Tác giả bài hát cho biết Bếp lửa xuân được viết để tưởng niệm người anh họ. Người anh của nhạc sĩ mất khi còn rất trẻ, nhưng những kỷ niệm về ngày xuân cùng anh họ thì mãi không phai nhạt trong lòng tác giả nhiều năm sau đó.
Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Ảnh: NVCC. |
Bài hát thứ hai - Họ hàng tôi - được Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác trong dịp anh dự đám tang một người họ hàng. Anh cho biết nhìn những người thân đổ về dự đám tang với gương mặt mệt mỏi, đau buồn trước sự ra đi của người thân, anh mới thấm thía câu nói: “Nghĩa tử là nghĩa tận”.
“Sau 5 năm ở Pháp du học, tôi thấm thía vô cùng cái sự ấm cúng của gia đình và họ hàng. Trong những đêm nhạc của tôi được tổ chức tại Paris và Ba Lan, tôi đã hát bài này và nhiều người đã không cầm được nước mắt”, nhạc sĩ tâm sự.
Vị kiến trúc sư cho biết giá trị của họ hàng được tô đậm trong những lúc gian nan, khó khăn. Anh lấy ví dụ từ chính bản thân mình. Khi đó công ty kiến trúc của anh gặp khó khăn, những người thân của anh đã cùng nhau ngồi lại để tháo gỡ và thật tuyệt vời là sau đó mọi thứ đều được giải quyết êm xuôi. Chính giá trị tinh thần từ người thân mà anh cho ra đời ca khúc Họ hàng tôi nhân dịp xuân Đinh Dậu.
Hai ca khúc mang đậm chất liệu dân gian đương đại, được lồng ghép với tiết tấu của nhạc điện tử. Ngọc Khuê - người từng giúp tạo nên thành công nhiều ca khúc của Nguyễn Vĩnh Tiến - là ca sĩ thể hiện hai tác phẩm. Vị nhạc sĩ sinh năm 1974 cho biết, anh ấn tượng và tin tưởng "chuồn chuồn ớt" từ khi cộng tác với cô ở Bà tôi. Theo Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê không chỉ là một giọng hát dân gian cá tính mà còn là người có nhiều tâm huyết với nghề.