Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Quốc Toản, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Hà Nam, khẳng định đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa bàn giao việc quản lý, sử dụng Nhà thi đấu thể dục thể thao Hà Nam cho Sở.
Hiện, nhà thi đấu đang được xây dựng thêm khu giải trí, khu ẩm thực, công viên cây xanh… để thu hút người dân đến tham quan, vui chơi. Dự kiến cuối năm nay, các hạng mục hoàn thành.
Nhà thi đấu đa năng nghìn tỷ ở Hà Nam trơ trọi giữa cánh đồng. Ảnh: Lê Hiếu. |
3 năm chỉ có 2 giải lớn
Ông Toản thừa nhận nhà thi đấu có tiêu chuẩn quốc tế nhưng thời gian gần đây chỉ để tổ chức giải thi đấu cấp thành phố, cấp tỉnh. Thậm chí, ban tổ chức những giải đấu này không dám bật điều hòa và mở hết đèn vì không đủ kinh phí.
Hiện mỗi năm Hà Nam tổ chức khoảng gần 20 giải đấu cấp tỉnh, thành phố.
"Nhà thi đấu đa năng hiện chỉ để tổ chức giải cấp thành phố, cấp tỉnh. Ban tổ chức giải đấu nhỏ không dám bật điều hòa và đèn vì kinh phí tổ chức không chịu nổi"
Ông Trần Quốc Toản - Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nam
“Về tổng kinh phí đầu tư nhà thi đấu đa năng có vượt quy hoạch hay không tôi cũng không tìm hiểu rõ. Vấn đề này UBND tỉnh giao cho Ban quản lý các công trình trọng điểm của tỉnh làm chủ đầu tư”, ông Toản nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết công trình xây dựng để tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2014 và đón đầu đăng cai tổ chức sự kiện ASIAD 2019.
Tuy nhiên, khi Việt Nam rút đăng cai, từ năm 2014 đến nay, ngoài tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, nhà thi đấu chỉ có thêm một hoạt động tầm cỡ là giải Bóng chuyền quốc tế VTV Cup năm 2016. Còn lại là các giải cấp tỉnh trở xuống.
Nói về việc lãng phí khi nhà thi đấu đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng chủ yếu tổ chức giải nhỏ, ông Đông cho biết Hà Nam đang nỗ lực kêu gọi Bộ Văn hóa Thể dục thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao bố trí các giải đấu lớn tại đây. Trong năm tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề nghị được đăng cai tổ chức giải Bóng chuyền quốc tế VTV Cup năm 2018 và các giải đấu lớn khác.
“Chúng tôi sẽ lên kế hoạch xin tổ chức nhiều giải lớn ở trong nhà thi đấu”, ông Đông nói.
Chờ quy hoạch
Theo ông Trần Quốc Toản, ông có nghe về việc Tổng cục Thể dục thể thao quy hoạch nhà thi đấu của tỉnh mình thành trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, san sẻ cho Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 (ở Nhổn, Hà Nội).
Bên cạnh đó, khi 20 trường đại học được xây dựng ở Hà Nam, cộng với việc mở trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, nhà thi đấu và cụm vui chơi giải trí được kỳ vọng sẽ trở nên náo nhiệt, hoạt động hết công suất.
Dù được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nhưng từ năm 2014 đến nay nhà thi đấu chỉ tổ chức được 2 giải lớn. Ảnh: Lê Hiếu. |
Trao đổi với Zing.vn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng khẳng định Tổng cục luôn khuyến khích tổ chức các giải đấu lớn ở các nhà thi đấu đa năng có quy mô lớn như ở Hà Nam, Thái Bình để tránh lãng phí. Để đăng cai tổ chức các giải đấu lớn, UBND tỉnh cần có kế hoạch và văn bản kiến nghị lên Tổng cục và Bộ VHTT&DL.
Về việc quy hoạch nhà thi đấu đa năng tỉnh Hà Nam thành trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, ông Thắng cho biết Tổng cục chưa có kế hoạch.
Trước đây, khi Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 1 quá tải, Tổng cục có bàn bạc và đưa ra dự kiến sẽ mở rộng ở nhà thi đấu đa năng Hà Nam. Nhưng đến nay việc này chưa triển khai.
Về việc lãng phí ở nhà thi đấu tỉnh Hà Nam, ông Thắng cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của địa phương. Theo đó, Hà Nam phải chủ động lên kế hoạch sử dụng, khai thác nhà thi đấu kín lịch, hết công suất.
Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam (chấm đỏ) cách cao tốc Hà Nội - Ninh Bình 2 km. Ảnh: Google Maps. |
Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hà Nam nằm trên khu đất rộng với quy mô xây dựng 5 tầng, sức chứa 7.500 chỗ ngồi. Công trình này có tổng kinh xây dựng lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Nơi đây được lắp các thiết bị hệ thống hiện đại như bảng điện tử, âm thanh ánh sáng đạt tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá là hoành tráng, hiện đại ở khu vực Đông Nam Á.