Những ngày qua, một số phụ huynh có con học ở Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 không khỏi băn khoăn trước thông báo thu nhiều khoản tiền đầu năm học.
Cụ thể, nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng tiền để trang bị máy chiếu riêng cho 36 lớp (14 triệu đồng/lớp); tin nhắn điện thoại 120.000 đồng/năm/học sinh (HS); đóng tiền điện sử dụng máy lạnh là 25.000 đồng/tháng; quỹ phụ huynh trường 400.000 đồng/năm/HS; tiền thay sách giáo khoa tiếng Anh là 280.000 đồng/bộ…
Hết máy lạnh, lại lắp máy chiếu?
Theo phản ánh của một phụ huynh, những năm trước, đối với HS lớp 6, phụ huynh đã đóng tiền trang bị máy lạnh với lời cam kết là các cháu đóng một lần sử dụng trong bốn năm học.
Nhưng thực tế các cháu chỉ được học ở lớp 6 và lớp 7, sang lớp 8 và lớp 9 phải học phòng không có máy lạnh (dù trong phòng vẫn gắn máy lạnh ở trên tường).
Phụ huynh phản ánh thì nhà trường giải thích máy lạnh đó là do các phòng học ngoại ngữ ban đêm trang bị nên nhà trường không thể mở. Như thế rất vô lý.
Lý giải về những vấn đề này, ông Phạm Ngọc Đào, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc lắp và sử dụng chỉ dành cho hai năm học bán trú là lớp 6 và 7 thôi, chứ lên lớp 8 và 9 chuyển sang học lớp thường (không bán trú) nên không học máy lạnh nữa.
Số máy đã lắp sẽ có khóa sau vào thụ hưởng. Khi đó, cần thì phụ huynh chỉ cần đóng tiền để bảo trì thôi chứ không đóng tiền lắp máy nữa. Riêng lên lớp 8 và 9 học phòng có máy lạnh nhưng không được mở thì đúng, vì máy lạnh đó do các phòng học ngoại ngữ ban đêm chứ không phải của nhà trường.
“Đây là khoản tự nguyện do phụ huynh đề xuất và đóng góp mỗi người một ít để lắp vì các em bán trú học cả ngày, thời tiết lại rất nóng. Cả trường cũng chỉ có khoảng gần 1/4 HS được học bán trú thôi chứ không phải lớp nào cũng lắp. Vì thế không thể có chuyện nhà trường cam kết sử dụng máy lạnh trong suốt bốn năm như phụ huynh phản ánh được”, ông Đào nói.
Học sinh Trường Lê Quý Đôn quận 3 (TP.HCM) sau giờ tan lớp ngày 16/9. Ảnh: Hoàng Giang/Pháp Luật TP.HCM. |
Về tiền điện 25.000 đồng/tháng/em, đại diện phòng kế toán cho biết thực hiện từ sáu năm nay, khi bắt đầu lắp máy lạnh. Số tiền này do nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS trước đây đã thỏa thuận và thống nhất, lớp nào xài mới phải đóng. Ngoài ra, tiền này còn để bảo trì máy khi có những hỏng hóc.
Về chủ trương lắp máy chiếu cho 36 lớp, ông Trần Anh Dũng, trưởng ban đại diện cha mẹ HS của trường, cho biết thực ra ban đại diện đã manh nha thực hiện từ năm ngoái nhưng chưa làm kịp nên năm nay mới triển khai vì muốn có cơ sở vật chất tốt cho trường khi định hướng xây dựng trường tiên tiến. Do đó, ban đại diện của trường đã bàn bạc với ban đại diện các lớp để thống nhất thực hiện.
“Dự kiến một lớp một máy với 14 triệu đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này hoàn toàn mang tính tự nguyện, ai có điều kiện đóng góp bao nhiêu cũng được, còn ai không đồng ý hoặc khó khăn thì thôi”, ông Dũng nói.
Còn về số máy chiếu trước đó, ông Đào cho hay đúng là có năm máy chiếu đã lắp từ tháng 8 vừa qua, chủ yếu lắp cho những lớp tiếng Đức, tăng cường tiếng Anh...
“Những máy này là chủ trương của nhà trường vận động để làm mẫu cho những lớp này trước. Tuy nhiên, những máy này đã lắp nhưng chưa trả tiền nên năm nay trường dự tính triển khai cho 36 lớp là đã tính cả năm máy này rồi. Tiền trả sẽ do phụ huynh đóng góp và hoàn toàn tự nguyện, ai đóng bao nhiêu cũng được chứ không cào bằng” - ông Đào nói.
Tốn kém vì thay sách
Về tiền quỹ phụ huynh trường và lớp, ông Trần Anh Dũng cho hay đây không phải quỹ mà là nguồn khuyến học để chăm lo cho HS, bồi dưỡng HS giỏi và yếu kém... Ban đại diện thực hiện theo nguyên tắc không cào bằng và không bắt buộc.
Tuy nhiên, tính theo khối lớp thì mỗi khối lớp sẽ có mức đóng khác nhau ví dụ như lớp 6 có thể sẽ đóng góp nhiều hơn các lớp trên vì thời gian học ở trường còn dài. Càng về sau phụ huynh đóng càng ít hơn.
Về thay sách tiếng Anh, ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, lý giải những năm trước khối THCS sử dụng bộ sách tiếng Anh Solution grade 6, 7, 8, 9 nhưng từ đầu năm học này, trường thực hiện theo chủ trương của Sở GD&ĐT TP về thay đổi bộ sách dành cho chương trình tiếng Anh tăng cường cấp THCS là bộ Access grade 6, 7, 8, 9 thay cho bộ trước đó.
Việc thay đổi này ảnh hưởng đến các lớp học tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh ngoại ngữ hai (dành cho lớp tiếng Đức, tiếng Nhật). Lớp tiếng Anh tăng cường học mỗi năm một bộ, còn ngoại ngữ hai thì hai năm học một bộ. Riêng các lớp tiếng Anh thường vẫn học sách của Bộ GD&ĐT.
Về việc mua sách, các em có nhu cầu thì đăng ký cho giáo viên chủ nhiệm để trường mua, nếu không các em tự mua bên ngoài.
Về việc sử dụng thẻ học đường, ông Khoa nói trường bắt đầu thực hiện từ năm nay theo chủ trương của Sở GD&ĐT TP hướng đến không sử dụng tiền mặt. Ngoài đóng học phí, thẻ còn sử dụng cho nhiều tiện ích khác như đọc sách điện tử, thư viện điện tử...
Riêng trường đang dự tính kế hoạch triển khai thêm dịch vụ điểm danh HS thông qua thẻ này. Tức là khi vào trường, các em sẽ quẹt thẻ điểm danh thì phụ huynh cũng sẽ nhận được tin nhắn báo về là con đã vào trường.
Chưa biết khi nào sẽ thực hiện mô hình trường tiên tiến!
Theo chủ trương của TP, năm học 2016-2017, toàn TP có 26 trường học từ mầm non đến THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, trong đó có Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3. Do đó, phụ huynh trường này băn khoăn không biết cách thức thực hiện của trường như thế nào, thu chi ra sao.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tuy là chủ trương của TP, trường còn vướng nhiều khó khăn nên năm học này chưa thể thực hiện được.
Cụ thể, sĩ số lớp còn cao, trung bình 45-50 em/lớp, trình độ đội ngũ, phòng ốc hạn hẹp... chưa thể đáp ứng được theo quy định của TP về mô hình trường tiên tiến.
Theo ông Khoa, đây là cái khó chung của các trường ở nội thành khi thực hiện theo mô hình này và chưa biết khi nào sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, đây là mục tiêu để trường hướng đến nhưng phải có lộ trình chứ làm liền là rất khó.