Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhà thiết kế Lebanon: 'Chúng tôi có niềm tin và sẽ ở lại sau vụ nổ'

Một tuần sau vụ nổ kinh hoàng, các nhà thiết kế ở Beirut (Lebanon) vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cơ sở của mình chỉ còn lại đống đổ nát.

vu no o beirut anh 1

"Tôi không diễn tả nổi nỗi buồn của mình. Mọi thứ biến mất chỉ trong một phút. Chúng tôi ổn nhưng thiệt hại thì quá sức tưởng tượng", nhà thiết kế nổi tiếng Zuhair Murad vẫn chưa thể hoàn hồn sau vụ nổ ở Beirut, Lebanon.

Vì các hạn chế liên quan đến dịch, toàn bộ nhân viên của ông đã rời cửa hàng tại cảng Beirut vào 18h cùng ngày xảy ra vụ nổ. Do đó, họ may mắn không bị thương nặng. Tuy nhiên, Murad cho biết ông hầu như mất tất cả. Văn phòng của ông bị phá hủy hoàn toàn cùng với 80% tài liệu lưu trữ. Những bộ sưu tập thời trang cao cấp đang thực hiện dang dở cũng bị vùi vào đống đổ nát.

Thời trang xa hoa vươn tầm thế giới

Trong nhiều thập kỷ, Lebanon đã đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang khu vực cũng như toàn cầu. Theo Fitch Solutions, năm 2017, thị trường thời trang của Lebanon trị giá 1,5 tỷ USD.

Ý thức về phong cách của người Lebanon đã được rèn giũa qua nhiều thế kỷ giao lưu văn hóa giữa các nền văn minh Saudi Arabia, Hy Lạp, La Mã, Ottoman và phương Tây. Từng được mệnh danh là "Paris của Trung Đông", thủ đô Beirut sở hữu di sản phong phú, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Pháp trong kiến trúc, ẩm thực lẫn phong cách sống.

vu no o beirut anh 2

Trang phục của các nhà thiết kế Lebanon thường toát lên vẻ kiêu sa, quyền quý. Ảnh: Reuters.

Theo Vogue, đây là thành phố có nền văn hóa sâu sắc về kỹ năng và trí tưởng tượng đáng kinh ngạc. Từ lâu, cộng đồng người ở đó đã tạo ra thời trang cao cấp và đồ trang sức quý giá. Khu phố Gemmayzeh - nơi có nhiều cửa hàng thời trang pha lẫn giữa nét hoài cổ và hiện đại - bị tàn phá nặng nề. Tờ tạp chí danh tiếng ví nơi đây là "cái nôi của thời trang Beirut".

Tại vùng đất này, thời trang bị chi phối bởi các đặc tính và thẩm mỹ của thời trang cao cấp. Đồ hiệu ở đây luôn toát lên vẻ đẹp của sự công phu và xa hoa qua các chi tiết phức tạp. Đây là lý do các nhà thiết kế thuộc mảnh đất này luôn góp mặt trong Tuần lễ thời trang Paris. Trong đó, Elie Saab và Zuhair Murad là hai nhà thiết kế được Forbes ví như những "cựu binh đáng kính" của sàn catwalk mang tính biểu tượng.

Dù là thời trang mặc sẵn hay haute couture, thiết kế của Elie Saab cũng đều thể hiện nét đẹp tiên nữ cho nữ giới thông qua chi tiết đá quý, vải voan hay thêu ren… Chính sự định vị rõ ràng trong thiết kế giúp thương hiệu này luôn có tần suất xuất hiện trên truyền hình nhiều nhất mỗi khi đến mùa tuần lễ thời trang.

Với Murad, ông từng tiết lộ nguồn cảm hứng chính được truyền từ chính quê hương mình. Thiên nhiên, cảnh quan, màu sắc của mảnh đất này đã ảnh hưởng đến trí tưởng tượng của ông.

"Quan trọng hơn hết là phong cách của người Lebanon. Ai cũng đều rất thời trang, hợp mốt. Phụ nữ thì xinh đẹp và sành điệu. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi bộ sưu tập mỗi mùa của tôi đều tôn lên vẻ đẹp nữ tính", nhà thiết kế nhấn mạnh.

Vẻ kiều diễm, kiêu sa trong thiết kế mang dấu ấn riêng của Zuhair Murad "chinh phục" dàn mỹ nhân nổi tiếng thế giới như Taylor Swift, Jennifer Lopez, Katy Perry… Những bộ cánh do nhà thiết kế sinh năm 1971 tạo ra nhiều lần giúp các ngôi sao tỏa sáng ở sự kiện lớn. Miley Cyrus từng trông như nàng công chúa tại Oscar. Hoa hậu Pháp Chloe Mortaud cũng toát lên vẻ quý phái trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.

Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, Zuhair Murad chưa từng nghĩ đến cảnh mình phải chứng kiến cửa hàng tại quê nhà sụp đổ trong chớp mắt. Bên cạnh vật chất, nó còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn đối với ông.

"Chỉ còn lại gạch, vữa và kim loại"

Văn phòng và xưởng may của Zuhair Murad nằm trên đại lộ Charles Helou. Nơi đây từng là địa điểm lãng mạn của các tín đồ thích mua sắm vì nó có tầm nhìn hướng ra biển. Chỉ trong tích tắc, nó chỉ còn lại đống đổ nát.

Murad không thể kìm những giọt nước mắt: "Những nỗ lực trong nhiều năm trôi qua trong chốc lát. Trái tim tôi cũng tan nát. Tôi yêu cửa hàng đến mức nào, giờ nó chỉ còn lại gạch, vữa và đống kim loại".

vu no o beirut anh 3

Các cửa hàng thời trang ở Beirut bị tàn phá nặng nề. Ảnh: Vogue.

Không chỉ Murad, các nhà thiết kế thời trang ở mảnh đất được mệnh danh là "Paris của Trung Đông" cũng đang đối mặt với bài toán khó. Thậm chí, một số người còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Sau vài ngày từ vụ nổ, nhà thiết kế người Rabih Kayrouz mới có sức tiếp chuyện với giới truyền thông. Ông cho biết mình bị xuất huyết não nhẹ và có hai cục máu đông. Ngoài ra, ông cũng cần khâu 22 mũi.

Xưởng sản xuất của Kayrouz cách địa điểm xảy ra vụ nổ chưa đầy 900 m. Mức thiệt hại nặng nề đến nỗi ông phải dùng đến câu: "Từ ngữ không đủ để diễn tả". Ông cho biết bản thân sẽ không bao giờ quên ngày hôm đó và quyết tâm xây dựng lại.

Thảm họa xảy ra vào thời điểm ngành công nghiệp thời trang của Lebanon đang gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Hơn nữa, các nhà thiết kế còn bị ảnh hưởng nhiều khi đại dịch bắt đầu làm giảm nhu cầu trưng diện của phần lớn người dân địa phương.

"Không ai mua sắm. Chúng tôi gần như không có doanh số bán hàng trong nước và phải dựa vào nước ngoài", một nhà thiết kế chia sẻ.

Trước khi vụ nổ xảy ra, các cửa hàng thời trang ở Beirut liên tiếp chịu cảnh ế ẩm trong nhiều tháng. Hiện tại, họ không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Họ thậm chí cho rằng bản thân đã quên mất việc mình sở hữu các doanh nghiệp thời trang trong một phút nào đó.

Nương tựa, tin tưởng lẫn nhau

Khó khăn dường như đang bủa vây ngành thời trang ở Lebanon lúc này. Dịch Covid-19, bất ổn chính trị và vụ nổ mới đây khiến tất cả rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, ý thức cộng đồng của họ giữa nghịch cảnh thực sự khiến mọi người phải ngạc nhiên.

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, Salim Azzam - một nghệ nhân thêu có cửa hàng ở khu Chouf - đã mời mọi người tới cơ sở của mình để ngủ tạm. Vài giờ sau đó, anh liên tục chia sẻ những nghĩa cử tốt đẹp của người Lebanon trên đường phố lên mạng xã hội nhằm truyền đi thông điệp tích cực.

"Hãy đi ra ngoài và làm mọi thứ có thể. Bạn không thể chỉ ngồi nhà vào lúc này. Tất cả đều ở đây. Người Lebanon nổi tiếng vì điều đó. Thế hệ chúng tôi đang bước vào cuộc chiến chưa từng có trước giờ. Dù vậy, khi mọi người sát cánh bên nhau, nó đã tạo nên cú hích tinh thần lớn", anh nói.

Dù bị thương nặng trong chính cửa hàng được xây dựng từ thế kỷ 19 của mình, nhà thiết kế Rabih Kayrouz vẫn không quên khoảnh khắc mọi người cố gắng giúp đỡ lẫn nhau. Ông cho rằng người dân Lebanon thật phi thường.

"Họ tương trợ nhau trong khoảng thời gian kinh khủng, trước đó là đại dịch và các vấn đề với ngân hàng", ông nhấn mạnh.

vu no o beirut anh 4

Rabih Kayrouz bị thương nặng sau vụ nổ ở Beirut. Ảnh: @maisonrabihkayrouz.

Kayrouz và nhóm của mình khá hoang mang. Dù không biết kết quả, họ vẫn tập trung lại lên kế hoạch cho chặng đường phía trước. Họ hy vọng sẽ khôi phục cửa hàng bằng cách nương tựa, tin tưởng lẫn nhau.

Đối với nhà thiết kế thời trang cao cấp toàn cầu Elie Saab, ông quyết định đóng cửa cơ sở kinh doanh đến ngày 17/8 để sửa chữa cũng như tạo cơ hội cho nhân viên dưỡng thương. Ông cho biết những gì đã xảy ra rất khó chấp nhận. Tuy nhiên, con người vẫn cần thay đổi để thích nghi.

"Lựa chọn của chúng tôi là ở lại đất nước và thúc đẩy sứ mệnh. Chúng tôi mất ít nhất 30 năm nuôi dưỡng nghề thủ công thời trang cao cấp. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong xưởng sản xuất của chúng tôi. Do đó, nó không thể dễ dàng biến mất được", là lời khẳng định từ Elie Saab.

Nợ nần chồng chất, vào cửa hàng ăn cắp vì đam mê hàng hiệu

Không đủ điều kiện tài chính, một số người trẻ làm mọi cách để có được món đồ hiệu mình yêu thích.

Hoài Thương

Bạn có thể quan tâm