Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà khoa học 12 tuổi muốn thay đổi thế giới

Nhanh nhẹn, hoạt bát, khuôn mặt sáng bừng là ấn tượng ban đầu về cậu bé Peyton Robertson (12 tuổi).

Mới đây, chương trình truyền hình thực tế The Ellen DeGeneres Show đã ghi hình Peyton. Tại Hội thảo khoa học Nhà trắng thường niên lần thứ tư, khi gặp Peyton, Tổng thống Barack Obama đã không tiếc những lời tốt đẹp dành cho nhà khoa học nhí này: “Quả thật cháu có rất nhiều năng lượng. Bác muốn khuyên mọi người rằng chờ và sớm mua cổ phiếu của Peyton. Cháu sẽ có những bước tiến xa, đầy hứa hẹn”.

Mới 12 tuổi, nhưng Peyton Robertson hiện là thành viên của viện Khoa học máy tính và toán học Mỹ (IMACS).

Peyton Robertson.
Peyton Robertson.

Năm 11 tuổi, Peyton Robertson lập kỷ lục của chương trình Young Scientist Challenge (Thử thách dành cho nhà khoa học trẻ) do kênh Discovery Education và 3M tổ chức hằng năm. Với danh hiệu Nhà quán quân nhỏ tuổi nhất, Peyton nhận được giải thưởng trị giá 25.000 USD và một chuyến tham quan Costa Rica. Tất cả là từ ý tưởng tạo ra bao cát chống lũ nhưng không phải dùng cát độc đáo.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Fort Lauderdale, miền Nam Florida, nơi thường xuyên hứng chịu mưa lũ, Peyton đã chứng kiến những thiệt hại từ sức mạnh của dòng nước. Thấy mọi người vất vả khuân những bao cát nặng để ngăn lũ quét, Peyton luôn tự nhủ mình phải tìm được cách gì đó giúp mọi người. Cậu bé nói: “Cháu thấy mọi người phải khó nhọc lắm mới tìm và đổ được đầy cát vào bao, nhưng vẫn có những khoảng trống. Cháu phải thiết kế lại một bao cát tiện lợi hơn”.

Peyton thực hiện thí nghiệm để tạo ra bao cát không cát.
Peyton thực hiện thí nghiệm để tạo ra bao cát không cát.

Những thử nghiệm liên tục cuối cùng đã đem đến cho Peyton kết quả mong muốn. Bao cát do Peyton phát minh chứa một loại polymer nhẹ, có thể co giãn linh hoạt nên rất dễ vận chuyển. Sau hàng loạt phép thử, Peyton đã tìm được một chất liệu phù hợp để cho vào bao cát này là muối.

Khi gặp nước, polymer có trong bao và muối sẽ tạo ra các phản ứng giúp bao trương phình thật to, trở nặng hơn nước, tạo được đập ngăn nước lũ thành công. Khi nước lũ rút đi, bao cát sẽ trở về nguyên trạng, không phải như những bao cát và nước nặng trịch mà mọi người thường mang vác trước đây. Quan trọng hơn, người ta có thể tái sử dụng nhiều lần. Điều đáng quý là Peyton Robertson đã nộp hồ sơ đăng ký bản quyền phát minh và cho phép mọi người sử dụng rộng rãi, không ai phải trả tiền bản quyền.

Đây không phải là phát minh đầu tiên của Peyton được đăng ký bản quyền. Năm tám tuổi, Peyton đã tìm ra cách giữ được độ nảy của quả bóng golf trong thời tiết lạnh. Phát minh thứ hai của Peyton là bộ tập đi xe đạp thông minh, có thể tự thu gọn khi người điều khiển lái được xe đạp thăng bằng. Ý tưởng này đến trong lúc Peyton quan sát hai em gái tập xe. Hiện các nhà sản xuất xe đạp đã liên lạc với cậu bé để mua bản quyền, hướng đến sản xuất hàng loạt.

Từ nhỏ, Peyton đã có sự hiếu kỳ không giới hạn với thế giới xung quanh. Peyton chia sẻ: “Cháu muốn hiểu về mọi thứ và luôn suy nghĩ làm cách nào để cải tiến mọi chuyện cho tốt hơn. Cháu muốn dùng kiến thức toán và khoa học của mình để giúp đỡ mọi người”.

Khi được hỏi về bí quyết có được niềm đam mê khoa học, Peyton cho biết: “Cháu không tách khoa học thành một lĩnh vực độc lập mà luôn thấy sự kết nối của khoa học với những gì cháu quan tâm, tò mò và muốn khám phá”.

Quá trình tiếp cận khoa học của Peyton có sự ủng hộ rất lớn của gia đình. Ngay từ khi Peyton ba tuổi, mẹ cậu bé, bà Shannon Robertson đã nhìn thấy năng khiếu và sự ham thích đặc biệt của con với toán học nên chủ động tìm hiểu về IMACS và những chương trình rèn luyện kỹ năng toán, logic.

Ban đầu, Shannon không có ngay điều kiện để đăng ký cho Peyton. IMACS tư vấn và đưa ra những hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp các bé có năng khiếu vượt trội. Peyton và mẹ từng bước đến với IMACS bằng cách chứng minh tình yêu toán học của cậu bé đang lớn dần mỗi ngày. Hiện hai em gái song sinh của Peyton cũng là thành viên của IMACS. Bà Shannon hạnh phúc kể: “Bọn trẻ háo hức chờ đến giờ học ở IMACS. Sau giờ lên lớp là chúng lao vào các bài tập, liên tục thí nghiệm một cách hăng hái”.

http://phunuonline.com.vn/the-gioi/the-gioi-quanh-ta/nha-khoa-hoc-12-tuoi-muon-thay-doi-the-gioi-/a121900.html

Theo Thiên Thư/Báo Phụ Nữ Online

Bạn có thể quan tâm