Sau hơn 4 tháng chưa tái khám răng niềng, nhiều mắc cài bị tuột và không thể ăn uống bình thường, Phương đánh liều tới thẳng nha khoa dù không gọi điện được.
Thông thường, tháng nào Phương cũng phải tái khám. Chỉ trễ vài ngày hoặc bị bung một cái mắc cài, nha sĩ đã cảnh báo thời gian niềng có thể kéo dài hơn dự kiến.
"Lần tái khám gần nhất của mình là đầu tháng 6. Đến giờ, không phải bung một mà nguyên cả dàn mắc cài lẫn dây cung đều đã tuột ra khỏi hàm", Phương kể.
Khi đến phòng khám vào sáng 3/10, chưa kịp vui mừng vì thấy nơi đây mở cửa trở lại, Phương đã được các nha sĩ thông báo không thể nhận thêm khách vì quá tải.
Ngày hôm sau, cô rút kinh nghiệm có mặt từ lúc 13h30. Tuy vào được phòng khám, Phương phải chật vật ngồi đợi gần 2 tiếng mới đến lượt của mình.
"Trước đây, buổi chiều, phòng khám mở cửa lúc 14h nhưng giờ khách tới sớm quá nên 14h kém là họ đã đóng cửa không nhận thêm. Sau 4 tháng ai cũng gặp nhiều vấn đề về răng miệng, đặc biệt là những người niềng răng như mình. Tuy vậy, mình cũng thông cảm vì số lượng nha sĩ đi làm lại chưa nhiều, phòng khám cũng cần giới hạn người để đảm bảo an toàn", Phương nói với Zing.
Chờ đợi hàng giờ
Tương tự Minh Phương, Thương Thương (25 tuổi, thành phố Thủ Đức) liên hệ ngay với nha khoa để đặt lịch tái khám khi vừa biết tin TP.HCM cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại.
Thương niềng răng từ tháng 3 năm ngoái, mỗi tháng cô phải đi siết niềng, răng chạy một lần. Suốt 4 tháng giãn cách xã hội, do không được đến nha khoa kiểm tra, các dây cung bị dư ra, đâm vào má khiến cô luôn cảm thấy khó chịu, ăn không ngon.
Thương Thương bị bung mắc cài, khiến quá trình ăn uống trong thời kỳ giãn cách trở nên khó khăn. Ảnh: NVCC. |
“Những ngày đầu, mình không làm sao nuốt nổi cơm vì các dây cung cứ cọ xát vào má, khiến phần bị đâm trở nên đau rát. Mình đành dùng tạm sáp nha khoa và súc miệng bằng nước muối ấm để cố định khúc bị dư ra, giúp miệng dễ chịu hơn”, Thương nói.
Theo lời Thương, quá trình đặt lịch có thêm nhiều bước phức tạp hơn bình thường. Khi liên hệ đến nha khoa, cô được y tá hướng dẫn điền thông tin vào biểu mẫu, trong đó yêu cầu ghi rõ tình trạng sức khỏe gần đây và chứng nhận tiêm vaccine.
Hôm sau, lúc đến phòng khám, cô phải khai báo y tế thêm lần nữa, test nhanh Covid-19, có kết quả âm tính mới được vào. Số người trong phòng cũng được cắt giảm tối đa, chỉ có bảo vệ, y tá kiêm tiếp tân, bác sĩ và bệnh nhân.
Ngồi ở ngoài khu vực chờ, Thương đếm có khoảng 14-15 người khác cũng đang đợi giống mình. Mỗi lần chỉ có một người được vào khám nên dù đã đặt lịch trước, cô gái vẫn phải đợi hơn một tiếng mới đến lượt.
“Nha khoa này có thiết kế khẩu trang riêng để bệnh nhân đeo lúc há miệng nên mình thấy khá an toàn. Tuy hơi rắc rối hơn lúc trước nhưng đây là điều nên làm để bảo vệ bản thân và cộng đồng”, Thương nói thêm.
Trinh đặt lịch khám nha khoa ngay khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC. |
Theo đúng liệu trình Phương Trinh (22 tuổi, huyện Bình Chánh) sẽ tái khám vào tháng 8 để kiểm tra tình trạng răng nhưng do TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 nên cô phải dời lịch đến ngày 3/10.
Vì niềng bằng khay trong suốt, Trinh không gặp vấn đề về bung mắc cài, dây cung. Điều duy nhất khiến cô lo lắng là khay bị nứt, gãy và tiến độ niềng răng kéo dài hơn so với dự kiến.
"Để đảm bảo khay không bị hỏng trong thời gian nha khoa đóng cửa, mình phải vệ sinh thật kỹ sau mỗi bữa ăn, tránh dùng những món nóng và hạn chế va đập mạnh. Với loại niềng này, mỗi ngày mình đeo liên tục từ 20-22 tiếng để răng không chạy lệch”, cô gái chia sẻ.
Trinh cho biết khi đến phòng khám, cô được yêu cầu nộp giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 trong vòng 72h, đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
“Mình đến nha khoa từ 7h, tưởng đi sớm sẽ đỡ đông nhưng cũng có nhiều người đến trước mình. Ngày trước chỉ ngồi đợi khoảng 15 phút là được vào khám nhưng hôm đó, mình phải chờ đến gần 2 tiếng.
Nhiều nha sĩ mắc kẹt ở quê
Dù hiểu được nỗi khổ của khách hàng khi 3-4 tháng chưa được gặp nha sĩ, đại diện nhiều phòng khám tại TP.HCM nói với Zing họ cũng có khó khăn riêng trong đợt mở cửa trở lại này.
Thiếu nhân lực và phải đảm bảo quy tắc phòng dịch trong khi nhu cầu tái khám của khách tăng cao khiến các nha sĩ phải làm thêm giờ, song phòng khám vẫn rơi vào tình trạng quá tải.
Trần Thị Tú Linh, bác sĩ chính tại Nha khoa Tín An, quận Gò Vấp, cho biết hiện phòng khám của cô chỉ đáp ứng được một nửa nhân lực gồm 2 nha sĩ và 3 y tá vì nhiều y bác sĩ khác vẫn mắc kẹt ở quê do dịch Covid-19.
Để đảm bảo các quy tắc an toàn, phòng khám chỉ nhận từ 10-15 khách/ngày. Tất cả khách đặt lịch qua đường dây nóng và được hẹn trước từ vài ngày cho đến khoảng một tuần trước khi đến tái khám.
Nhiều phòng khám nha quá tải sau dịch. Ảnh minh họa: dentaleh. |
Khách hàng khi tới phòng khám phải xuất trình thẻ xanh, thẻ vàng, phiếu xét nghiệm Covid-19 trong vòng 3 ngày hoặc giấy xác nhận F0 hồi phục trong vòng 6 tháng.
"Với những khách có thẻ vàng, nha khoa sẽ hỗ trợ test nhanh miễn phí để đảm bảo an toàn. Nhân lực ít và phải tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh nên lịch khám của khách sẽ phải kéo dãn ra, tất cả cũng vì an toàn cho mọi người", bác sĩ Linh cho hay.
Chủ phòng khám nói thêm từ ngày nha khoa đóng cửa vào đầu tháng 6, khách hàng, đặc biệt những người đang niềng răng, gặp nhiều vấn đề về răng miệng.
"Các nha sĩ phải liên tục tư vấn cho khách qua điện thoại, tin nhắn. Tuy nhiên, vì không thể gặp trực tiếp nên các trường hợp khó cũng không thể giải quyết. Phòng khám được hoạt động lại, dù còn nhiều hạn chế, vẫn là tín hiệu đáng mừng với cả khách hàng lẫn các nha sĩ".
Cũng gặp tình trạng quá tải khi làm việc trở lại sau 4 tháng, đại diện của một phòng khám ở quận Bình Thạnh cho biết họ vẫn chưa dám mở lại đường dây nóng để khách đặt lịch.
"Hiện chúng tôi chỉ có một bác sĩ chính và 2 nhân viên phụ tá, không có người trực tổng đài. Số nhân viên còn lại vẫn đang mắc kẹt ở quê chưa thể quay lại thành phố. Với nhân lực hạn chế như vậy, mỗi ngày chúng tôi chỉ nhận khoảng 10-20 khách tới sớm nhất", người này cho biết.