Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nhà thiết kế từ chối bán trang sức cho Kanye West

Joel Arthur Rosenthal có quyền lựa chọn khách hàng và chỉ làm 70 món trang sức mỗi năm.

trang suc dat tien anh 1

Quan điểm "Tiền không mua được tất cả" phần nào được chứng minh qua việc Kanye West mới đây bị một nhà thiết kế từ chối bán trang sức.

Theo nguồn tin của The Sun, nam rapper sẵn sàng trả khoảng 500.000 USD để Kim Kardashian sở hữu món trang sức từ Joel Arthur Rosenthal nhưng chỉ nhận về cái lắc đầu.

Sự ồn ào của cặp vợ chồng này là một trong những lý do chính khiến thợ hoàn kim nổi tiếng không muốn bán sản phẩm. Thực tế, Joel đã nhiều lần từ chối khách hàng của mình.

Được mệnh danh là "Fabergé ngày nay"

Joel Arthur Rosenthal (sinh năm 1943) lớn lên ở khu Parkchester, Mỹ. Ông là con một trong gia đình có cha là nhân viên bưu điện, mẹ là giáo viên trường công lập. Ngay từ nhỏ, ông đã được phụ huynh nhắc nhở phải học tiếng Anh bài bản và làm những điều mình muốn.

Lớn lên, Joel dành nhiều thời gian ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Metropolitan để xem trưng bày kim loại, khoáng chất. Ông xác định mình muốn trở thành họa sĩ nên đăng ký vào trường chuyên về nghệ thuật, dành một học kỳ ở nơi khác nhằm thành thạo tiếng Pháp, Italy lẫn Yiddish.

Vì nghe lời khuyên từ một người bạn, ông quyết định nộp đơn vào Đại học Harvard.

"Vào thời điểm đó, Harvard chấp nhận một trong số 8 ứng viên nộp đơn. Hơn nữa, họ chỉ chọn 1/113 học viên chuyển trường. Tôi là người được chọn trong hơn 100 người ấy", ông từng nói với Financial Times.

trang suc dat tien anh 2

Joel có niềm đam mê khám phá kim loại từ nhỏ. Ảnh: Bertrand Rindoff Petroff.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1966, ông chuyển đến Paris, Pháp. Đây là nơi ông gặp cộng sự kinh doanh của mình - Pierre Jeannet, bác sĩ tâm lý người Thụy Sĩ. Cả hai mở một cửa hàng kim chỉ nhỏ, Joel bắt đầu vẽ các thiết kế. Chỉ trong thời gian ngắn, ông có cơ hội làm việc cho Gianni Bulgari.

Năm 1978, ông và Pierre mở một cơ sở kinh doanh đồ trang sức. Những thiết kế thậm chí thu hút cả Hermès và Valentino.

Ngoài Pierre, Joel chỉ làm việc với 4 trợ lý, sử dụng 4 phòng làm việc ở Paris, Geneva (Thụy Sĩ) và miền Nam nước Pháp.

"Khi cả hai chưa có nhiều tiền, một số người đến và đưa tấm séc để chúng tôi mở cửa hàng ở London, Geneva. Sau 10 phút suy nghĩ, tôi từ chối vì không muốn thuộc sở hữu của bất kỳ ai", ông nhớ lại.

Hơn 30 năm làm đồ trang sức, Joel nhận về niềm ngưỡng mộ từ những người bạn, nhà buôn và dân sưu tập. Họ nhắc về ông với thái độ ngưỡng mộ. Đặc biệt, một cuộc hẹn với cánh báo giới là việc làm không thường thấy ở ông. Đến nhà thiết kế Diane von Fürstenberg cũng phải gọi ông là "Fabergé của thời đại chúng ta".

Tại sao Joel có quyền chọn khách hàng?

Cửa hàng của Joel Arthur Rosenthal ở khu Place Vendôme, không có cửa sổ và giờ làm việc bình thường. Nó cũng không được quảng cáo, chỉ mở cửa cho một số khách hàng như Elizabeth Taylor, Elle Macpherson, Barbara Walters, Ann Getty, Mary Pinault hay Jo Carole Lauder…

Nguyên tắc làm việc của Joel là từ chối nếu thấy khách không phù hợp với món đồ. Ông cũng không đồng ý việc thương lượng giá. Joel bán những gì mình thích cho người ông thấy phù hợp. Việc mua bán còn tùy thuộc vào thời điểm.

trang suc dat tien anh 3

Cửa hàng của Joel ở Paris (Pháp) luôn tạo cảm giác bí ẩn. Ảnh: Debra Bender.

Từ trước đến nay, Joel rất kín tiếng với truyền thông. Hơn nữa, ông không thích tác phẩm của mình bị bàn tán, đem khoe. Điều này trái ngược với chiến lược quảng bá của các thương hiệu đình đám.

Theo Forbes, ông chỉ sản xuất 70-80 món trang sức/năm. Mỗi thiết kế được làm riêng cho một khách hàng. Với những món đồ cũ khác được bán đi, chủ nhân có thể chỉ nhận lại 1/3 giá trị ban đầu. Trong khi đó, trang sức của Joel thường được bán lại với giá gấp đôi.

Lý giải về độ "chảnh" của Joel, giới kim hoàn cho rằng ông áp dụng phương pháp hiếm ai làm. Ông tập trung vào pavé - kỹ thuật đặt những viên đá nhỏ gần nhau đến mức chúng tạo thành mảng. Hơn nữa, trang sức của ông được gia công sắc sảo, không để lộ vết nối và có sự phân cấp màu sắc từ tinh tế đến sống động. Không giống các thợ kim hoàn khác, ông sử dụng hợp kim đen để tôn màu sắc của đá quý.

"Mọi người từng nói tôi sẽ không tạo nên giá trị gì từ những viên kim cương đã cắt cũ hay đá topaz hồng. Tôi không quan tâm và chỉ cần biết nó đẹp. Nhiều người thường gọi spinel là đá xi. Lúc trước, tôi có thể mua với giá 300 USD/carat. Ngày nay, chúng có giá 15.000 USD/carat", Joel nói.

Điều tạo nên dấu ấn của Joel là ông không bao giờ coi món đồ quý giá phải được làm bằng nguyên liệu đắt đỏ hay hiếm có. Chỉ cần thích, ông sẽ biến những viên đá tầm thường thành món trang sức hàng nghìn USD.

Sau khi thành công trong lĩnh vực trang sức, ông lấn sân sang mảng nước hoa và mở một của hàng ở Paris (Pháp) vào những năm 1980.

Những tuyệt tác có "giá trên trời"

Mỗi món đồ Joel làm ra được ví như khó báu quý giá. Tuy nhiên, do tính chất riêng tư, danh tính những "đứa con" của ông không xuất hiện rộng rãi trên phương tiện truyền thông.

Năm 2002, Joel từng bày bán công khai một sản phẩm nhỏ trong buổi triển lãm ở Somerset House, London, Anh. Tại đây, thợ kim hoàn người Mỹ đã mượn đồ trang sức từ 145 khách hàng thân thiết. Để tri ân họ, Joel tặng mỗi người một chiếc hoa tai "Pansy" nhỏ xinh, kích cỡ 3x3 cm. Cái tên "Pansy" trong tiếng Pháp mang nghĩa "sự suy nghĩ".

Nguyên liệu sử dụng làm đôi hoa tai này là nhôm. Ngoài 145 chiếc tri ân khách hàng, ông còn làm thêm 1.000 chiếc bán cho khách tham dự với giá 10.000 USD.

Tuy nhiên, chiếc hoa tai "Pansy" chỉ có giá trị rất nhỏ nếu đặt lên bàn cân với những tuyệt tác khác của Joel. Cũng trong năm 2002, một "đứa con" của Joel được bán với giá 556.000 USD. Đó là vòng tay hình hoa mang tên "Mogol".

Joel sử dụng chất liệu titanium dioxide để tạo nên "Mogol". Đầu những năm 2000, rất ít thợ kim hoàn sử dụng nguyên liệu này trong việc làm đồ trang sức cao cấp. Các bông hoa được điêu khắc tinh xảo là cách Joel tôn vinh đồ trang sức truyền thống của Ấn Độ.

Nếu "Mogol" khiến những quý bà mê mẩn, tuyệt tác "Parrot Tulip" thậm chí còn gây tiếng vang lớn hơn thế. Dưới bàn tay điệu nghệ của Joel, chiếc vòng tay hình bông hoa tulip mềm mại tựa như vải lụa, được gắn thêm kim cương, hồng ngọc. Sản phẩm này được bán với giá hơn 3,5 triệu USD vào năm 1994.

Năm 2006, Ellen Barkins - nữ diễn viên Mỹ nổi tiếng - bắt tay cùng Joel ra mắt bộ sưu tập trang sức với 17 sản phẩm. Khi nói về Joel, nữ minh tinh đã ví ông như "Matisse (họa sĩ người Pháp) của thời hiện đại". Ellen còn nhấn mạnh phải đến khi gặp Joel, bà mới hiểu mình phải đeo trang sức thế nào.

trang suc dat tien anh 8

Chiếc nhẫn kim cương sắc sảo từ Joel Arthur Rosenthal. Ảnh: Erin Dooley.

Các thiết kế trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ cửa hàng kim hoàn của Joel tại Paris (Pháp) những năm 1960. Nổi bật nhất là nhẫn đính kim cương cắt hình bầu dục, nặng 22,76 carat. Phần vòng nhẫn được thiết kế mỏng, làm nổi bật đường nét ấn tượng của viên kim cương. Theo Christies, chiếc nhẫn này có giá gần 2,8 triệu USD.

Gần đây, Joel tiếp tục gây chú ý với 400 sản phẩm trong cuộc đấu giá "Maharajas and Mughal Magnificence" của Christies. Đa số là những món đồ cổ, từ thế kỷ 16 đến 19. Joel là một trong 2 thợ kim hoàn đương đại hiếm hoi có sản phẩm được đem đấu giá.

Chiếc nhẫn đính kim cương Golconda nặng 10,46 carat của Joel có giá lên tới 1,7 triệu USD. Giá trị của nó đến từ thiết kế tinh xảo và viên kim cương được khai thác từ mỏ Golconda nổi tiếng ở Ấn Độ. Những viên kim cương xuất xứ từ đây luôn nằm trong danh sách phải có của giới thượng lưu, hoàng gia.

Một sản phẩm khác của Joel trong buổi đấu giá này là chiếc trâm làm từ kim cương, sapphire và titan. Huyền thoại kim hoàn người Mỹ đã chạm khắc hình con voi sống động, tái hiện truyền thống trang điểm cho động vật của hoàng gia Ấn Độ xưa.

Những phụ kiện cần có trong tủ đồ của nam giới Trang phục, giày dép kết hợp cùng phụ kiện giúp các chàng trai thêm phần sành điệu.

Cách chọn hoa tai, dây chuyền vàng cho nữ

Phụ kiện vàng có thể giúp vẻ ngoài của bạn trông sang trọng hơn.

Nữ người mẫu tạo ra trào lưu khoe mặt mụn

G-Dragon và nhiều người nổi tiếng tự tin đăng ảnh với làn da khiếm khuyết, bất chấp những quan niệm cũ về cái đẹp.

Dĩ An

Bạn có thể quan tâm