Sáng 4/2, nhạc trưởng Lê Phi Phi - con của nhạc sĩ Hoàng Vân - viết trên trang cá nhân lời vĩnh biệt cha bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Nga.
Nhạc sĩ Hoàng Vân mất khoảng 4h sáng trong giấc ngủ. Trước đó, ông bị bệnh viêm phổi và một số bệnh tuổi già.
"Vĩnh biệt Bố!" - nhạc trưởng Lê Phi Phi viết trạng thái, đăng cùng tấm ảnh nhạc sĩ Hoàng Vân trên trang cá nhân. |
Hoàng Vân là nhạc sĩ với nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1930 tại Hà Nội, tên thật là Lê Văn Ngọ. Ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế từ năm 16 tuổi, làm phụ trách Thiếu sinh quân, sau đó tham gia Đội Tuyên truyền vũ trang, làm báo và công tác địch vận.
Sau năm 1954, Hoàng Vân đi học tại Nhạc viện Bắc Kinh. Về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội.
Hoàng Vân sáng tác âm nhạc từ năm 1951. Ông là tác giả của nhiều ca khúc mà nhiều thế hệ người Việt đều thuộc như Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Chào anh giải phóng quân, Người chiến sĩ ấy, Tình ca Tây Nguyên… Bên cạnh các ca khúc, hợp xướng, hòa tấu, ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương. Trong vai trò người thầy giảng dạy tại Nhạc viện, ông có nhiều học trò thành danh.
Ông đã xuất bản các sách nhạc: Hai chị em (NXB Âm nhạc, 1973), 6 ca khúc Hoàng Vân (NXB Âm nhạc, 1980), Ca khúc Hoàng Vân (NXB Âm nhạc, 1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân (NXB Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam). Ông có ấn phẩm xuất bản tại nước ngoài như: Tổng phổ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (in tại Cộng hoà Dân chủ Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (NXB Âm nhạc Moskva, Liên Xô).
Bằng những cống hiến của mình cho âm nhạc, Hoàng Vân được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Đây là giải thưởng cao quý nhất về nghệ thuật ở nước ta.