- Là một người hoat động lâu năm trong lĩnh vực âm nhạc, anh nghĩ sao trước vấn nạn đạo nhạc đang khiến khán giả và những nhà quản lý bức xúc?
- Thật ra việc đạo nhạc đã có ở Việt Nam từ rất lâu, nhưng gần đây mới được mọi người chú ý. Tuy có chút chậm trễ nhưng tôi nghĩ, đây là một tín hiệu đáng mừng.
Không những thế, việc đạo nhạc không chỉ được giới trong nghề nhắc tới mà lại chính là khán giả. Điều đó chứng tỏ khán giả đã có sự lựa chọn trong việc thưởng thức âm nhạc và mạnh dạn bày tỏ chính kiến.
Người trong nghề như chúng tôi phải gửi lời cảm ơn tới những khán giả âm nhạc đích thực. Chính họ sẽ góp phần làm trong sạch môi trường âm nhạc ở Việt Nam, khuyến khích người nghệ sĩ sáng tạo.
- Theo anh, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng đạo nhạc đang phát triển tràn lan ở Việt Nam hiện nay?
- Nguyên nhân thì có nhiều lắm nhưng tôi nghĩ, điểm mấu chốt chính là do sự thiếu trung thực của những người làm nghề. Một cái tặc lưỡi, một cái gật đầu cho qua, một chút dễ dãi đã biến họ thành "kẻ cắp".
Làm nghề gì cũng thế chứ không chỉ riêng nhạc sĩ, tiêu chí đầu tiên cần có là sự trung thực, trung thực với chính con người mình và trung thực trong sáng tạo. Điều đó sẽ giúp bạn tồn tại lâu trong nghề và tận hưởng thành quả lao động của mình.
Nhạc sĩ Hồng Kiên. |
- Theo anh, chúng ta cần cư xử thế nào với những người đạo nhạc?
- Tôi thấy, phần lớn nghệ sĩ trẻ đều là những người thích sáng tạo, thích tìm tòi, tuy nhiên chính vì còn trẻ nên họ thiếu hiểu biết, cũng chưa xác định được con đường đi của mình nên có thể mắc sai lầm. Chúng ta hãy coi đó là một cái sảy chân của họ.
Chúng ta hãy bao dung với những trường hợp như thế, khích lệ họ vượt qua sai lầm. Không nên chỉ vì một cái sảy chân mà xóa hết công sức hay chặn mọi con đường đi lên của họ.
Tuy nhiên, với những nghệ sĩ coi việc đạo nhạc là bình thường, họ đủ kiến thức, đủ hiểu biết để hiểu rõ hành động của mình mà vẫn làm thì chúng ta cần phải lên án một cách mạnh mẽ và dứt khoát.
Ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng M-TP đang làm dấy lên câu chuyện về đạo nhạc: