Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà khoa học 14 tuổi hàng đầu nước Mỹ

Với phát minh thiết thực cho người nghèo tại các quốc gia đang phát triển, cô bé 14 tuổi đại diện thế hệ trẻ tài năng, nắm giữ tương lai không chỉ của nước Mỹ.

Nhân vật trẻ nhất trong Forbes '30 Under 30' Nữ sinh 14 tuổi lọt vào danh sách "30 Under 30" trong lĩnh vực Năng lượng của tạp chí Forbes nhờ sáng chế ra thiết bị chuyển hóa điện giá rẻ.

Mới đây, danh sách 30 Under 30 trong lĩnh vực Năng lượng của tạp chí Forbes gọi tên nữ sinh 14 tuổi Maanasa Mendu. Đây cũng là gương mặt trẻ nhất trong số 600 nhân vật được vinh danh năm 2017.

Sau khi nhận được vinh dự này, Maanasa chia sẻ trong bài phỏng vấn với trang Themakermom: “Giờ em thật sự hiểu câu châm ngôn của nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison rằng thiên tài là 1% cảm hứng và 99% mồ hôi”.

Đem hy vọng cho vùng thiếu điện

Maanasa Mendu sinh ra trong gia đình người Mỹ gốc Ấn Độ tại tiểu bang Ohio, Mỹ. Bố cô bé là kỹ sư phần mềm máy tính Sreepathi Mendu (42 tuổi), theo Wcpo. Maanasa hiện học lớp 9, trường Trung học William Mason (Ohio, Mỹ).

Vào kỳ nghỉ hè hàng năm, Maanasa cùng cha mẹ và chị gái về thăm bà tại ngôi làng nhỏ ở vùng nông thôn Ấn Độ. Cũng như người dân trong làng, gia đình cô bé đã quá quen với cảnh thường xuyên bị cắt điện.

“Trời nóng như thiêu đốt, vậy mà dân cư nơi đây, cũng như 1,2 tỷ người trên thế giới, phải sống trong điều kiện thiếu điện. Được sử dụng loại năng lượng thiết yếu này là ưu tiên hàng đầu đối với mọi người. Ý nghĩ đó thôi thúc em phải làm điều gì đó”, Maanasa chia sẻ.

Nữ sinh gốc Ấn ấp ủ ý tưởng tạo ra chiếc máy phát điện mini giá rẻ, thân thiện với môi trường. Cô tham gia cuộc thi sáng chế Young Scientist Challenge (Thử thách Khám phá Nhà khoa học trẻ) do tập đoàn 3M, và Công ty Discovery Education phối hợp tổ chức nhằm hiện thực hóa điều đó.

nha khoa hoc tre hang dau My anh 1
Nữ sinh 14 tuổi nhận giải nhất cuộc thi tài năng khoa học trẻ của nước Mỹ hồi tháng 10/2016. Ảnh: EcoWatch.

Dưới sự hướng dẫn của nữ kỹ sư Margaux Mitera của 3M cùng những góp ý từ cha mẹ, Maanasa nghiên cứu và chế tạo sản phẩm. Ban đầu, cô bé chỉ định khai thác sức gió, song trong quá trình thực hiện, cô và người hướng dẫn đã cải tiến, khiến cỗ máy trở nên đa năng hơn.

Sau 4 tháng miệt mài, thiết bị được đặt tên Harvest, gồm ba chiếc “lá Mặt Trời” đã ra đời. Được lấy cảm hứng từ hoạt động của lá cây, sản phẩm này tạo ra năng lượng từ sức mưa, sức gió và ánh nắng Mặt Trời qua các tấm vật liệu áp điện. Đặc biệt, giá thành sản xuất chỉ là 5 USD.

Với hiệu quả thiết thực, thiết bị chuyển hóa năng lượng giúp nữ sinh 14 tuổi vượt qua 9 bạn trẻ để dành chiến thắng cuộc thi Young Scientist Challenge hôm 18/10/2016. Bên cạnh danh hiệu “Nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ”, cô bé Maanasa còn được thưởng số tiền 25.000 USD.

Hiện tại, cô bé tiến hành thương mại hóa “đứa con tinh thần” của mình để người dân ở các vùng thiếu điện có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

Nắm giữ tương lai nhân loại

Những đặc quyền của “Nhà khoa học trẻ hàng đầu nước Mỹ” gồm được vinh danh tại danh sách Forbes 30 Under 30, phát biểu trước các thành viên của Quốc hội và Liên Hợp Quốc, diện kiến tổng thống Mỹ và giới thiệu phát minh của mình trên sóng truyền hình quốc gia.

Theo thống kê của Cincinnati, việc trở thành sinh viên các trường đại học danh giá như Harvard hay Stanford (Mỹ) còn dễ hơn lọt vào danh sách 30 Under 30 của tạp chí Forbes. Năm 2017, 600 gương mặt nổi bật nhất trong nhiều lĩnh vực được lựa chọn từ 15.000 đề cử.

Chính vì vậy, thành tích mà cô bé mới 14 tuổi đạt được khiến nhiều người nể phục.

nha khoa hoc tre hang dau My anh 2
Mô hình máy phát điện Maanasa được đem tới tranh tài tại Young Scientist Challenge (trái) và sản phẩm sau 4 tháng học hỏi từ chuyên gia. Ảnh: Business Insider.

“Maanasa  đã thử thách bản thân trong một cuộc thi tầm cỡ. Đó là điều chúng tôi luôn khuyến khích học trò thực hiện. Chúng tôi rất tự hào về cô bé”, bà Tracey Carson - đại diện trường Trung học Manson - nói với Cincinannti.

CEO của Công ty Discovery Education - Bill Goodwyn - bày tỏ niềm tự hào khi được chứng kiến thế hệ nhà khoa học trẻ thể hiện kiến thức và niềm đam mê sáng tạo.

Ông nhận xét tư duy khoa học của Maanasa Mendu phản ánh đúng mục tiêu của cuộc thi là áp dụng khoa học vào đời sống, tạo các giải pháp để nâng cao chất lượng sống, cũng như gắn kết các cộng đồng trên toàn thế giới.

CEO Bill Goodwyn tin rằng cô bé cùng các thí sinh của vòng chung kết Young Scientist Challenge năm 2016 hứa hẹn đóng góp nhiều cho sự phát triển của đất nước.

“Chỉ với vỏn vẹn 5 USD, những người dân nghèo ở các khu vực hẻo lánh sẽ có cơ hội sử dụng điện. Quả là tương lai của nhân loại đang nằm trong bàn tay của thế hệ trẻ”, tờ Business Insider nhận xét.

Chia sẻ tại trang blog cá nhân, Maanasa cho biết quá trình chế tạo Harvest là một trải nghiệm tuyệt vời. Cô bé cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và tâm đắc với những lời dạy bảo của kỹ sư Margaux Mitera.

Cô bé khuyên các bạn trẻ đam mê khoa học là luôn tin vào chính mình, dám chấp nhận rủi ro.

“Dù bạn là ai và đang ở đâu, hãy luôn mang theo mình những hoài bão. Đừng để người khác hay chính bản thân ngăn cản bạn đạt được ước mơ. Cơ hội ở khắp mọi nơi”, nữ sinh 14 tuổi nhắn nhủ.

Cậu bé thông thạo 4 thứ tiếng nổi bật trên truyền hình Mỹ

Xuất hiện trong chương trình "Little Big Shots” với tư cách phiên dịch viên tiếng Trung Quốc, cậu bé 9 tuổi gây ấn tượng mạnh bởi phong thái tự tin, lịch lãm.

Thu Thảo

Bạn có thể quan tâm