Trường THPT Lê Văn Hưu đã kêu gọi ủng hộ với tổng kinh phí dự kiến là 2,655 tỷ đồng. Ảnh: Trường THPT Lê Văn Hưu. |
Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, Ban giám hiệu trường THPT Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) thông báo tới các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh nhà trường về dự kiến kế hoạch thực hiện công việc.
Cụ thể, nhà trường đã kêu gọi ủng hộ với tổng kinh phí dự kiến là 2,655 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến kinh phí xây dựng nội thất nhà truyền thống dự kiến là 350-450 triệu đồng; sơn, làm lan can khu hiệu bộ 3 tầng 300 triệu đồng; xây dựng thư viện xanh 200 triệu đồng; trang trí khuôn viên trường là 80 triệu đồng; biên tập, xuất bản và in 1.500 cuốn kỷ yếu là 225 triệu đồng; làm phóng sự, viết bài trên báo, đưa tin trên đài truyền hình, in báo, bảng biểu, lắp đặt panô, áp phích là 150 triệu đồng.
Ngoài ra, giấy mời, lễ tân, tổ chức thể thao, văn nghệ, đốt lửa trại dự kiến kinh phí là 100 triệu đồng; thuê tổ chức sự kiện 300 triệu đồng; tiệc đứng sau lễ kỷ niệm khoảng 1.500 người (đại biểu, các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh) dự chi 450-500 triệu đồng.
Quà lưu niệm cho các thầy, cô giáo, đại biểu là 250 triệu đồng; công tác an ninh bảo vệ, y tế 50 triệu đồng; kinh phí dự phòng 50 triệu đồng; xây dựng công trình đặt tượng nhà sử học Lê Văn Hưu tại khuôn viên trường, dự kiến 900 triệu đồng.
Cũng theo kế hoạch, các lớp, các khóa, cá nhân học sinh có thể đăng ký tài trợ nhà trường theo hạng mục. Kinh phí tài trợ có thể trao trực tiếp tại trường, hoặc gửi qua tài khoản nhà trường.
Nhiều người tỏ ra không đồng tình với kế hoạch kêu gọi đóng góp kinh phí của nhà trường. |
Sau khi nhận được kế hoạch kêu gọi đóng góp kinh phí nêu trên, nhiều người tỏ ra không đồng tình với nhà trường, cho rằng nhiều hạng mục không hợp lý, nhà trường nên tổ chức trang trọng, ấm cúng, ý nghĩa, tiết kiệm, không nên phô trương, hình thức, gây lãng phí tiền bạc, thời gian...
Trao đổi với Zing, ông Lê Đình Sinh, Hiệu trưởng trường THPT Lê Văn Hưu, xác nhận văn bản trên do ban giám hiệu nhà trường ban hành, đăng tải.
Lý giải về việc kêu gọi hỗ trợ, ông Sinh cho biết các hạng mục dự kiến mà nhà trường đưa ra căn cứ vào đề xuất của đại diện cựu học sinh, đồng thời tham khảo các trường đã tổ chức trước đó.
"Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã nhận được hơn 800 triệu đồng của các cựu học sinh đóng góp. Việc kêu gọi cũng là trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Các hạng mục đưa ra trong văn bản mới chỉ là dự kiến kinh phí, nhà trường chưa chi bất kỳ khoản nào. Tuy nhiên, nhà trường đảm bảo tổ chức lễ kỷ niệm tiết kiệm, ý nghĩa, thiết thực, không phô trương", ông Sinh nói.
Ông cho biết nhà trường sẽ điều chỉnh lại các khoản kinh phí sao cho phù hợp, đồng thời rút kinh nghiệm không ấn định số kinh phí huy động.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, thông tin sở đã nhận được tờ trình của trường THPT Lê Văn Hưu nhưng chưa có công văn trả lời.
Theo Nghị định 111/2018/NĐ-CP, các trường được phép tổ chức lễ kỷ niệm và kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên, ông Lựu nhận định trường THPT Lê Văn Hưu cần rút kinh nghiệm, nên huy động đóng góp kinh phí xã hội hóa ở mức vừa phải, không nên ấn định số kinh phí huy động. Bên cạnh đó, nhà trường cần có cách làm phù hợp, không ép buộc.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên