Sáng 25/6, gần một triệu sĩ tử trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên. Đề Văn đề cập trách nhiệm đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi công dân.
Đề Văn vừa sức thí sinh
"Tôi rất mừng khi biết đề Ngữ văn trích tác phẩm của mình, không chỉ mừng cho tôi mà cho thế hệ trẻ của đất nước. Đề thi yêu cầu các em suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân với đất nước", nhà thơ Nguyễn Duy nói.
Đề thi môn Ngữ Văn. |
Nói về bối cảnh ra đời bài thơ, tác giả cho hay đó là câu chuyện dài, đã có lúc ông nghĩ nó "chết yểu". Ông làm bài thơ này trong 2 năm (1980-1982), vừa làm vừa sửa, chỉ dám đọc cho một số bạn tri kỷ nghe. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng an ủi ông rằng "Cứ đợi đấy, rồi sẽ đến hồi có người nghe và có người in”.
Lần đầu bài thơ được đọc hoàn chỉnh là trong ngày tiễn ông Võ Văn Kiệt. "Trong bữa tiệc mời ông Sáu Dân đến uống rượu, anh em đều trổ tài tặng ông món quà tinh thần. Tôi không biết làm gì nên đọc bài thơ này với đề từ lúc đó là 'Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế'”, nhà thơ Nguyễn Duy kể.
Ông cho rằng thông qua đề thi, những người trẻ có dịp suy tư nhiều hơn về trách nhiệm công dân đối với đất nước, qua vấn đề thực tế. Đề Văn lâu nay chỉ đề cập vẻ đẹp thiên nhiên, chủ nghĩa anh hùng dân tộc, tình yêu thương, lòng nhân ái mà chưa nói nhiều đến trách nhiệm của công dân.
Đánh giá về yêu cầu của đề thi, nhà thơ Nguyễn Duy cho biết ban soạn đề đã chọn đoạn trích và yêu cầu phân tích tương đối nhẹ nhàng, vừa sức thí sinh.
Quan trọng hơn, nhà thơ Nguyễn Duy mong những vấn đề thực tiễn, các tác phẩm viết về đất nước một cách thẳng thắn và nghiêm túc sẽ được đưa vào chương trình học nhiều hơn. Đồng thời, trường phổ thông nên lưu ý giảng dạy, đề cập trách nhiệm công dân, lối sống, cách sống của thế hệ trẻ nhiều hơn.
Phổ điểm môn Văn sẽ khoảng 7-8
Thầy Nguyễn Văn Cải, Hiệu phó THPT Quang Trung (TP.HCM), cho rằng đề Văn khá chuẩn, đúng trọng tâm, cơ bản vừa sức thí sinh. Nếu chuẩn bị kỹ, học sinh trung bình làm tốt bài thi.
"Đề này cũng sẽ phân loại được thí sinh, nhất là câu 2 phần làm văn. Phần đọc hiểu hỏi từ dễ đến khó, rải đều nội dung kiến thức. Câu 4 phần đọc hiểu khá mở, cần có đáp án mở để bao quát hết các dạng ý kiến của thí sinh.
Câu 1 phần làm văn khá thú vị khi gắn với nội dung đọc hiểu ở trên. Nội dung kiến thức câu 2 làm văn không mới nhưng cách đặt vấn đề và học sinh giải quyết vấn đề đó là mới; kết hợp cả kiến thức lớp 11 và 12 như Bộ GD&ĐT đã định hướng trước.
Điều này bắt buộc thí sinh không phải chỉ thuộc bài mà phải biết cách làm bài, khái quát, chọn lọc nội dung sao cho hợp lý. Đây sẽ là câu phân loại thí sinh.
Thí sinh trước giờ làm bài môn Văn. Ảnh: Lê Quân. |
Thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên trường Lương Thế Vinh, Nam Định, cho rằng với đề Văn này, phổ điểm sẽ khoảng 7-8, ít điểm 9, khó có điểm 10. Học sinh ban A hoặc lực học trung bình không ôn kỹ chỉ làm được khoảng 5-6 điểm.
Đề nghị luận văn học yêu cầu phải có phân tích và liên hệ giữa tác phẩm lớp 12 với một tác phẩm lớp 11, bình luận về sự gặp gỡ trong cái nhìn hiện thực của hai tác giả. Đó là văn học phải gắn với hiện thực nhưng cũng có tác dụng nâng đỡ tâm hồn con người.
Theo thầy Trịnh Quỳnh, với phạm vi kiến thức rộng, đòi hỏi nhiều kỹ năng, hiểu sâu sắc về phong cách, quan niệm nghệ thuật của hai tác giả, câu hỏi này sẽ khiến nhiều học sinh gặp khó khăn.
Hình tượng chiếc thuyền ngoài xa và đoàn tàu là hai hình ảnh biểu tượng giàu nghệ thuật, có nhiều tầng ý nghĩa. Vì thế, học sinh có cơ hội bày tỏ cảm xúc, cảm nhận cá nhân phát huy hết chất văn của mình.
Cô Hồ Ái Linh, giáo viên luyện thi môn Văn tại TP.HCM, dự đoán phổ điểm chủ yếu ở mức 6 điểm. "Đề có sự phân hóa cao, thí sinh phải áp dụng kiến thức lý luận văn học mới làm bài tốt", cô Linh nói.