Nhạc kịch thời hiện đại
Nhạc kịch mùa hè năm nay sẽ được khoác bộ mặt hơi là lạ, từ một truyền thuyết Trung Quốc cho đến một tự truyện ở thế kỷ 19 và câu chuyện cổ tích “Hansel and Gretel” được làm mới. Còn lạ hơn nữa khi các vở nhạc kịch này được soạn bởi những tay ngang: một nghệ sĩ thử nghiệm nhạc điện tử, một bậc thầy nhạc jazz và một ngôi sao pop rock
Từ việc đứng sau 2 nhóm Gorillaz và Blur cho đến việc soạn nguyên một vở nhạc kịch diễn trong cả buổi tối là một chặng đường dài nhưng Damon Albarn vẫn nói về “Monkey: Journey to the West” như một vở “opera đúng nghĩa”
“Monkey: Journey to the West” dựa trên truyền thuyết Tây Du Ký, vốn quá quen thuộc với người châu Á. Thế hệ của Damon cũng khá quen thuộc với Tây Du Ký qua loạt phim truyền hình “Monkey” được chiếu ở Anh và Úc năm 79. Chen Shi-Zheng, đạo diễn của vở, vốn đã thực hiện các vở opera của Mozart, Wagner, Monteverdi, đánh giá rất cao Damon “Tôi đã có ý tưởng về dự án này từ 3 năm trước. Đây là một câu chuyện đã có 400 năm tuổi nên tôi muốn tìm một người soạn nhạc trẻ, có khả năng và điều kiện để tạo ra một điều gì mới mẻ. Khi tôi nghe Gorillaz, tôi hoàn toàn bị thuyết phục.”
Nhạc cho Tây Du Ký lần này rất sống động, tươi vui và có giai điệu đẹp, nhắc đến nhiều nguồn cảm hứng khác. Nhưng không phải là một chút Puccini hay Verdi, một chút nhạc Hoa. Đây là một kiểu tác phẩm mới, có kết cấu tự nhiên. Damon sửa phần nhạc rất nhanh, tìm sự hòa hợp giữa hình ảnh trên sân khấu và âm nhạc.
Cộng tác thực hiện với Damon lần này còn có Jamie Hewlett, người đã từng sát cánh với Damon trong dự án Gorillaz thành công rực rỡ. Thiết kế của Jamie Hewlett cũng quan trọng không kém, giống như trong Gorillaz. Jamie mang lại hình ảnh của show, vốn gồm nhiều Bồ tát, Long vương, các loại yêu tinh và nhiều nhân vật tưởng tượng khác. Sự hòa nhập giữa các cử động sân khấu và âm nhạc là điều làm cho Tây Du Ký này khác biệt. Đạo diễn Zheng đòi hỏi các diễn viên Trung Quốc của mình (vở diễn được hát bằng tiếng quan thoại) có kỹ năng võ thuật và nhào lộn ngang ngửa với khả năng ca hát. “Mọi thứ đều rất hoành tráng, với 50 diễn viên trên sân khấu và dàn hợp xướng 15 người dưới sân khấu”
Julian Joseph là nhà soạn nhạc jazz và một dương cầm thủ tên tuổi. Vở opera “Bridgetower” mà Julian vừa soạn không quá xa xôi như Damon Albarn với Tây Du Ký mà về nhân vật gần gũi hơn, George Bridgetower. Đây là người chơi violin da màu đã trình diễn “Kreutzer Sonata” của Beethoven vào năm 1803. Đó là lần đầu tiên bản sonate số 9 cho violin cung La trưởng được công bố trước công chúng và chính nhà soạn nhạc thiên tài này chơi piano với George. Bản nhạc này đúng ra có tên là “Bridgetower Sonata” nhưng sau lần trình diễn đó, cả 2 nhạc sĩ cùng uống rượu và George vô tình xúc phạm một người bạn của Beethoven nên Beethoven tức giận, đổi tên thành “Kreutzer Sonata”, đặt theo tên Rudolphe Kreutzer, người được xem như tay vĩ cầm xuất sắc nhất thời bấy giờ. Trớ trêu là Rudolphe chưa bao giờ biểu diễn bản sonate này.
Say mê nhạc kịch nhưng thế mạnh ở nhạc jazz nên Julian mơ ước có thể dựng một tác phẩm “kể chuyện” bằng jazz. “Bridgetower”, vì vậy, hấp dẫn với người nghe đương đại vì Julian sử dụng 2 giọng hát jazz Cleveland Watkiss và Jacqui Dankworth bên cạnh các ca sĩ opera chuyên nghiệp. Anh cũng dành chỗ trong vở diễn cho dàn big-band 10 người của mình có nhiều đất để ngẫu hứng.
Trong 3 vở nhạc kịch mùa hè này, “Elephant and Castle” mang nhiều mạo hiểm và thách thức nhất, hứa hẹn một hướng đi hoàn toàn mới. Vở này là tác phẩm cộng tác giữa Tansy Davies và Mira Calix, 2 nghệ sĩ đến từ 2 thế giới âm nhạc hoàn toàn khác nhau. Tansy Davies là gương mặt nổi bật trong đạo quân tiên phong của các nhà soạn nhạc trẻ ở Anh, chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển cấp tiên và rock thử nghiệm trong khi Mira Calix lại thuộc dòng nhạc điện tử
Mira Calix cho rằng bản chất âm nhạc của họ lại hoàn toàn ngược lại “vì tôi soạn nhạc điện tử nên người ta nghĩ rằng nhạc của tôi liên quan đến khung cảnh phố thị nhưng thật ra, cảm hứng của tôi đến từ tự nhiên. Đôi với tôi, nhạc của Tansy nghe giống techno còn của tôi chân chất và đồng quê hơn.” Vở kịch sẽ là những cảnh riêng biệt được soạn riêng bởi mỗi tác giả chứ không phải sự hòa trộn giữa nhạc điện tử của Mira và âm thanh mộc của Tansy. “Có thể miêu tả vở nhạc kịch này là một điệu nhảy bởi người có 2 chân trái!” Tansy nói. Bên cạnh âm nhạc, “Elephant and Castle” còn sử dụng nghệ thuật sắp đặt và đưa người xem như một phần của vở kịch.
Elephant and Castle là giao lộ chính ở nam London, nơi có một trung tâm mua sắm sắp bị giải tỏa. Câu chuyện là một phiên bản của “Hansel and Gretel” về 2 đứa trẻ bị lạc ở trung tâm mua sắm và khán giả sẽ theo dõi những tình tiết xảy ra với chúng.
Trí Quyền