Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc sĩ Thanh Tùng yêu đơn phương thiếu nữ 20 tuổi

Khán giả quen lắm cha đẻ của Ngôi sao cô đơn, Lối cũ ta về..., nhưng hẳn ít người biết nhạc sĩ Thanh Tùng cũng đã từng kinh doanh và từng cô đơn không riêng với người vợ của mình.

Nhạc sĩ Thanh Tùng yêu đơn phương thiếu nữ 20 tuổi

Khán giả quen lắm cha đẻ của Ngôi sao cô đơn, Lối cũ ta về..., nhưng hẳn ít người biết nhạc sĩ Thanh Tùng cũng đã từng kinh doanh và từng cô đơn không riêng với người vợ của mình.

Khi vừa bước vào tuổi đẹp nhất của sự chín muồi, khi tình yêu vừa đủ đầy để tạo nên một thiên đường trong cuộc sống, khi đôi vợ chồng sau 18 năm hạnh phúc thấy rằng, cuộc sống này họ không thể thiếu được nhau thì người vợ hiền của Thanh Tùng bỏ ra đi về miền xa thẳm.

Nỗi cô đơn đậm sâu trong tâm hồn ông tăng lên gấp bội khi còm cõi ngồi nhẩm tính: 6 tuổi ông đã phải xa gia đình. Bây giờ là hơn 60 tuổi. Người bạn đời chỉ làm bạn với ông 18 năm. 36 năm cô đơn làm trái tim ông ngập nỗi buồn. Ông đã từng thốt lên: “Trong sân sau ngập nắng, cô đơn khóm cúc vàng, đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn”.

Gặp lại Thanh Tùng sau hơn 10 năm tổ chức liveshow xuyên Việt Lối cũ ta về được đánh giá là liveshow lớn nhất trong làng nhạc thời ấy người ta thấy Thanh Tùng gầy quá, những cảm xúc, tinh túy trong từng lời thơ, dòng nhạc đã rút hết tinh lực của ông. 36 năm qua, vẫn còn đó của sự cô đơn, nhớ thương người vợ hiền. Trở về Hà Nội, từ sân bay ông hướng ngay ánh mắt đến đường Nghi Tàm. Con đường giờ vắng hoe những cây ổi, cây hoàng lan, chỉ còn lại là những nhà, những xe ngập ngụa. “Ngày xưa có một ngôi làng, bên bờ hồ Tây, đó là Nghi Tàm... Ngày nắng, nắng thơm mùi ổi găng, chiều hôm, gió thơm mùi hoàng lan...”. Giai điệu ngọt ngào của làng Nghi Tàm như ru ông về một miền xa thẳm. Ngày ấy, những con đê dài hun hút, hai bên đường những cây ổi găng, cây hoàng lan ngát mùi hương.

Hình ảnh người vợ hiền, lúc đó mới là người yêu đội chiếc mũ rơm, chờ Thanh Tùng hái những quả ổi găng thơm lừng làm trái tim ông như lặng lại. Không gian yên bình, dịu dàng làm tâm hồn như thanh thản đến không ngờ. Những ký ức đẹp bất ngờ bật lên được lưu lại trong ca khúc Chuyện cổ Nghi Tàm khi đã lâu lắm rồi Thanh Tùng không đặt bút viết. Ca khúc Hoa cúc vàng như một lời tâm tình về cuộc đời của ông “Đêm qua tôi nằm mơ, tôi mơ thấy em về. Khi anh tuổi đôi mươi, em mới lên 18... Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng...”. Dù đã mãi trở thành kỷ niệm nhưng người vợ hiền của ông luôn theo ông trong từng bước đi, dịu dàng ghi dấu trên những ca khúc đầy chất tình và lòng thương mến.

Thế nhưng, hẳn ai cũng bất ngờ khi nhạc sĩ Thanh Tùng không chỉ cô đơn trong nỗi nhớ người vợ hiền. Người đàn ông đầy chất tình trong từng ca khúc đã từng yêu một người phụ nữ mới ngoài 20 tuổi. Nỗi cô đơn ấy cũng bật lên, quay quắt trong Lời chim đỗ quyên, Cơn bão nghiêng đêm. Trong một buổi họp mặt bạn bè, sự va chạm vô tình đã khiến ông bất ngờ trước khuôn mặt thánh thiện, dịu dàng, lại nhang nhác con gái ông. Nỗi nhớ thương cứ đong đầy khi tình yêu đó như một cuộc tình đơn phương khi tuổi tác của đôi bạn tình quá khập khiễng. 10 năm tạm biệt ánh đèn sân khấu. Có ai đó cho rằng, cái tình yêu đơn phương ấy đã giết chết ông. Dù cả hai cùng tự nguyện ra đi nhưng sự cô đơn là nỗi đau vô bờ bến nhất mà con người khó vượt qua nổi.

Có lẽ chưa có nhiều người dám công nhận là mình thất bại. Nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng lại khác. Ông công nhận mình là người thất bại trong kinh doanh nhưng sự thất bại đó lại mở ra cho ông một cơ hội mới để làm những việc thực sự có ích cho cuộc đời, đúng với tài năng và tâm sức của ông. Cũng là một con người, một sự rơi đột ngột khiến người ta hoảng hốt. Thanh Tùng không vậy sao được khi trái tim ông lúc nào cũng đỏ nồng sự nhiệt huyết.

Đã có lúc Thanh Tùng tưởng mình quỵ hẳn. Nhưng 3 đứa con và những nốt nhạc đầy ý nghĩa đã mang đến cho ông một hạnh phúc mới. Người vợ ra đi, để lại một tấm chồng và ba đứa con nhỏ. Để nuôi con ăn học, ông đã từng bước sang thế giới doanh nhân, trở thành nhà kinh doanh với sản phẩm nước khoáng Tubo. Thanh Tùng ít nói lắm về câu chuyện kinh doanh không may mắn.

Ai hỏi ông cũng chỉ nói một câu: “Tôi là một người thất bại khi làm kinh doanh”. Chỉ đến khi khi hỏi chuyện một người bạn mới biết trong khoảng thời gian đó, Thanh Tùng đã trích khá nhiều tiền để làm từ thiện. Một trong những hoạt động đó là dành tặng 200 triệu để xây trường học cho các em bên bãi Phúc Tân, Phúc Xá - một vùng có rất nhiều các em nhỏ phải lang bạt để kiếm tiền. Khi hỏi lại ông, chẳng bao giờ ông kể về điều ấy. Có thể bởi những điều giản dị ấy mà nhạc sĩ Thanh Tùng, dù có "ở ẩn" chục năm hay chẳng ra mắt một ca khúc nào trong một thời gian dài thì ông vẫn được mọi người chờ đón mỗi khi xuất hiện.

Theo Lao Động Thủ Đô

Theo Lao Động Thủ Đô

Bạn có thể quan tâm