh doanh thương mại

Đó là phát biểu của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái trước đông đảo cơ quan thông tấn – báo chí về chủ trương mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngày 22/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo công bố kế hoạch biểu diễn chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Buổi họp có sự tham gia của Thứ trưởng Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương và một số lãnh đạo của các nhà hát trực thuộc Bộ.

Theo đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chính thức thông báo chủ trương mở rộng cửa Nhà hát Lớn nhằm phục vụ công chúng bằng những chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung. Bên cạnh đó, Bộ cũng muốn giới thiệu về Nhà hát Lớn, một di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật quý giá của Hà Nội và Việt Nam.

Chủ trương này đồng nghĩa "thánh đường nghệ thuật" được mở rộng cho các đơn vị vào biểu diễn dưới sự hỗ trợ của Bộ, chứ không chỉ là nơi kinh doanh thương mại.

Các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - có tác phẩm được duyệt vào diễn tại Nhà hát Lớn -  sẽ không phải lo về mặt bán vé hay quảng bá chương trình. Điều này sẽ do Nhà hát Lớn thực hiện. Bộ Văn hóa sẽ chủ trì về mặt tài chính, trong đó nguồn kinh phí lấy từ các đơn vị tài trợ và tiền bán vé.

chu truong cuu san khau anh 1
Nhà hát Lớn Hà Nội được xem là "thánh đường nghệ thuật". Ảnh: Mạnh Thắng

Chủ trương của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được sự ủng hộ của giới chuyên môn và nghệ sĩ. Trao đổi với Zing.vn trước đó, nhà nghiên cứu âm nhạc – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết: “Với nghệ sĩ, Nhà hát Lớn vẫn được xem là thánh đường nghệ thuật, không gian vô cùng thiêng liêng, thậm chí nhiều nhạc sĩ chỉ mong muốn được một lần trong đời tổ chức đêm nhạc riêng tại đây. Thế nên, việc Bộ có quyết định ưu tiên các chương trình nghệ thuật chất lượng, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn là quyết định đáng mừng”.

Còn trong buổi họp báo, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Tôi ủng hộ Bộ đã có chủ trương mang tính chiến lược nhằm tháo gỡ một vấn đề lớn của nghệ thuật đó là khủng hoảng về người xem. Chủ trương này đã cứu sân khấu vì sân khấu đang ngập ngụa trong khủng hoảng, cả về đối nội và đối ngoại”.

“Nhà hát Lớn trước đây chỉ những người có nhiều tiền mới mua được vé để vào xem biểu diễn. Sinh viên Báo chí từng khóc vì không được vào xem ở Nhà hát Lớn và thầy phải trực tiếp nhờ người dẫn vào. Túi tiền của sinh viên có hạn, các em sẽ không thể mua vé vào xem được. Tôi rất mừng vì chủ trương mở cửa Nhà hát Lớn cho các đơn vị nghệ thuật vào biểu diễn thì không chỉ sinh viên mà đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng có cơ hội” – nữ Phó Giáo sư cho biết thêm.

chu truong cuu san khau anh 2
Thông thường Nhà hát Chèo Việt Nam biễu diễn tác phẩm tại Nhà hát Kim Mã nhưng thời gian tới sẽ có thêm địa điểm biễu diễn là Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Quang Đức

Trong đợt đầu tiên, nhân kỷ niệm 71 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2016), ba chương trình nghệ thuật mở màn cho dự án gồm Chương trình Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt 1 do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn vào tối 30/8, vở kịch nói Biệt đội báo đen của nhà văn Chu Lai do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện vào tối 31/8 và chương trình Âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực của Nhà hát Chèo Việt Nam vào 1/9.


Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm