Tháng 2 vừa qua, Victoria Turner, 24 tuổi ở Anh, bỗng dưng nhận được điện thoại từ trường của con gái 7 tuổi Callie Astill. Đây là chuyện không bình thường vì cô bé vốn rất ngoan ngoãn.
Qua điện thoại, giáo viên thông báo thời gian qua, Callie thường xuyên có những biểu hiện lạ. Em thường đờ đẫn, không dám đi vệ sinh một mình, la hét đòi về nhà, thậm chí tự đập đầu vào tường.
Ban đầu, cô nghĩ con gái bị bạn bè bắt nạt. Mãi sau, Callie mới tâm sự với mẹ nguyên nhân thực sự. Em hoảng sợ vì quái vật Momo xuất hiện trong các video trên YouTube Kids - kênh mà nhiều phụ huynh nghĩ an toàn với con họ.
Momo - cơn ác mộng với trẻ và cha mẹ
Callie vốn thích xem phim hoạt hình. Đó là lý do em dành nhiều thời gian trên YouTube Kids. Tin tưởng vào kiểm duyệt, Victoria để con tự do lên mạng. Sự sơ suất này vô tình đẩy con gái vào nguy hiểm.
Khi Callie đập đầu vào tường, ban đầu, bà mẹ 24 tuổi rất hoảng sợ và tự trách. Cô nghĩ do bản thân không tốt, con gái mới tự tổn thương mình.
Callie khiến mẹ và giáo viên hoảng sợ khi tự đập đầu vào tường vì sợ Momo. Ảnh: Kennedy News and Media. |
Thực ra, mọi hành động của bé gái 7 tuổi đều cho thấy em sợ muốn chết. Lấy đủ dũng cảm, cô bé kể với mẹ về cơn ác mộng Momo. Nhưng em từ chối nói kỹ về những gì mình xem, chỉ kể Momo đột ngột xuất hiện trong các video.
Trong thời gian dài, cô bé bị ám ảnh bởi gương mặt Momo, không thể ngủ yên hàng đêm và thường xuyên gặp ác mộng. Hàng loạt đứa trẻ khác cũng đang sống trong sợ hãi do quái vật Momo gieo rắc.
Harry Giblin, 5 tuổi ở Withernsea, Yorkshire, Anh, rơi vào hoảng loạn sau khi hình ảnh Momo đột ngột nhảy lên trong video Peppa Pig. Hơn 24 tiếng tiếp theo, cậu bé dù rất sợ hãi vẫn không tiết lộ nguyên nhân vì các video đe dọa sẽ giết cả gia đình em nếu kể về Momo cho người khác.
Chỉ khi không thể chịu đựng nỗi sợ, Harry mới lặng lẽ kể với mẹ về nguyên nhân đằng sau mọi hành động kỳ lạ của mình.
Đây cũng là nỗi ám ảnh đối với hai đứa con của Caiarama Ashby - bà mẹ trẻ ở Auckland, New Zealand. Khi nghe bạn bè cảnh báo về Momo, Caiarama ngồi xuống nói chuyện với hai con.
Ngay khi cô nhắc đến nhân vật đáng sợ này, hai đứa trẻ bật khóc. Cậu con trai 7 tuổi thậm chí cầu xin mẹ: “Đừng nhắc tên nó. Nó đến giết nhà mình mất thôi”.
Lúc này, hai anh em mới thú nhận việc tham gia thử thách Momo. Theo đó, họ sẽ bị giết nếu dừng xem video. Khi mẹ phát hiện, hai đứa trẻ năn nỉ mẹ chuyển nhà sang thành phố khác để tránh bị quái vật đuổi giết.
Với những đứa trẻ, lời đe dọa của Momo thực sự đáng sợ. Các em không dám làm trái ý nó vì sợ quái vật sẽ giết bố mẹ mình. Nhiều em buộc phải tiếp tục xem các video và càng thêm hoảng loạn.
Nhân vật Momo đột ngột xuất hiện trong các video dành cho trẻ em, đe dọa và bắt trẻ thực hiện thử thách nguy hiểm. |
Trong tháng 2, một bé gái ở Gloucestershire, Anh, tự cắt tóc mình theo chỉ dẫn của Momo. Đây là một trong số nhiều mệnh lệnh trong thử thách chết người này.
Đến nay, quái vật Momo được cho đã gây ra cái chết của nữ sinh 12 tuổi người Argentina vào tháng 7 năm ngoái. Trong tháng 8, Manish Sarki, nam sinh 18 tuổi ở Ấn Độ, tự sát vì tham gia thử thách Momo. Ngoài ra, Momo còn được cho là liên quan cái chết của 3 bé trai khác ở Pháp, Bỉ và Philippines.
Cha mẹ có tội khi để con xem nội dung bạo lực trên YouTube
Năm ngoái, thử thách Momo xuất hiện thông qua WhatsApp. Yêu cầu trẻ thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm và kết thúc bằng cách tự tử. Đầu năm nay, quái vật này lại xuất hiện trở lại thông qua các video trên YouTube và YouTube Kids.
“Tôi để con dùng điện thoại vì nghĩ YouTube Kids là kênh an toàn với trẻ. Từ nay trở đi, tôi, cũng như những cha mẹ khác, đều là kẻ có tội nếu tiếp tục cho con xem hoạt hình trên YouTube”, Victoria nhấn mạnh.
Phụ huynh quay lại phản ứng của con khi nghe tên Momo và đăng lên mạng để cảnh báo các cha mẹ khác. Ảnh: NewstalkZB. |
Không chỉ ngăn cản con tiếp xúc mối nguy hiểm, cô cùng nhiều người khác còn tích cực lên tiếng cảnh báo các phụ huynh khác. Caiarama Ashby quay lại phản ứng của hai con khi nói về Momo và đăng lên mạng xã hội. Cô hy vọng những hình ảnh chân thật này sẽ giúp phụ huynh nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của Momo đối với trẻ.
“Tôi hy vọng mọi người nhanh chóng nói chuyện với con vì chúng có thể nhầm tưởng rằng việc giữ im lặng sẽ bảo vệ cả gia đình. Nhưng lẽ ra không đứa trẻ nào phải bảo vệ cha mẹ khi chúng ta mới là người cần tạo cảm giác an toàn, được yêu thương, được bảo vệ cho con”, cô viết.
Sau khi phát hiện hình ảnh Momo xuất hiện trong các video con mình xem, bà mẹ Free Hess, một bác sĩ nhi khoa ở Floria, Mỹ, cảm thấy sốc.
Chia sẻ trên Washington Post, Hess cho biết cô rất lo lắng vì nhiều phụ huynh quá bận rộn, không xem kỹ các video hoạt hình khiến con gặp nguy hiểm từ Internet. Vì thế, cô ngay lập tức viết bài trên blog, cảnh báo phụ huynh, kêu gọi họ gỡ YouTube Kids để bảo vệ con.
Các trường học ở Anh cũng thông báo trên website của trường hoặc trực tiếp gửi thư đến cha mẹ học sinh để cảnh báo về nguy cơ trẻ tự làm hại bản thân và tự tử do bị Momo đe dọa.
Đánh giá mức độ nghiêm trọng của nhân vật online này đối với an toàn của trẻ, Cảnh sát Bắc Ireland đã liên hệ với lực lượng cảnh sát Vương quốc Anh về trò chơi buộc trẻ tự tổn thương bản thân nếu không muốn gia đình bị nguyền rủa hoặc sát hại.
Chuyên gia tâm lý người Anh Emma Kenny đưa ra lời khuyên cho cha mẹ về cách bảo vệ con trước mối nguy hiểm mang tên Momo. Theo bà, khi thấy con có biểu hiện sợ hãi, cha mẹ có thể kiểm tra điện thoại của con để tìm hiểu nguyên nhân nỗi sợ. Đương nhiên, họ phải giải thích để trẻ hiểu tất cả xuất phát từ tình thương và trách nhiệm.
Khi xác định con đang vướng vào thử thách Momo, bị nó đe dọa, ám ảnh, người lớn cần giải thích để con hiểu đây chỉ là một tượng gỗ điêu khắc của người Nhật Bản. Nó hoàn toàn không có quyền năng nguyền rủa người khác hay giết hại ai.
Điều quan trọng nhất, dù bận đến đâu, cha mẹ cũng cần giao tiếp với con, nắm bắt được chúng xem gì trên YouTube và luôn để trẻ cảm nhận chúng được yêu thương, tin tưởng và bảo vệ.