Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà thiết kế: 'Thùy Dung mặc trang phục giống Trung Quốc'

Các chuyên gia về trang phục truyền thống đều cho rằng, thiết kế do hoa hậu Việt Nam 2008 trình diễn không có nét đặc trưng áo dài hồn Việt.

NTK Thủy Nguyễn giới thiệu bộ sưu tập xuân hè 2015 mang đậm nét truyền thống Việt tại chương trình Vietnam Culture Day, diễn ra tại bảo tàng cổ Mercati Di Traiano, Italy ngày 25/6. Hoa hậu Việt Nam 2008 - Thùy Dung diện bộ áo dài cách tân, họa tiết rồng phượng thêu tinh tế trên nền vải gấm làm vedette.

Tuy nhiên, báo Laodong.com.vn cho rằng thiết kế của Thủy Nguyễn có nhiều chi tiết ảnh hưởng từ Trung Quốc. Bài viết còn dẫn chứng cụ thể hình ảnh có họa tiết giống bộ trang phục do hoa hậu thể hiện, kèm ý kiến nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.

Ông khẳng định trang phục do Thùy Dung trình diễn có “chất liệu và hoa văn Trung Quốc hiện đại”.

“Họa tiết hoa văn do người Trung Quốc hiện đại làm, không phải hoa văn cổ của cả Việt Nam hay Trung Quốc. Và nhà thiết kế của bộ áo dài đơn giản là nhập hàng từ Trung Quốc”, nhà nghiên cứu nhận định.

Thùy Dung thể hiện bộ sưu tập của NTK Thủy Nguyễn.

Trước thông tin gây tranh cãi dư luận, Zing.vn ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia về vấn đề trên.

Hoa văn của NTK Thủy Nguyễn giống Trung Quốc

Việt Hùng - người có thâm niên thiết kế trang phục áo dài cho hay, trong lĩnh vực thiết kế thời trang, các nhà mốt vẫn sử dụng chất liệu vải ngoại nhập và tập trung sáng tạo ở kiểu dáng, đường nét và hoạ tiết. Đôi khi để tạo sự độc đáo, mới mẻ, một số NTK sẽ có nguồn cung cấp vải độc quyền hoặc tự vẽ hoa văn để đặt hàng từ nhà sản xuất.

“Về trường hợp của Thuỷ Nguyễn, tôi không rành về nguồn gốc chất liệu cô ấy sử dụng. Tuy nhiên, với những thiết kế mang tính truyền thống, tôi nghĩ nên hạn chế việc dùng họa tiết nước ngoài vì không toát lên được nét đẹp văn hóa người Việt. Trường hợp này, các nhà thiết kế cần khéo léo sáng tạo theo phong cách riêng nhưng vẫn tôn được giá trị dân tộc”, nhà thiết kế nêu quan điểm.

NTK Việt Hùng.

Việt Hùng cho rằng, nếu bộ sưu tập diễn trong dịp giao lưu văn hoá, các nhà mốt lại càng không nên dùng hoạ tiết ngoại nhập vì dễ gây nhầm lẫn đến người xem. Hoa văn được Thuỷ Nguyễn sử dụng có nét giống họa tiết của Trung Quốc. Điều đó khiến người xem không thấy được nét đặc trưng văn hóa Việt.

Cùng quan điểm với nhà thiết kế Việt Hùng, stylist Vô Thường nhận xét, bộ sưu tập của Thủy Nguyễn không giống nguyên bản.

“Tôi khẳng định đây không phải là áo dài truyền thống Việt. Đây là bài học cho Thủy Nguyễn và các nhà thiết kế trẻ. Trước khi giới thiệu BST áo dài tại các buổi giao lưu văn hoá, các bạn nên nghiên cứu kỹ tư liệu về áo dài", anh nói.

Dư luận đang phán xét hơi nặng nề 

Đức Hùng, một trong những nhà thiết kế áo dài gạo cội của Việt Nam chia sẻ, anh tôn trọng sáng tạo của các bạn trẻ và mỗi người có quyền đưa cảm xúc cá nhân vào bộ sưu tập. Về mẫu áo dài gây tranh cãi của NTK Thủy Nguyễn, anh cho rằng dư luận đang phán xét hơi nặng nề.

"Trước tiên chúng ta cần hỏi nhà thiết kế có giới thiệu với bạn bè quốc tế trang phục đó là áo dài hay không. Nếu cô ấy khẳng định đó là áo dài, thì mới cần xem lại. Theo góc nhìn của tôi, đây rõ ràng không phải tà áo dài Việt Nam. Bởi áo dài phải hội tụ những nét cơ bản như mềm mại, thướt tha, dịu dàng, bay bổng, kín đáo và e lệ. Thêm nữa, kiểu dáng cúp ngực và vai trần cũng không giống áo dài truyền thống" - NTK Đức Hùng nói.

Chia sẻ về việc kết hợp truyền thống và hiện đại trong thời trang, anh cho biết, các nhà thiết kế có quyền và được phép sử dụng yếu tố truyền thống (họa tiết, chất liệu) để tạo ra bộ sưu tập mới cho giới trẻ. Bản thân tôi cũng có thể mượn hình ảnh áo tứ thân của quan họ Bắc Ninh để tạo ra những sản phẩm mới. Nhưng chỉ được gọi nó là bộ sưu tập thời trang, không thể gọi là áo tứ thân".

NTK Đức Hùng.

Về họa tiết hoa văn rồng phượng bị nhận xét giống Trung Quốc, NTK Đức Hùng chia sẻ, giữa văn hóa Việt Nam và nước bạn có một số điểm tương đồng nhất định. Hai đất nước đều có rồng phượng nhưng không có nghĩa là giống nhau hoàn toàn.

"Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp khác sử dụng rất nhiều họa tiết này, nhưng đằng sau đó chúng tôi gửi gắm một tâm hồn Việt. Theo quan điểm của tôi, khán giả, giới mộ điệu thời trang là thước đo chuẩn nhất. Bằng cảm xúc, họ dễ dàng cảm nhận đâu là con rồng của nước mình", anh giải thích.

Cuối cùng, anh gửi lời nhắn nhủ, nhà thiết kế là những người tiên phong, định hướng gu thẩm mỹ cho công chúng. Vì thế, chúng ta cần có bản lĩnh, đi đúng hướng để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Hà Thu - Khánh Ly

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm