Men theo con hẻm nhỏ trên đường Lê Ngã (quận Tân Phú, TP.HCM), chúng tôi tìm về nhà giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân (78 tuổi) vào một ngày cuối năm. Đón những vị khách chưa một lần gặp mặt, vị giáo sư lớn tuổi, tóc đã bạc quá nửa đầu nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, cởi mở chuyện trò.
Từ cậu nhóc giữ xe thuê thành nhà khoa học hàng đầu Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh An Giang, từ nhỏ, ông đã một mình lên Sài Gòn tự lập với mong muốn kiếm tiền phụ ba mẹ nuôi các em cũng như để có tiền đi học. Khi còn là một học sinh trung học, ông phải trải qua đủ thứ nghề từ giúp việc, giữ xe, gia sư... mới có đủ tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí.
Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân. Ảnh: VTC News. |
Năm lên lớp 9, ông được thầy giáo của mình cho ở nhờ, được thầy dạy thêm Hán văn bằng sách "Minh tâm bửu giám" của Trương Vĩnh Ký. Bước vào trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng, cuộc sống gia đình ông trở nên khó khăn hơn. Ông phải thường xuyên dậy rất sớm đi nhận báo, sau đó cùng người em đi bán báo dạo khắp các ngõ ngách Sài Gòn.
Hồi ấy, do bị mắc bệnh lao phổi vào đúng giữa năm cuối trung học, chàng trai Võ Tòng Xuân không đậu tú tài.
"Rớt tú tài ai chả buồn, trong khi mình đã cố gắng đến kiệt sức thì nỗi buồn còn kinh khủng hơn nhiều. Sau khi khỏi bệnh, tôi xin vào làm tại nhà hàng gần sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng nhờ làm tại đây, tôi mới có tiền để đi học ôn và thi đỗ tú tài II Kỹ thuật, ngoài ra cũng đậu luôn phần thi viết tú tài II Toán. Một thời gian sau, tôi thi đỗ và lấy được học bổng của Đại học Nông nghiệp tại Los Banos (Philippines) chuyên ngành Nông hóa sản xuất đường mía", giáo sư Xuân nhớ lại.
Theo giáo sư Xuân, hồi đó, nhờ vào số tiền hỗ trợ máy bay, ông mua được một chiếc máy ảnh. Sau đó, chỉ trong một thời gian ngắn, ông trở thành tay chụp ảnh chuyên nghiệp, biết cả tráng phim. Chiếc máy ảnh trở thành "cần câu cơm", giúp ông có tiền học tiếp để lấy bằng Master.
Bằng những nỗ lực của mình, ông trở thành người biên tập chương trình, làm kỹ thuật phòng thu thanh và được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines nhờ làm thông dịch cho nhóm cán bộ diệt trừ sốt rét của Việt Nam sang học. Cũng từ đây, cuộc sống ông mới dần tươi sáng hơn.
Đến năm 1971, sau khi học xong thạc sĩ, ông quay trở về Việt Nam và về Đại học Cần Thơ làm việc. Sau đó, năm 1975, ông tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ tại Nhật Bản. Sau thời gian làm phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, rồi hiệu trưởng Đại học An Giang, ông trở thành Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam từ 1996 đến 2006.
Là nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa, ông đã được Nhà nước công nhận là Anh hùng Lao động với nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trong sự nghiệp giáo dục tại vùng này.
"Nghĩ lại, cả đời người vỏn vẹn chỉ quẩn quanh nghiên cứu. Nhưng thôi không sao, làm mà giúp được đất nước phát triển cũng mừng rồi", nói đến đây khuôn mặt giáo sư bỗng chùng xuống, dường như ông vẫn còn nhiều trăn trở cho công cuộc nghiên cứu của chính mình.
Đề xuất gộp Tết gây tranh cãi
Nói về quá trình thúc đẩy đề xuất gộp Tết cách đây 12 năm, giáo sư Xuân đưa mắt nhìn xa xăm, sâu thẳm trong ánh mắt ông thể hiện rõ sự trăn trở trong chính đề xuất tâm huyết của mình.
Ông kể năm 1983, lần đầu tiên sau ngày giải phóng, ông tham gia trong đoàn đánh giá về khả năng phát triển nông nghiệp của Lào. Xong việc, cả đoàn về trụ sở của cơ quan nông lâm quốc tế ở Ý để ngồi lại thảo luận, viết báo cáo cho cơ quan nông lâm về nông nghiệp của Lào.
Đúng thời điểm đó, ở Việt Nam đang ăn Tết Nguyên đán nên ông nói với đoàn rằng đất nước mình đang ăn Tết và được nghỉ nhiều ngày. Khá nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và nói rằng cả thế giới đã ăn Tết rồi, đây là thời gian để làm việc chứ không còn Tết. Ông cũng lăn vào làm việc bình thường, không khác gì những ngày khác.
"Từ lúc đó, tôi mới chợt nghĩ ra rằng, trong khi cả thế giới làm việc bình thường, tại sao đất nước mình lại nghỉ, những ngày nghỉ kéo dài lê thê. Bởi tập quán của mình nếu nghỉ sẽ rất dài, trước Tết có việc thì lại gác qua để ra giêng làm, ra giêng thì lại kéo dài thêm vài ngày nữa để hưởng thụ, nghỉ ngơi", ông Xuân kể lại.
Qua đó, ông thấy Tết ta gây mất rất nhiều thời gian, nhất là trong khi thế giới đang hội nhập. Người ta lao động, làm việc để tích lũy sự phát triển thì mình lại quá nặng về tập tục lâu đời.
"Vì vậy, trong quá trình quan sát, tôi đã viết một bài thể hiện quan điểm của mình vào năm 2006. Khi được đăng tải, bài viết gây ra 2 luồng phản ứng là đồng tình và không đồng tình. Kết lại lần đấy, số đông người Việt Nam mình không thích sự thay đổi", giáo sư Xuân cho biết.
Theo ông, nếu mỗi người tự dành thời gian, nhìn nhận khách quan và tìm hiểu kỹ lý do mà ông đưa ra đề xuất thì sẽ nghĩ tích cực hơn.
"Chắc hẳn mọi người đều nhận thấy Tết dương lịch trong 3 năm trở lại đây ở Việt Nam mình cũng thay đổi rất nhiều, thay đổi rõ ràng ở nhiều mặt. Người già, thanh niên, trẻ nhỏ hay tri thức đều thấy đêm 31/12 dương lịch cả thế giới đón mừng năm mới và Việt Nam chúng ta cũng đang làm điều tương tự. Việt Nam mình cũng bắn pháo hoa; cũng bật nhạc nhảy múa, vui chơi; cũng cùng đếm lùi thời khắc cuối cùng của năm... Tất cả đều giống hệt các nước khác.
Đó cũng là lý do chính mà tôi đề xuất gộp hai Tết làm một. Rõ ràng, bây giờ, Việt Nam mình cũng đã ăn Tết Dương lịch như bạn bè quốc tế rồi, vậy thì lý do gì tới Tết Âm lịch mình lại lặp lại những điều tương tự", giáo sư Xuân lý giải.
Ông cho rằng việc đón hai cái Tết tương tự nhau và dài lê thê rất phí tiền của và thời gian, nhất là với những người có đối tác làm việc là những người nước ngoài. Vì những ngày mình nghỉ thì họ vẫn làm việc, sẽ nhiều hợp đồng quan trọng bị bỏ, vì thế đất nước sẽ mãi tụt hậu, không phát triển được.
Khi được hỏi về những "ném đá" gay gắt từ dư luận, giáo sư Xuân khá bình thản và cho rằng không nên bận tâm, vì ông chắc chắn đến một ngày nào đó họ sẽ tự cảm thấy mình đã sai khi phản đối đề xuất của ông.
Để minh chứng cho những nhận định của mình, giáo sư Xuân đưa ra ví dụ điển hình chính là con cái của ông. Các con ông hồi còn nhỏ, vì ham vui nên khi nghe nhắc tới việc gộp Tết đều không đồng tình. Tuy nhiên, khi đến tuổi trưởng thành, họ đều tán thành và ủng hộ ông vì lúc đó suy nghĩ đã "người lớn" hơn.
"Đến nay, quan điểm của tôi đều được con cái ủng hộ. Bạn bè và đồng nghiệp của tôi phần lớn cũng đều tán thành. Bởi vì, con cái tôi đều có công ăn việc làm và đều tự thấy cần nhiều thời gian để làm việc. Các con tôi cũng có suy nghĩ giống tôi vậy, những ngày Tết nghỉ dài lê thê và riêng rẽ, tách biệt với thế giới thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ quan trọng.
Vì thế, Tết dương lịch gia đình tôi thường tổ chức lớn, còn Tết Nguyên đán tôi không ăn nhiều. Vào ngày đầu năm, tôi đến chúc Tết người thân, lãnh đạo và thăm cán bộ của mình rồi về làm việc. Tức là trọn trong ngày mùng 1 Tết sẽ làm cái đó, còn mùng 2 vẫn làm việc bình thường", giáo sư Xuân chia sẻ.
Những đề xuất 'cứu sống' đất nước
Ở tuổi 78, tên tuổi của giáo sư Võ Tòng Xuân đã "phủ sóng" toàn thế giới với 40 bài báo công bố quốc tế, 11 cuốn sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Thế nhưng, đối với ông, cống hiến và nghiên cứu chưa bao giờ là đủ. Còn sống, ông sẽ còn tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Nhắc tới nền nông nghiệp trong nước, đặc biệt là trong việc xuất khẩu gạo, giọng vị giáo sư già trầm hẳn đi. Dường như ông còn còn quá nhiều trăn trở trong lĩnh vực này, ông đang rất lo ngại vì nông dân Việt Nam có trình độ thấp, sau 40 năm vẫn còn khổ.
Vì vậy, sau những ngày tháng nỗ lực nghiên cứu tìm hiểu, giáo sư Xuân đã đưa ra 7 bước xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam và được đưa vào áp dụng.
Hỏi về đề xuất ông cảm thấy tâm đắc nhất trong quãng đời nghiên cứu của mình, ông cười lớn:“Tâm đắc thì cũng không phải, mà chỉ là đáng nhớ và nhớ để vui thôi. Đó là vào những năm 1972, khi đang công tác tại Đại học Cần Thơ, đúng thời điểm đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang 'quằn quại' chống giặc rầy. Vì vậy, tôi đã yêu cầu đóng cửa trường đại học và đưa toàn bộ sinh viên đi chống giặc rầy bằng cách nhân nhanh giống kháng".
Ông bảo giờ nói thế thì thấy nhẹ nhàng, kiểu độc lạ và hay ho nhưng thời điểm đó “căng” lắm, thuyết phục được nhà trường và địa phương đâu dễ dàng gì. Nhưng may mắn, việc làm của ông cuối cùng lại giúp vùng ĐBSCL chống được giặc rầy.
Đáng nói, sau lần giúp nông dân ĐBSCL thắng giặc rầy, ông tiếp tục có nhiều công trình khác mà sau này được đúc kết là đặt nền móng quan trọng cho hạt gạo Việt Nam lập “kỳ tích của thế giới”.
Với công trình của ông, chỉ trong thời gian ngắn, đất nước ta từ nước thiếu đói đã “lột xác” thành cường quốc xuất khẩu gạo thế giới. Tuy nhiên, cách trồng lúa đạt năng suất cao của ông vẫn chưa "phủ sóng" hết cả nước nên một số vùng nông dân vẫn phải rơi vào cảnh thiếu ăn... vì chính sách nông nghiệp lạc hậu. Vì vậy, ông lại day dứt tập trung vào nghiên cứu.
Năm 1979, ông âm thầm bày kế “xé rào” theo kiểu “khoán sản phẩm” thay cho cơ chế “tập thể” trước đó và được một tập đoàn sản xuất gạo tin tưởng hưởng ứng. Chỉ ngay vụ đầu, tập đoàn này đã được vụ mùa bội thu, sản lượng tăng đáng kể.
Tại phiên họp tháng 4/1981, đồng tình với cách làm “khoán sản phẩm”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cụ thể hóa đề xuất của ông thành Chỉ thị 100 (khoán 100). Với thành tích xuất sắc đó, năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Không chỉ quyết liệt đấu tranh vì sự nghiệp và quyền lợi của nông dân, giáo sư Võ Tòng Xuân còn dốc hết tâm huyết đào tạo hàng ngàn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp để mở rộng phạm vi phục vụ sự nghiệp gieo trồng.
Với những thành tích xuất sắc đó, ông được Nhà nước phong tặng trực tiếp học hàm giáo sư khi vừa qua tuổi 40 và 20 năm sau ông tiếp tục được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân.