Đống đổ nát trong một nhà thờ ở Le Teil, miền nam nước Pháp. Ảnh: Maxppp/Zuma24. |
Nhà thờ Đức Bà Paris đã mở cửa đón công chúng tham quan trở lại vào ngày 7/12 sau 5 năm trùng tu. Trong khi đó, tu viện Saint-Georges de Boscherville Abbey nằm trên vách đá dọc sông Seine, ở xã Orival, thuộc vùng Normandy, miền Bắc nước Pháp vẫn đóng chặt cửa.
Nguyên nhân là một viên đá treo trang trí nặng gần 1 kg rơi xuống dàn hợp xướng gây hư hại. Chính quyền địa phương ra lệnh ngừng đón người dân, du khách khẩn cấp trong vòng vài tuần.
Trong khi nhà thờ Đức Bà Paris được quyên góp số tiền lên đến 840 triệu euro, di sản tôn giáo có từ thế kỷ XIII Saint-Georges lại đau đầu về vấn đề ngân sách eo hẹp. Phó Thị trưởng Orival Philippe Colange cho biết mỗi lần địa phương tu sửa công trình tiêu tốn hàng chục triệu euro nhưng không có "bất kỳ trợ cấp nào".
"Chúng tôi không có nhiều cơ hội để điều động nhân sự và cũng không thể lạm dụng các khoản vay", vị này cho hay.
Fabien Leroy, ủy viên hội đồng xã Orival kiêm phụ trách nhà thờ, cho hay tu viện trên xuất hiện từ thế kỷ XIII. Đến thế kỷ XIX, địa phương muốn mở rộng công trình nhưng không thể khai thác khu vực sông Seine, các nhà chức trách chọn đào đá để xây dựng hầm, tường và cột trụ. Tuy nhiên, nước đi này đã để lại hậu quả về sau. Độ ẩm khiến các khối gỗ dùng làm ghế ngồi bị ẩm mốc.
“Kế hoạch sửa chữa đã có, nhưng với tình trạng hư hại nặng, chúng tôi phải thay thế tất cả. Với ngân sách được phân bổ, địa phương chỉ có thể khôi phục một nửa trong số đó," Leroy giải thích.
Không riêng Saint-Georges, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rachida Dati cho biết gần 4.000 công trình tôn giáo đang trong tình trạng xuống cấp, thậm chí nguy cơ biến mất cao.
Các thành viên và tình nguyện viên của Protection Civile dọn dẹp một nhà thờ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, ở Blendecques, thuộc tỉnh Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp. Ảnh: Lafargue Raphael/Abaca/Zuma24. |
Tại Pháp, hầu hết thành phố đều chịu trách nhiệm tu bổ, duy trì hoạt động của một hoặc nhiều nhà thờ. Sau khi quốc hữu hóa các tòa nhà tôn giáo từ cuộc Cách mạng Pháp, luật pháp năm 1905 trao quyền quản lý cho các hiệp hội tôn giáo.
Song, các bên không đạt được thỏa thuận do giáo hội Công giáo phản đối sự thay đổi này. Năm 1907, nhà nước và các hiệp hội đi đến thỏa hiệp cuối cùng rằng nhà thờ ở Pháp là tài sản công và địa phương sở tại chịu trách nhiệm bảo trì.
Thượng nghị sĩ cộng sản Pierre Ouzoulias, đồng báo cáo viên tại buổi thông tin của Thượng viện về tình trạng di sản tôn giáo, cho biết Hội đồng Giám mục Pháp đã ghi nhận có 72 vụ phá hủy các tòa nhà tôn giáo kể từ năm 2000 và có 326 nhà thờ bị ngừng hoạt động từ năm 1905 đến năm 2023.
Trong khi đó, ở phần còn lại của châu Âu, với số lượng lớn di sản tôn giáo cộng thêm dân số đổ về các thành phố trung tâm, nhiều nhà thờ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, được rao bán rộng rãi. Cộng đồng tôn giáo cũng đang trên bờ vực mất dần, Bertrand de Feydeau, phó chủ tịch của nhóm bảo tồn Fondation du Patrimoine nói với WorldChurch.
Với việc các thành phố thường phải vật lộn để cân bằng ngân sách, tài trợ sẽ giải quyết tất cả.
David Nicolas, thị trưởng Avranches (cũng ở Normandy) và phó chủ tịch Hiệp hội Thị trưởng Pháp phụ trách di sản nhận định tình hình tài chính sẽ thay đổi mọi thứ.
Năm 2023, chính phủ Pháp đã phân bổ gần 120 triệu euro cho việc khôi phục và duy trì di sản tôn giáo thông qua Tổng cục Văn hóa Khu vực nước này, cộng thêm chục triệu euro từ các quỹ khác nhau dành riêng cho di sản, phần lớn hướng đến công trình tôn giáo. Đó là chưa kể đến số tiền do cung Liên minh châu Âu cung cấp.
Tuy nhiên, một số người đứng đầu địa phương sở hữu nhà thờ chưa biết cách để đăng ký nhận tiền, theo WorldChurch.
Dàn hợp xướng đang hát mừng nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 8/12 trong buổi lễ khánh thành. Ảnh: Sarah Meyssonnier/Reuters. |
Trước tình hình này, Giáo hội Pháp đã xuất bản cuốn Hướng dẫn tài trợ cho di sản tôn giáo. Đây vừa là cuốn sổ tay cho chủ sở hữu các nơi thờ phụng, vừa là danh mục các tổ chức tài trợ. Tài liệu sẽ được gửi đến các thị trưởng ở Pháp trong vài tuần tới.
Lý giải thêm một phần nguyên do về việc chính phủ cấp bách trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris còn công trình khác lại chờ đợi ngân sách, Feydeau từ nhóm bảo tồn Fondation du Patrimoine cho rằng địa phương quản lý công trình tôn giáo cần có bản báo cáo cụ thể về ngân sách và các đầu việc, chi phí tài trợ sẽ nhanh chóng vượt qua một triệu euro.
"Điều quan trọng là bạn nên xem xét việc nào khẩn cấp và những việc có thể làm sau", vị này nói.
Feydeau nhận định thêm giá trị của một nhà thờ không được đánh giá bằng giá trị thẩm mỹ mà bằng sự gắn bó của người dân đối với công trình. Tuy nhiên, vị này dự đoán "sự sống" của các nhà thờ ở Pháp, đặc biệt là ở vùng nông thôn, sẽ không còn trong bối cảnh dân số suy giảm.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.