Dương Cầm (sinh năm 1986) là một nhạc sĩ có tiếng ở thị trường Hà Nội. Anh cũng là producer “ruột” của nhiều giọng ca Sao Mai. Nhắc đến Dương Cầm, người yêu nhạc trong nước nhớ đến các ca khúc ngọt ngào như: Mong anh về, Biển và ánh trăng, Giấc mơ anh và em, Đường về khuya, Ngây ngô, Phía cuối chân trời… Mới đây, nhạc sĩ trẻ đã có những chia sẻ về chuyện đời và chuyện nghề của mình với người hâm mộ.
- Là một nhạc sĩ, anh cảm nhận như thế nào về nền âm nhạc Việt hiện đại?
- Nền âm nhạc Việt Nam hiện đại đã khác nhiều so với thời kỳ trước. Bên cạnh những nghệ sĩ gạo cội hay các cá nhân được đào tạo bài bản, thì một số cá tính độc đáo, không theo tiêu chuẩn nào đang góp phần tạo nên thế giới âm thanh và ca từ phong phú.
Phần nhiều cá tính đó đến từ các bạn trẻ. Họ đem cả vũ trụ vào từng giai điệu, mang bản sắc trong mỗi nhịp nhấn nhá. Chính vì vậy, trong nghệ thuật, ai cũng muốn mình luôn luôn trẻ.
Tên tuổi của nhạc sĩ Dương Cầm gắn liền với các giọng ca trưởng thành từ cuộc thi “Sao Mai điểm hẹn”. |
- Nhiều người nhận xét nhạc trẻ là nhạc với thị trường, anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi không nghĩ thế. Nghệ thuật vốn sinh ra từ tâm hồn của con người, nên với những người hoạt động âm nhạc như chúng tôi không có khái niệm nhạc thị trường hay nhạc không thị trường. Màu sắc của mỗi bài hát do cá tính người nhạc sĩ tạo nên. Tôi trân trọng tất cả sản phẩm, đặc biệt là tác phẩm sáng tạo của các bạn trẻ.
- Anh ấn tượng nhất ở “màu sắc” nào của các bạn trẻ?
- Sự đa dạng và phá cách là nét đặc trưng trong sản phẩm âm nhạc của người trẻ. Thông qua những “tiếng nói mới” trong âm nhạc, chủ đề về cuộc sống, con người và quan điểm của người trẻ đã được phát lộ.
Bên cạnh những bản tình ca quen thuộc, âm nhạc Việt Nam đang chào đón sự xuất hiện của nhiều ca khúc hiện đại với giai điệu và ca từ mộc mạc nhưng không kém phần chiêm nghiệm. Chính điều này đã góp phần bổ sung thêm màu sắc mới cho nền nhạc Việt Nam đương đại.
- Vậy theo anh, người trẻ cần làm gì để sản phẩm âm nhạc của mình có chiều sâu và đa cảm xúc hơn?
- Chiều sâu, cảm xúc trong âm nhạc xuất phát từ tinh thần của người tạo ra chúng. Không có cách nào giúp âm nhạc có chiều sâu, đa cảm xúc bằng cách làm cho tinh thần và tâm hồn của mình “giàu” hơn, trải hơn.
- Theo anh, trong âm nhạc thì kinh nghiệm và kỹ thuật yếu tố nào quan trọng hơn?
- Trong âm nhạc, ở một số trường hợp, kinh nghiệm và kỹ thuật chưa hẳn đã tạo ra những bản nhạc xuất sắc. Đôi khi kinh nghiệm và kỹ thuật vốn có lại trở thành tấm ngăn làm hạn chế sức sáng tạo.
Các bạn trẻ thì khác. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu sự trau dồi về kỹ thuật nên âm nhạc của họ rất bản năng và nguồn năng lượng cũng không bị trùng lặp.
- Nhận lời mời làm giám khảo cuộc thi “The Band by VinaPhone”, Dương Cầm mong muốn tìm ra các cá tính âm nhạc như thế nào?
- Một giám khảo cần có quan điểm rõ ràng. Ở cương vị này, tôi sẽ phải lắng nghe để hiểu câu chuyện nghệ thuật trong từng bài thi của thí sinh. Tôi muốn tìm kiếm những tác phẩm hay, độc, lạ và mang màu sắc cá nhân của các bạn trẻ.
Một ban nhạc hay nghệ sĩ muốn thành công đều phải có nét riêng. Vì vậy, các bạn trẻ hãy thử sức, tham gia nhiều sân chơi để thăm dò khả năng và đào xới cá tính của chính mình.
Nghe bài dự thi của hàng trăm ban nhạc trong “The Band by VinaPhone”, tôi và anh Sơn đã không ít lần kinh ngạc vì nội lực và cá tính đặc biệt của các bạn trẻ, dù đó mới chỉ là những bản quay thu thô sơ.
- Anh có lời khuyên nào cho các thí sinh tham gia “The Band by VinaPhone”?
- Không chỉ làm giám khảo, tôi còn tham gia chương trình với vai trò tư vấn, định hướng các ban nhạc trong và sau cuộc thi. Là người đi trước, tôi sẽ nỗ lực hết mình để có thể phát hiện và định hướng khả năng của các bạn.
Nếu chưa được chọn, các bạn cũng đừng nản lòng. Những điều quý giá không bao giờ đến dễ dàng và thất bại cũng là một trải nghiệm tốt cho tuổi trẻ. Chỉ cần nhiệt huyết và đam mê vẫn còn, bạn đừng lo thành công sẽ “tắc đường” đến muộn.
“The Band by VinaPhone” là sân chơi âm nhạc dành riêng cho các ban nhạc trẻ Việt Nam, được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Ban giám khảo của cuộc thi gồm: nhạc sĩ Lê Minh Sơn, nhạc sĩ Dương Cầm và biên đạo múa Trần Ly Ly.
Hạn cuối nhận hồ sơ đăng ký dự thi vào ngày 12/4. Sau vòng sơ khảo và chung khảo, các ban nhạc được lựa chọn sẽ bước vào chung kết khu vực miền Bắc (ngày 20/4 tại Hà Nội), miền Trung (ngày 28/4 tại Đà Nẵng), miền Nam (ngày 5/5 tại TP.HCM). Đêm chung kết toàn quốc dự kiến diễn ra sau đó một ngày. Cuộc thi được bảo trợ bởi ứng dụng CeeMe - Kết nối thần tượng và iTV.