Nhã nhạc - Niềm tự hào cung đình huế
Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Niềm vinh dự tự hào đó có phần đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân, những người giữ "hồn" cho Nhã nhạc Huế, trong đó có hai anh em: ông Lê Hữu Cử 86 tuổi và người anh là Lê Hữu Thi 92 tuổi là hai người cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn.
![]() |
Mân mê tấm ảnh ghi lại một buổi diễn của đội nhạc triều Nguyễn, được chụp trước khi vua Bảo Đại thoái vị ít lâu, ông Cử, hiện ở tại 322 Tăng Bạt Hổ, thành phố Huế nhớ lại một thời tuổi trẻ vàng son của mình khi được phục vụ trong đội nhạc của cung đình Huế. Ông cho biết: bấy giờ đội nhạc Hòa Thanh trong cung đình (còn gọi là tiểu nhạc) có 10 người, gồm những người chơi nhạc cự phách: Lê Văn Hòa đánh trống bảng, Đinh Đó đàn tỳ, Trần Lư đàn tam, Nguyễn Thiện đàn nguyệt, Đinh Khai đàn nhị... nhưng nay họ đã mất, chỉ còn hai anh em ông.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống đàn ca, sự say mê với nghề như thấm vào máu thịt của từng người. Khác với người anh đứng tên trong đội nhạc Hòa Thanh từ rất sớm, ông Cử đến với đội nhạc như một cơ duyên. Năm 14 tuổi, ông tham gia Lễ khánh thành Hội Phật học tại Đà Nẵng, có lúc đăng đàn thổi một mình. Ông chơi được nhiều loại nhạc cụ như: kèn, sáo (địch), đàn nhị... Năm 17 tuổi, trong một lần đến chơi phục vụ nội thân nhà vua ở cung An Định, tiếng đàn, tiếng sáo của ông qua các vở Tam Quốc, Lưu Bình Dương Lễ... đã thu phục được lòng người, chính thức đưa ông đến với đội nhạc Hòa Thanh và ông đã gắn bó với đội nhạc cung đình cho đến ngày Bảo Đại thoái vị. Ông cho biết: Đội nhạc Hòa Thanh gồm các nhạc cụ dân tộc như đàn tỳ, tam, nguyệt, nhị, kèn, sáo, và các bộ gõ như trống, bảng...chỉ phục vụ nhà vua trong các dịp đăng quang, vạn thọ, triệu miếu, chúc tuổi đức từ cung (mẹ vua Bảo Đại). Ông Cử là người đa tài, vì thế dưới thời Bảo Đại, khi văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập vào nước ta, ông là người thổi được kèn Tây (Sexsophone, Clarinet, Sáo bạc Flute) nên được triều đình rất trọng dụng. Còn ông Lê Hữu Thi thì nổi bật vì tài điều khiển cây đàn nhị và chiếc kèn bóp; tiếng đàn khi réo rắt, ai oán, có lúc lại xập xòa, bay bổng, nghe như bướm lượn trong các ca đoạn Nam ai, Nam Bình, trong Đăng Đàn cung...
Mấy năm gần đây, nhất là sau khi Nhã nhạc Huế (Nhạc cung đình Việt Nam) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những nhạc công cuối cùng trong đội nhạc triều Nguyễn lại bận rộn hơn bao giờ hết trong công việc giúp nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) phục dựng, bảo tồn các giá trị truyền thống của loại âm nhạc cung đình. Ông Trương Tuấn Hải, Đạo diễn sân khấu, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế (nhà hát Duyệt Thị Đường-Đại Nội-Huế) cho biết: ông Cử, ông Thi vừa góp công bảo tồn và phục dựng thành công các bài "thài" như: Trầm Hương (An thần), một trong 8 bài nhạc lễ trong lễ tế đàn Nam Giao, trong đó có đoạn ca từ sang trọng và rất khó như: Long nghi cáo bị/Nhạc chương đại thần/Tư văn dĩ phước/Minh đức duy hinh... Hiện nay, Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế đã xây dựng được đội ngũ gồm 90 diễn viên và nhạc công, tổ chức biểu diễn liên tục mỗi ngày 4 suất phục vụ khách tham quan, du lịch. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của hai người nhạc công cuối cùng trong đội nhạc cung đình triều Nguyễn hiện còn lại trên đất Cố đô.
(Theo Eva.vn)