Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc sĩ Dương Thụ: 'Không nên hễ ai nói khác mình là ném đá'

"Chúng ta không nên là kẻ “độc quyền chân lý”, hễ ai nói khác mình là ném đá ngay. Cái này xưa rồi, không phù hợp với một xã hội văn minh", nhạc sĩ bày tỏ ý kiến.

Câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với những nhận xét gây xôn xao dư luận của ông về hàng loạt ca sĩ nổi tiếng đã dấy lên mối quan tâm về một góc nhìn thẳng thắn cần có trong thị trường nhạc trẻ VN cũng như khoảng trống của phê bình nghệ thuật hôm nay.

- Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, có nhiều ý kiến cho rằng thị trường nhạc trẻ Việt Nam hôm nay có hai bộ mặt: thật và ảo. Một số ca sĩ thành danh, có lượng người hâm mộ đông đảo được đánh giá là không tương xứng với giá trị thật. Một số ca sĩ thực tài lại không có điều kiện để vươn lên, tỏa sáng và được công chúng yêu thích. Ông nghĩ sao?

- Thị trường nhạc trẻ Việt Nam bạn nói rất tương xứng với “văn hóa âm nhạc đại chúng” của giới trẻ ta hiện tại. Công chúng nào thì âm nhạc ấy. Cái thật và cái ảo trong đời sống hiện nay đương nhiên cũng sẽ như thế trong sinh hoạt nhạc trẻ.

Để được vươn lên, tỏa sáng và được công chúng yêu thích với những người thực tài mà không có một môi trường văn hóa tương xứng, ngay cả khi có môi trường văn hóa tương xứng mà không có ông bầu giỏi, chắc bạn đã biết câu trả lời.

Nhạc sĩ Dương Thụ.
- Giữa các thế hệ công chúng yêu nhạc xưa và nay có khoảng cách khác biệt về sự yêu thích ca sĩ. Đây có phải là sự xung đột "ý thức hệ" hay là điều rất bình thường?

- Đấy là một quy luật tâm lý bình thường. Sự khác nhau là tất yếu, không nên hiểu đó là một xung đột. Chúng ta cần làm quen với chuyện này. Tôi bao giờ cũng có nhận xét riêng, nó đúng với tôi, nhưng không hẳn đã đúng với người khác. Vì lẽ đó, tôi tôn trọng nhận xét của người khác, thế thôi. Chúng ta không nên là kẻ “độc quyền chân lý”, hễ ai nói khác mình là “ném đá” ngay. Cái này xưa rồi, không phù hợp với một xã hội văn minh.

Chỉ có điều khi phát ngôn trước công luận, tuyệt đối không nên nói để người khác hiểu lầm thái độ của mình. Đó chỉ là cách xử sự. Bản thân tôi cũng đôi khi xử sự không khéo, nói không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người có thể khiến người khác hiểu lầm mình. Phải trả giá đấy! Nhưng trong cuộc sống chẳng ai lại không mắc sai lầm, điều đó cũng là bình thường.

Dù ở thế hệ nào, tuổi nào, nền văn hóa nào, khác nhau đến mấy, văn hóa ứng xử cũng cần giống nhau để chúng ta vượt qua những khác biệt để yêu thương, để tôn trọng, để sống cùng.

"Mỗi ca sĩ nên tìm ra thị phần của mình và sống với thị phần này".

- Trong dòng chảy của nhạc Việt hôm nay, người ta đang nói về sự phân hóa trong gu thưởng thức và sự yêu thích. Người yêu nhạc có thể yêu thích ca sĩ này và không thích ca sĩ kia. Liệu chúng ta có thể tìm ra những nghệ sĩ chinh phục được số đông? Hay điều này là không cần thiết?

- Số đông không phải là tiêu chuẩn thật sự để đánh giá một giá trị văn hóa, tuy nó cũng rất quan trọng. Vấn đề còn ở chỗ đám đông nào. Mỗi ca sĩ nên tìm ra “thị phần” riêng và sống với thị phần này. Ngôi sao giải trí và ngôi sao nhạc thính phòng có những giá trị khác nhau và có lượng công chúng hoàn toàn khác nhau. Chúng ta mang số lượng ra đọ với nhau để làm gì. Còn sự phân hóa về gu thưởng thức là một bước tiến về mặt xã hội.

Trước kia thời bao cấp, nghe một loại nhạc, chung một gu, đơn điệu quá. Bây giờ có nhiều loại nhạc (không phải là hay hơn) người nghe đã có sự tự do trong lựa chọn, ý thích cá nhân khác nhau nên gu khác nhau là đương nhiên. Chỉ tiếc rằng không ít công chúng do “văn hóa nền có vấn đề” nên sự tự do lựa chọn và gu so với những gì gọi là “chuẩn mực văn hóa” thì có vẻ chưa ổn lắm.

- Có ý kiến rằng làng nhạc Việt hiện nay đang tràn ngập “những lời có cánh”, các ca sĩ được tung hô quá mức nên khi có một ý kiến khác đi là người trong cuộc bị sốc, “nhảy dựng lên”, không giữ được bình tĩnh trong việc đón nhận lời đánh giá. Nhạc sĩ có thể cho biết nhìn nhận của mình về vấn đề này?

- Phản ứng của một con người phụ thuộc vào “văn hóa nền” của họ. Công chúng tử tế sẽ đánh giá phản ứng của họ để hiểu rõ họ là ai và có một cách nhìn đúng về một người làm nghề dính dáng đến nghệ thuật. Nhưng những người “đồng văn” có lẽ khác đấy. Còn báo chí “chộp” lấy cơ hội ngon ăn này để khai thác. Cái nghề “săn tin” mà. Chuyện không đáng đã thành câu chuyện ồn ào trên báo giấy và báo mạng. Cái này nó rất hại cho người phát ngôn và nó có hại cho việc chúng ta đang muốn xây dựng cách ứng xử “nhân văn” trong đồng bào của mình (hình như bây giờ nhiều người thích “ném đá” hay sao ấy).

- Làm thế nào để phê bình âm nhạc có sức sống, mang đến những giá trị cho nghệ sĩ, những người làm nghề và công chúng? Công tác phê bình là một sinh hoạt bình thường, được trân trọng?


- Phê bình âm nhạc có giá trị khi người phê bình có được cái tự do đối với danh tiếng, tiền bạc và những “định hướng” người khác áp đặt lên mình. Nhưng điều có lẽ còn quan trọng hơn là cái văn hóa nền và văn hóa nghề của họ, cái nhân phẩm của họ, những yếu tố để tạo nên cái tâm, cái tầm và cái tài nếu có và luôn được bồi đắp, của họ thì chắc là họ sẽ mang đến những giá trị cho nghệ sĩ, những người làm nghề và công chúng. Công tác phê bình sẽ là một sinh hoạt bình thường, được trân trọng.

Nhạc sĩ Đức Trí: 'Thị trường cần nhiều màu sắc'

Tôi không quan tâm hết cả làng ca nhạc nên chỉ nhìn nhận dưới góc độ vài dự án, chương trình tôi đang trực tiếp tham gia, tôi thấy có chuyển động tích cực. Ví dụ chương trình Bài hát Việt ngày càng có những sản phẩm chất lượng cao, tiếp cận và hòa vào dòng chảy âm nhạc đại chúng. Hoặc có những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc cổ điển như Phạm Thu Hà tuy “kén chọn” người thưởng ngoạn nhưng sản phẩm của cô ấy cũng được một bộ phận khán giả ái mộ và có thể gặt hái thành công về thương mại.

Càng ngày công chúng càng phân định và chấp nhận cả tính “nghệ thuật” lẫn tính “giải trí” trong âm nhạc. Thị trường phải có nhiều màu sắc, trăm hoa đua nở. Việc tìm một ca sĩ hay một sản phẩm, chương trình âm nhạc chinh phục hết thảy mọi người là điều rất khó.

Nhạc sĩ Đức Trí.

Nguyên chủ nhiệm CLB Phóng viên văn hóa nghệ thuật, Hội Nhà báo TP.HCM Vũ Duy Giang: 'Báo chí thiếu vắng các nhà phê bình'

Mặc dù làng ca nhạc Việt ngày càng có rất nhiều vấn đề để tranh luận và xây dựng nhưng một thực tế là có vẻ như mảng phê bình lĩnh vực âm nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng dường như chưa theo kịp sự phát triển.

Lâu nay báo chí thiếu vắng hẳn sự tham gia của các nhà phê bình âm nhạc. Các phóng viên âm nhạc khó có thể nhận lãnh trách nhiệm này vì họ là người đưa tin chứ không thể là nhà lý luận phê bình hoặc là chuyên gia am hiểu mọi thứ. Nếu có một nếp “văn hóa phê bình” được hình thành sẵn thì nghệ sĩ sẽ đón nhận những lời đánh giá mang tính xây dựng một cách bình thường.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm