Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: 'Chê nam công chức mặc áo dài là kém hiểu biết'

Theo nhà thiết kế Sĩ Hoàng, việc nam giới mặc áo dài đi làm giúp tạo sự nhận diện cho bộ quốc phục Việt trước bạn bè quốc tế.

Mới đây, hình ảnh các nam công chức mặc áo dài đi làm ở Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế thu hút sự quan tâm.

Việc này nhanh chóng tạo ra luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người nhận định mặc áo dài không phù hợp với thời tiết và gây bất tiện trong lúc làm việc. Số còn lại ủng hộ, cho rằng đây là cách duy trì nét đẹp văn hoá.

Mac ao dai di lam anh 1
Nam cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài truyền thống. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

Giá trị văn hóa song hành với đời sống

Trao đổi với Zing, nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng cho hay: "Tôi ủng hộ việc các nhà lãnh đạo ban hành quyết định để nam cán bộ đi làm trong chiếc áo dài ngũ thân, mang đậm giá trị truyền thống của người Việt. Phục hồi tà áo dài cho phụ nữ và đàn ông mang ý nghĩa rất tốt. Bởi đa phần tâm lý chung của nam giới đều cho rằng mặc áo dài sẽ khiến bản thân trở nên yếu đuối, không có sự nam tính. Nhưng các vị lãnh đạo thành phố hay đại sứ của Việt Nam tại Italy, Singapore hay Ấn Độ đều được bạn bè quốc tế tiếp đón nồng nhiệt, cũng như bày tỏ sự nể trọng đối với bộ quốc phục".

Nhà thiết kế nhấn mạnh mặc áo dài đến chốn công sở là điều đáng mừng. Bởi đây chính là biểu tượng rõ nét nhất về văn hóa của người Việt đối với thế giới. Phát triển kinh tế phải đi song hành cùng văn hoá của một đất nước.

"Tại sao một số người lại phản đối việc cán bộ mặc áo dài ngũ thân đi làm? Giá trị văn hóa phải có gắn kết mật thiết với đời sống. Thành phố Huế đang là nơi tiên phong xây dựng nếp sống và giá trị của người Việt. Chúng ta không thể bị nhấn chìm, hòa tan bởi lối sống của các nước khác. Tà áo dài chính là biểu tượng giúp bạn bè quốc tế nhận diện con người Việt Nam", anh bày tỏ thêm.

"Tại sao lại chỉ trích việc mặc áo dài đi làm?"

Dưới các bài đăng trên mạng xã hội, nhiều người để lại bình luận ủng hộ, số còn lại cho rằng đây là quy định không hợp lý, gây bất tiện. Thậm chí, có bài viết nhận xét trang phục truyền thống chỉ nên áp dụng với một số vị trí công tác đặc thù.

Để bày tỏ quan điểm, NTK Sĩ Hoàng nhận định: "Năm 1992, khi tôi bắt đầu giảng dạy ở trường, nhà nước cũng có quy định về trang phục cho các giáo viên thời đó phải chỉn chu với sơ mi, quần đi kèm giày tây. Lúc bấy giờ, quy định này tạo nên nhiều sự tranh cãi và làn sóng phản đối từ một bộ phận người làm trong ngành giáo dục. Tuy nhiên sau thời gian dài, ai cũng đều chấp nhận và cho rằng điều này hợp lý. Đối với câu chuyện cán bộ mặc áo dài đi làm cũng vậy, nó chỉ nằm ở vấn đề thời gian".

Mac ao dai di lam anh 4

NTK Sĩ Hoàng. Ảnh: FB Sĩ Hoàng.

Anh nói thêm chiếc áo dài ngũ thân mà nam cán bộ ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc có cấu trúc thoải mái, dễ dàng trong lúc làm việc. Hành động đem áo dài đến gần hơn với mọi người sẽ giúp phục hồi làng dệt và nghề may truyền thống, tạo thêm việc làm cho những người thợ trong thời điểm khó khăn.

Theo nhà thiết kế, điều này thể hiện giá trị kinh tế nhân văn khi văn hóa bản sắc và kinh tế của đất nước song hành cùng nhau. Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ nhờ đó sẽ bắt đầu tìm hiểu về cội nguồn văn hóa xưa và hãnh diện trước giá trị của chiếc áo dài.

"Trang phục của cán bộ nhà nước dựa trên nền tảng tà áo dài xưa, không được quyền làm khác đi. Kỹ thuật may sẽ thay đổi từ thủ công sang cách sản xuất bằng máy. Chất liệu dệt ngày nay phải hợp thời. Khăn vấn sẽ không cầu kỳ như trước, được may sẵn để người mặc đỡ tốn thời gian", anh chia sẻ.

Ngoài ra, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận định hình ảnh tà áo dài còn mang giá trị đạo đức. Bởi khi một người mặc chiếc áo truyền thống sẽ đi đôi với lời nói, phong thái, ngôn ngữ cũng trở nên điềm đạm, có sự chừng mực hơn trước đối phương.

Đối với nhà thiết kế, những ai phản đối việc mặc áo dài đến công sở chỉ thể hiện bản thân là người kém hiểu biết: "Tại sao lại có những lời chỉ trích khi nhìn thấy người khác mặc áo dài truyền thống? Đáng ra phải nên vui mừng, bởi họ phần nào đã truyền tải được nét văn hoá, giúp tạo nên sự nhận diện cho bộ quốc phục của Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Đừng làm anh hùng bàn phím!".

Mac ao dai di lam anh 5

Theo NTK Sĩ Hoàng, mọi người nên vui mừng trước quy định mặc áo dài đi làm. Ảnh: FB Sĩ Hoàng.

Nam công chức mặc áo dài thể hiện nét văn hóa hay bất hợp lý?

Nhiều người cho rằng việc nam giới mặc áo dài đi làm rất có ý nghĩa, giúp bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

Các quốc gia có quy định mặc trang phục truyền thống đi làm

Một số người Myanmar, Indonesia cho biết họ cảm thấy tự hào khi diện thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc tới nơi công sở.

Thiên Minh

Bạn có thể quan tâm