Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà vô địch Olympia lên tiếng chuyện về nước cống hiến

Đức ví dụ: “Nhiều bạn sinh ra tại các tỉnh lẻ sau khi lên Hà Nội học, tiếp tục ở lại thủ đô để làm việc. Phải chăng, những người này phải trở về quê hương mới có thể cống hiến".

Quán quân đầu tiên của Hà Nội

Phan Minh Đức là chủ nhân vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 với 295 điểm. Đặc biệt, chàng trai THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là người đầu tiên của thủ đô ghi danh vào lịch sử chương trình đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Phan Minh Đức trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 (Ảnh: HHT).

13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã ghi danh 13 gương mặt xuất sắc giành vòng nguyệt quế. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống.

Cũng như nhiều quán quân các mùa Olympia trước đó, Đức nhận học bổng trị 35.000 USD và sang Úc theo học học ngành Tài chính Kế toán của ĐH Swinburne.

Vừa hoàn thành bậc đại học của trường, Đức nhanh chóng thu xếp về Việt Nam. Trong ba năm du học, chàng trai này cũng rất chăm chỉ về thăm gia đình.

Đức tâm sự: “Dù cuộc sống tại thành phố Melbourne đa văn hóa khá dễ dàng đối với các du học sinh, thậm chí việc tìm được đồ ăn châu Á, cửa hàng bán các món Việt Nam cũng rất đơn giản, nhưng nếu có cơ hội mình vẫn thường xuyên về nhà chơi. Thậm chí nhiều người còn thắc mắc mình có đang du học hay không”.

Có lẽ, do yêu những con phố, khung cảnh xưa của Hà Nội và đặc biệt ấn tượng với nét đẹp thủ đô mùa lá rụng, nên dù được tiếp cận với cuộc sống ở một thành phố hiện đại hơn rất nhiều, nhà vô địch Olympia vẫn muốn được trở về Việt Nam.

Đó là khoảng thời gian Đức được quây quần bên mâm cơn cùng gia đình, đi dạo phố ăn vặt cùng bạn bè hay tận hưởng không khí ở nơi mình đã sinh ra mà chẳng đâu có thể thay thế được.

Mỗi lần trở về, quán quân Olympia còn lập ra cho mình những dự định để làm cho kỳ nghỉ trở nên ý nghĩa hơn. Năm nay, trước khi sang Úc để dự lễ tốt nghiệp Đức sẽ tham gia hội trại khởi nghiệp dành cho các doanh nhân trẻ cùng 100 người bạn khác đến từ Việt Nam và quốc tế. Chàng trai này hy vọng đây sẽ là những trải nghiệm mới mẻ đem đến cho mình kinh nghiệm và kiến thức.

Vì sao 12/13 nhà vô địch Olympia không về nước?

Nhiều độc giả nhận định, việc ở lại Úc nghiên cứu sẽ giúp các nhân tài phát huy tối đa khả năng. Khi đã trưởng thành, họ có thể noi gương giáo sư Ngô Bảo Châu về nước cống hiến.

 

“Ở đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước”

Với kết quả học tập xuất sắc, Phan Minh Đức vừa tiếp tục nhận được lời mời nghiên cứu sau đại học của ĐH Swinburne.

Nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 9, Đức sẽ quay lại Úc để dự lễ tốt nghiệp và tiếp tục theo học tại trường thêm một năm. Chàng trai này dự định trong thời gian này vẫn sẽ duy trì công việc trợ giảng.

Phan Minh Đức chia sẻ: “Có thể mình từng vô địch Đường lên đỉnh Olympia nên được nhiều người biết đến hơn. Nhưng ngoài kia còn rất nhiều bạn giỏi hơn mình, không tham dự chương trình và vẫn nhận được học bổng 100% của ĐH Yale, Chicago, Harvard… Đó chính là những người sẽ xây dựng tương lai và đóng góp rất nhiều cho đất nước. Họ cùng là tấm gương để mình phấn đấu nhiều hơn”.

Chàng trai này quan niệm dù ở lại nước ngoài công tác hay về Việt Nam thì vẫn có thể cống hiến cho đất nước.

Khi được hỏi sẽ trở về nước để cống hiến, hay tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài, nhà vô địch Olympia 2010 cho rằng: “Theo mình cả hai con đường trên đều có thể đóng góp cho đất nước. Dù bạn ở đâu, thì những thành tựu nghiên cứu của bạn đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Hơn nữa, trong một thế giới mở như hiện nay việc bạn đang ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đóng góp cho quê hương”.

Đức đưa ra ví dụ: “Hiện nay, nhiều bạn sinh ra tại các tỉnh lẻ, vùng quê nhưng sau khi lên Hà Nội học, tiếp tục ở lại thủ đô để làm việc. Phải chăng, những người này phải trở về quê hương mới có thể cống hiến?

Mình cho rằng khi bạn được giao lưu với những người giỏi, được làm việc trong môi trường tiên tiến hơn thì những kiến thức, ý tưởng mà bạn thu được chắc chắn sẽ có giá trị với quê hương, đất nước mình”.

Dù học ngành kinh doanh, nhưng Phan Minh Đức lại cho rằng “không phải mẫu người đặt ra kế hoạch bao nhiêu tuổi phải kiếm được nhiều tiền” mà chỉ muốn có cuộc sống thoải mái, biết thích nghi và hòa nhập với cái mới. Vì vậy, hiện tại chàng trai này chỉ đặt ra mục tiêu sẽ cố gắng làm tốt công việc học tập.

Olympia là một gia đình

4 năm trôi qua kể từ ngày trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia, những dấu ấn về chương trình vẫn in đậm trong tâm trí của Phan Minh Đức.

“Mình nhớ lần đầu tiên được thi trong trường quay, cảm giác khác hoàn so với xem ti vi ở nhà và trả lời theo các câu hỏi. Và sự nhiệt tình các bạn cùng lớp khi đội mưa đạp xe sang đài truyền hình trong vòng thi quý chính là kỷ niệm khiến mình không thể nào quên”, Đức chia sẻ.

Đối với Đức cũng như rất nhiều bạn trẻ khác từng tham gia chương trình, Olympia không chỉ là một cuộc chơi mà còn là một gia đình đoàn kết. Nhà vô địch 2010 rất tự hào là một trong những thành viên của cộng đồng.

Hiện tại, Đức và 11 quán quân khác của Đường lên đỉnh Olympia đều đang sinh sống, học tập, làm việc tại Melboune. Đây là cơ hội để các nhà leo núi duy trì mối quan hệ thân thiết và cùng giúp đỡ lẫn nhau.

Đặng Thái Hoàng, Phan Minh Đức và Lê Vũ Hoàng - ba nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia.

Đức chia sẻ: “Trong cộng đồng, mình chơi thân nhất với anh Hồ Ngọc Hân (vô địch năm thứ 9). Hai anh em thường đi bơi, đá bóng, hay ăn uống cùng nhau. Trước khi về Việt Nam mình cũng qua nhà anh Phan Mạnh Tân (vô địch năm thứ 2) để chơi cùng hai cháu trai rất dễ thương”.

Còn trong số ba cô gái từng đăng quang ngôi vị cao nhất, Đức hay gặp gỡ Phạm Thị Ngọc Oanh (vô địch năm thứ 11) vì học cùng trường.

Dù đều bận rộn với công việc riêng, nhưng cộng đồng Olympia tại Úc vẫn luôn cố gắng sắp xếp để được gặp nhau mỗi năm, cùng chia sẻ những kỷ niệm về chương trình và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ thành viên nào gặp khó khăn.

Trợ giảng, gia sư cho học trò khi còn là sinh viên

Không chỉ “leo núi” thành công tại Đường lên đỉnh Olympia, ba năm du học, Phan Minh Đức luôn phấn đấu để khẳng định mình.

Chia sẻ về kết quả học tập, chàng trai này vui vẻ nói: “Hầu hết các môn mình đều đạt loại giỏi (từ 75-85/100 điểm) và xuất sắc (từ 85-100/100 điểm)”. 

Ngay khi mới là sinh viên năm thứ 2, Phan Minh Đức đã vượt qua vòng tuyển chọn của ĐH Swinburne để được đứng vào đội ngũ trợ giảng của trường.

Ngoài việc học ở trường, chàng sinh viên này còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện, tổ chức các chương trình do du học sinh Việt Nam tại ĐH Swinburne và thành phố Melbourne.

Nhưng nhớ lại khoảng thời gian đầu tiên đặt chân lên đất nước cách quê hương 7000 km, cựu học sinh chuyên Ams vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt về ngôn ngữ: “Dù khá tự tin với khả năng tiếng Anh, nhưng nhiều khi mình vẫn không hiểu các bạn cùng lớp nói gì vì hay sử dụng tiếng lóng”.

Để khắc phục tình trạng này, Đức thường xuyên giao lưu cùng các sinh viên nước ngoài. Đặc biệt việc trở thành trợ giảng của nhà trường cũng như đi gia sư chính là cơ hội để nhà vô địch Olympia cải thiện khả năng ngôn ngữ và củng cố kiến thức.

Kể về công việc gia sư thú vị này, Đức chia sẻ: “Mình ấn tượng nhất với một anh người Úc gần 30 tuổi đã đi làm nhưng vẫn tin tưởng nhờ mình dạy kèm môn kế toán. Đến nay, hai anh em vẫn thường thường xuyên liên lạc với nhau”.

Giảng viên sinh học bắt lỗi ban cố vấn Olympia

Một giảng viên ĐH Đà Lạt đã phân tích và đưa ra nhận định lý giải của ban cố vấn Đường lên đỉnh Olympia đối với câu hỏi đang gây tranh cãi của Hoàng Bách là không chính xác.

An Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm