Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu bản thân, sinh viên nên trả lời thế nào

Một số nhà tuyển dụng ở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chia sẻ lý do thường hỏi sinh viên về những điểm yếu và tiết lộ bí quyết giúp bạn trẻ gỡ khó, tạo ấn tượng khi phỏng vấn.

Nhà tuyển dụng chia sẻ bí quyết trả lời phỏng vấn cho sinh viên. Ảnh: Thanh Hùng.

Tại Ngày hội “Hành trình nghề nghiệp và Kết nối việc làm” năm 2024 do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức với sự góp mặt của nhiều đại diện tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, một sinh viên bày tỏ băn khoăn rằng khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi liên quan đến điểm yếu, ứng viên nên trả lời thế nào cho phù hợp và không hạ thấp giá trị của bản thân.

Về điều này, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc tuyển dụng Tập đoàn Sun Group, cho hay: “Khi chúng tôi hỏi về điểm yếu, lý do không phải để hạ thấp ứng viên. Bởi thực ra con người chúng ta, ai cũng có điểm yếu và điểm mạnh, không ai hoàn hảo.

Chúng tôi - nhà tuyển dụng, có thể đưa ra những câu hỏi như thế mục đích là để xem cách các bạn phản ứng, đối diện và chia sẻ về điều bản thân khó chịu. Không ai thích chia sẻ yếu điểm của mình với người khác. Vấn đề các bạn có trung thực, chân thành với chính mình hay không và có muốn khắc phục điểm yếu.

Gặp tình huống này, các bạn có thể 'gán' câu chuyện chia sẻ điểm yếu của mình sang việc nhìn nhận và có kế hoạch cải thiện để hoàn thiện bản thân trong thời gian tới. Những hướng như thế sẽ tạo ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng”, ông Thành nói.

Ông Thành lấy ví dụ hiện tại điểm yếu của bạn trẻ là tiếng Anh, bạn có thể chia sẻ về kế hoạch sắp tới như đã đăng ký những khóa học tiếng Anh dành cho người đi làm; đồng thời nêu lên mục tiêu trong vòng 3 hay 5 tháng... để cải thiện năng lực ngoại ngữ và đáp ứng yêu cầu công việc.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Phó giám đốc Trung tâm tuyển dụng và thu hút nhân tài, Ngân hàng SHB, cho hay ngoài việc xem phản ứng của ứng viên, các câu hỏi về điểm yếu bản thân giúp nhà tuyển dụng đánh giá sự trung thực.

“Các nhà tuyển dụng trong nhiều năm làm việc với kinh nghiệm được đúc kết có thể đánh giá được điều này qua phần trả lời của ứng viên. Bên cạnh đó, với mạng lưới quan hệ rộng khắp ở các lĩnh vực, nhà tuyển dụng cũng đánh giá được khi bạn kể về việc mình đã làm gì, như thế nào trong một khoảng thời gian nhất định.

Việc đặt câu hỏi để các bạn nói ra điểm yếu là cách chúng tôi xem bạn đối diện và tìm cách khắc phục nó ra sao. Thông thường, sau câu hỏi về điểm yếu, các tuyển dụng sẽ đặt tiếp câu hỏi ứng viên đã khắc phục điểm yếu đó như thế nào? Qua đó, chúng tôi đánh giá khả năng đối diện và giải quyết tình huống, cũng như khả năng biến những điểm yếu của bản thân thành điểm mạnh...”, bà Hiền nói.

Trong sự kiện kết nối việc làm, nhiều sinh viên cũng đặt câu hỏi liên quan tới việc nhà tuyển dụng sẽ dựa trên tiêu chí nào để đánh giá một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm ở vị trí mình đang ứng tuyển.

Giải đáp điều này, ông Thành cho hay: “Với các bạn sinh viên năm cuối, hầu như chưa có kinh nghiệm, chúng tôi dựa vào những tiêu chí: năng lực học tập tốt (thông qua điểm trung bình chung tích lũy), khả năng ngoại ngữ (IELTS, TOEFL...). Ngoài ra, khi phỏng vấn, chúng tôi sẽ đánh giá tiềm năng/khả năng phát triển tương lai của ứng viên thông qua định hướng của các bạn có phù hợp với hướng chúng tôi đang cần tuyển ở vị trí đó.

Tất nhiên, chúng tôi cũng luôn tìm kiếm những người năng động, sáng tạo, tự tin; thay vì chỉ tập trung vào chuyện học hành. Lời khuyên của chúng tôi là các bạn nên mạnh dạn tham gia các hoạt động ngoại khóa, thiện nguyện, tổ chức sự kiện... bởi qua đó có thể nâng cao các kỹ năng, sự tự tin bên cạnh việc bổ sung thông tin vào trong CV của mình”.

Theo các nhà tuyển dụng, ngay khi ngồi trên giảng đường, sinh viên cần lưu ý việc chuẩn bị hành trang cho mình từ kết quả học tập, kỹ năng, dự án tham gia, năng lực cần có để đáp ứng các yêu cầu công việc sau này.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Không phải IT, bác sĩ mới là 'vua của mọi nghề' ở Mỹ

Trong danh sách do Ladders công bố, những công việc lương cao tốp đầu chủ yếu thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

https://vietnamnet.vn/khi-nha-tuyen-dung-hoi-ve-diem-yeu-ban-than-sinh-vien-nen-tra-loi-the-nao-2366230.html

Thanh Hùng / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm