NHÀ MÁY VINFAST - TỪ ĐẦM LẦY THÀNH TỔ HỢP SẢN XUẤT XE CÔNG NGHỆ CAO
Chỉ sau 21 tháng, khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng) đã khoác lên mình diện mạo mới với tổ hợp sản xuất ôtô, xe máy điện công nghệ cao mang tên VinFast.
Khu đất trống 335 ha, rộng gấp 20 lần sân vận động Mỹ Đình, nhưng chỉ mất 21 tháng để hoàn thành một nhà máy sản xuất ôtô và xe máy, sở hữu những công nghệ hiện đại ở tầm thế giới. Đó là lời khẳng định rõ ràng của VinFast trước không ít nghi ngờ khi dự án này bắt đầu những bước đi đầu tiên.
Ngày 2/9/2017, thời điểm mà trên thị trường xe, người ta chỉ nhắc đến những cái tên tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu và không mấy ai tin có một thương hiệu ôtô Việt ra đời thì VinFast xuất hiện, tự tin cạnh tranh với những thương hiệu đã có hàng chục, hàng trăm năm lịch sử. Nói đúng hơn, đó là ngày VinFast khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ôtô động cơ đốt trong, ôtô điện, xe máy điện và xe buýt điện.
Mỗi lần quay lại là một lần đổi khác
Trên mảnh đất rộng lớn tại khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng), VinFast có 21 tháng để hoàn thành một tổ hợp các phân xưởng sản xuất ôtô, xe máy điện, khu vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, trung tâm đào tạo và viện nghiên cứu - phát triển. Trong thời gian ngắn ấy, từng phần của tổ hợp được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Tháng 6/2019, cả nhà máy chính thức vận hành. Nói như ông Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Vingroup phụ trách VinFast, thì đây là "một kỳ tích".
Khoảng thời gian 21 tháng là dành cho cả vẽ kịch bản, lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng, thương thảo hợp đồng và đưa tới khu đất này những máy móc hiện đại tầm cỡ thế giới. Hàng nghìn container đã được mang tới, để biến một "đầm lầy" không nhà xưởng, không đường sá, không cơ sở hạ tầng điện nước, thành một tổ hợp nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất không chỉ tại Việt Nam mà trong cả khu vực.
Vừa xây dựng - vừa sản xuất
Xe máy điện của VinFast đã lăn bánh trên đường phố hơn nửa năm, tức là việc sản xuất xe máy điện đã được tiến hành rất lâu trước khi toàn bộ nhà máy đi vào hoạt động. Từng khu vực nhà xưởng được xây dựng và ngay lập tức đi vào sản xuất, đây là cách VinFast tiết kiệm thời gian, cũng như đẩy tiến độ lên nhanh nhất có thể.
Khu nhà xưởng sản xuất xe máy điện đã đi vào hoạt động từ tháng 8/2018 và khánh thành vào tháng 11/2018. Cũng trong tháng 11 ấy, những chiếc VinFast Klara đầu tiên đã tới tay khách hàng. Xe máy điện VinFast được sản xuất hoàn toàn trong nhà máy, qua 3 khu vực xưởng hàn, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, tất cả đều ứng dụng công nghệ cao nhất, với sự tư vấn thiết kế đồng bộ bởi Dürr - công ty tư vấn hàng đầu thế giới đến từ Đức.
Xưởng sản xuất xe máy điện của VinFast có công suất thiết kế 250.000 xe/năm trong giai đoạn 1, tăng lên 500.000 xe trong giai đoạn 2 và có thể mở rộng 1 triệu xe/năm. Hiện tại, VinFast đang bán ra thị trường duy nhất mẫu xe điện Klara. Hãng sắp tung ra thêm một mẫu xe mới với thiết kế tiếp tục giống với những chiếc xe máy tay ga.
Nhà máy ôtô tràn ngập tự động hóa
Nhà máy ôtô của VinFast chính thức khai trương vào ngày 14/6, và tương tự như khu vực sản xuất xe máy điện, các xưởng sản xuất ôtô đã dần đi vào hoạt động. Các mẫu xe của VinFast cũng đã bắt đầu quá trình chạy thử, kiểm nghiệm an toàn cũng như chuẩn bị giao tới khách hàng những sản phẩm đầu tiên.
Nhà máy gồm có xưởng thân vỏ, xưởng sơn, xưởng động cơ, xưởng lắp ráp và xưởng phụ trợ, đầy đủ mọi công đoạn để có thể tạo ra một chiếc ôtô hoàn chỉnh, từ dập hàn thân vỏ cho tới sản xuất động cơ. Đặc biệt, VinFast là nhà sản xuất duy nhất tại Việt Nam tính đến nay có năng lực tự dập các tấm lớn (hơn 20 tấm cơ bản cho mỗi xe).
Điểm ưu việt của nhà máy sản xuất ôtô VinFast là công nghệ tự động hóa, khi VinFast ứng dụng công nghệ 4.0 dày đặc tại các nhà xưởng, với loạt robot tự động lầm lũi hoạt động, từ việc sản xuất tới vận chuyển linh phụ kiện, không có nhiều bóng dáng của công nhân. Dây chuyền sản xuất ôtô của VinFast được kết nối với nhau thông qua điện toán đám mây hoặc qua kết nối mạng nội bộ. Các thông tin trong quá trình sản xuất được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích.
Các dữ liệu này sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với thiết kế, nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với hàng loạt nhu cầu của khách hàng, từ mẫu mã, chất lượng cho tới thời gian giao xe và giá bán. Hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu, hoạch định doanh nghiệp, quản lý vòng đời sản phẩm, điều hành sản xuất - nền tảng quan trọng cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại nhà máy - do 2 hãng hàng đầu thế giới là Siemens và SAP cung cấp.
Khu xưởng dập có diện tích 50.000 m2, công suất thiết kế 16 chi tiết mỗi phút. Với việc giám sát quy trình sản xuất theo công nghệ của Công ty Schuler (Đức), các dữ liệu về thông số kỹ thuật của nhà máy dập được thu thập trực tuyến trong quá trình sản xuất từ các thiết bị lắp đặt trong dây chuyền.
Qua việc liên tục so sánh các thông số thực tế với thông số chuẩn, tổng quan về tình trạng sản xuất và những vấn đề về kỹ thuật được nhận dạng nhanh chóng, các biện pháp cần thiết được kịp thời đề ra, nhằm luôn bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm. Dữ liệu được tự động lưu trữ liên tục. Trong trường hợp có sự cố hoặc hỏng hóc, có thể thực hiện phân tích hồi cứu để xác định nguyên nhân, ví dụ lỗi phần mềm hoặc các bộ phận của máy móc hay dây chuyền.
Xưởng hàn thân xe có diện tích 100.000 m2, công suất thiết kế 38 xe mỗi giờ, được trang bị khoảng 1.200 rô-bốt do ABB sản xuất. Đây được cho là nhà máy hàn thân xe vận hành hoàn toàn tự động, hiện đại nhất Việt Nam và hàng đầu thế giới. Nhà máy hàn thân xe ứng dụng công nghệ 4.0 ở nhiều phạm vi khác nhau, từ việc giám sát trang thiết bị, đánh giá và tối ưu hóa quy trình; tối ưu hiệu quả sử dụng trang thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đến quản lý dự phòng, công tác bảo trì theo dự báo cho dây chuyền sản xuất theo kỹ thuật số đến tính linh hoạt cao khi thay đổi dòng sản phẩm.
Xưởng sơn rộng 25.000 m2, công suất tối đa có thể hoàn thành 800 xe/ngày. Hệ thống quản lý không khí thông minh EcoSmart VEC của Dürr đến từ Đức hoạt động hoàn toàn tự động, cung cấp năng lượng theo yêu cầu thông qua việc ghi nhận các thông số thực trong sản xuất.
Công nghệ này giúp làm giảm đáng kể lượng khí và điện năng tiêu thụ khi sấy các xe mới sơn. Một ứng dụng công nghệ 4.0 khác là bộ điều khiển rô-bốt EcoEMOS cung cấp các chức năng kiểm tra thông minh như van, phanh hoặc kiểm tra máy bơm. Các trang thiết bị cũng được kết nối với nhau, để đảm bảo bộ phận bảo trì nhà máy sơn dễ dàng biết và thay thế van cần thiết ngay trước khi có thể xảy ra sự cố kỹ thuật phải dừng sản xuất.
Xưởng sản xuất động cơ có diện tích 50.000 m2, sử dụng công nghệ cơ khí chính xác mới nhất để gia công các đầu động cơ, thân động cơ và trục khuỷu của động cơ. Đây là khu vực được cho là đặc biệt nhất của tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô VinFast, khẳng định doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự sản xuất và làm chủ phần cốt lõi của công nghiệp ôtô. Các động cơ trên xe VinFast sẽ được hoàn thiện tại đây trước khi được chuyển sang lắp ráp vào thân xe.
Xưởng lắp ráp và hoàn thiện xe có diện tích 200.000 m2, với dây chuyền có mức độ tự động cao, các băng chuyền và xe tự hành được hoạt động liên động với nhau. Các công đoạn lắp ráp được trang bị súng siết lực hiện đại của Atlas Copco nối liên động với dây chuyền sản xuất đảm bảo lực siết của từng chi tiết lắp ráp được kiểm soát và có thể truy hồi tại mọi thời điểm. Dây chuyền linh động cho nhiều dòng sản phẩm với chất lượng gắn tiền trong quá trình sản xuất.
Xưởng phụ trợ với diện tích 20.000 m2 bao gồm khu vực sơn các chi tiết nhựa (cản trước, cản sau) với công nghệ sơn thân thiện môi trường. Ngoài ra, xưởng còn có khu vực lắp hoàn thiện lốp xe và có năng lực mở rộng cho đúc các chi tiết nhựa trong tương lai.
Nhà máy ôtô VinFast có công suất thiết kế 250.000 xe mỗi năm trong giai đoạn 1, và 500.000 xe/năm trong giai đoạn 2, tức là bằng doanh số mỗi năm của toàn thị trường trong giai đoạn hiện tại. Tham vọng xây dựng một nhà máy thật sự lớn của VinFast chứng tỏ hãng xe Việt rất tin tưởng vào thành công của mình, tự tin rằng thị trường sẽ đón nhận những mẫu xe mang thương hiệu Việt, sinh ra tại Việt Nam và đạt tiêu chuẩn chất lượng châu Âu.
Thị trường chờ đón xe VinFast
Ông James DeLuca - Tổng giám đốc VinFast, chia sẻ công ty mất 21 tháng để làm những công việc mà hầu hết nhà máy ôtô khác trên thế giới phải cần 30-60 tháng. Để biến điều này thành hiện thực, VinFast đã hợp tác với một số đối tác tốt nhất trong lĩnh vực sản xuất ôtô.
Nhà máy VinFast đã thành hình từ một khu đất trống, sau 21 tháng "thần tốc". Từ đây, câu chuyện về một thương hiệu ôtô Việt Nam sẽ bắt đầu, câu chuyện về công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ được viết tiếp, kèm theo đó là sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ. Với những nỗ lực tạo nên một nhà máy khổng lồ trong thời gian ngắn kỷ lục, VinFast không chỉ xứng đáng nhận được sự ủng hộ và tin tưởng của người tiêu dùng trong nước, mà còn xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ các hãng xe hàng đầu thế giới.